Sinh Hoạt

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây tham dự Thánh lễ Công lý – Hòa Bình


Tín đồ PGHH bên trong Thánh đường DCCT SG
Tối ngày 25/5/2014, tại Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) miền Tây đã tham dự buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa Bình vào mỗi chủ nhật cuối của tháng. Cũng như các tín hữu Công giáo, những tín đồ PGHH miền Tây luôn nguyện cầu cho “quốc thái dân an, thiên hạ thái bình” và điểm chung này đã đưa các tín đồ PGHH hiền lành, chân chất vào trong ngôi thánh đường sang trọng của Công giáo.



Các tín đồ PGHH cầm biểu ngữ có tên và hình ảnh các tù nhân lương tâm trước khi bắt đầu chương trình thắp nến cầu nguyện 
Những chiếc áo màu dà ngồi trang nghiêm trong Thánh đường Công giáo không còn là điều lạ trong thời gian gần đây tại Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn. Sự hòa hiệp Tôn giáo, là một cơ hội cho các Tôn giáo đến với nhau trong tình thương yêu và hiệp thông, cùng chung một lời nguyện cầu cho đất nước và những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù cộng sản. Qua những buổi hiệp thông cầu nguyện, các tín đồ PGHH rất ấm lòng vì có được những sự cảm thông của một tôn giáo lớn chia sẽ cho một tôn giáo nhỏ luôn thường xuyên bị đàn áp bởi nhà cầm quyền.

Các linh mục làm các bí – tích cho nhạc sỹ Tô Hải 
Trong buổi Thánh lễ tối ngày 25/5, các tín đồ PGHH cũng đã chúc mừng nhạc sỹ Tô Hải khi ông  được các Linh mục làm phép rửa tội và trở thành một tín hữu Công giáo. Từ một người vô thần theo học thuyết cộng sản, ông đã từ bỏ đảng cộng sản vào năm 1960. Đến nay ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhạc sỹ Tô Hải đã tìm được Đức tin của mình. Linh mục Vũ Khởi Phụng, Cha bề trên của Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), đã nhận là Cha đỡ đầu cho nhạc sỹ Tô Hải.

Cuối Thánh lễ, nhiều tín đồ Công giáo đã đến gặp các tín đồ PGHH để hỏi thăm về cuộc sống, về Đức tin của người PGHH mà họ cũng chính là những người nông dân làm ra hạt gạo nuôi sống dân cư Sài Gòn. Các tín hữu Công giáo hy vọng sẽ có dịp về miền Tây và đến thăm gia đình các tín đồ PGHH. Chia tay, trong niềm lưu luyến, hai Tôn giáo nhưng cũng là một nghĩa đồng bào, xin hẹn ngày tái ngộ.

Kim Phượng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét