Sinh Hoạt

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền ( bản dịch Tiếng Việt đầu tiên)

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ) là văn kiện đầu tiên và duy nhất tổng hợp các
nhân quyền trên thế giới. TNQTNQ được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày
10.12.1948 cho nên các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và bảo
vệ các nhân quyền này. TNQTNQ được dịch ra trên 300 thứ tiếng và như thế là văn bản được
các quốc gia trên thế giới chấp nhận rộng rãi nhất. 

TNQTNQ gồm phần dẫn nhập và 30 điều khoản qui định về nhân quyền (số thứ tự được dùng
sau đây cũng là số của điều khoản liên hệ trong TNQTNQ). Phần diễn giải được lấy từ tài liệu
„Simplified version of UDHR“ 
http://www.ohchr.org/Documents/Publications/ABCannexesen.pdf .

Những nguyên tắc căn bản
1.  Nhân Phẩm và Nhân Quyền Tự Thân

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và nhân
quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối
xử với nhau trong tinh thần anh em. 
Diễn giải Điều 1 TNQTNQ:  Từ khi sinh ra trẻ em đã tự do và mỗi em cần phải
được đối xử giống nhau. Các em đều có lý trí và lương tâm và cần đối xử tử tế
với nhau.  

2.  Nhân Quyền là Phổ Quát

(1) Tất cả mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được liệt kê
trong Tuyên Ngôn này mà không phải chịu bất cứ một sự phân biệt nào, chẳng
hạn như về chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính
trị hay quan điểm nào khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi
hay địa vị gì khác. 
(2) Cũng không được có sự phân biệt đối xử đối với con người dựa trên vị thế
về chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hoặc của lãnh thổ mà họ đó
thuộc về đó, cho dù quốc gia hay lãnh thổ này đã được độc lập hay còn bị đặt
dưới sự bảo hộ, không được tự quản hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ
quyền. 
Diễn giải Điều 2 TNQTNQ:  Mọi người có thể đòi hỏi những quyền sau đây
cho dù họ 
  khác nhau về màu da, 
  khác nhau về phái tính, 
  nói các ngôn ngữ khác nhau,  
  suy nghĩ khác nhau,
  tin vào các tôn giáo khác nhau,, 
  có nhiều hay ít của cải,
  thuộc về các tầng lớp xã hội khác nhau,
  đến từ các quốc gia khác nhau.
Ngoài ra bạn cũng có những quyền này dù xứ của bạn đã hay chưa được
độc lập.


Các quyền tự do hoặc quyền dân sự  về THÂN THỂ
3.  Quyền Sống, Quyền Có Tự Do và Được An Toàn 
TNQTNQ 2

 Tất cả mọi người đều có quyền được sống, quyền có tự do và an toàn cá nhân.
Diễn giải Điều 3 TNQTNQ: Bạn có quyền được sống, và được sống trong tự
do và an toàn.

4.  Quyền Không Bị Làm Nô Lệ 

Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay tôi tớ. Mọi hình thức giữ và buôn bán nô
lệ đều bị nghiêm cấm. 
Diễn giải Điều 4 TNQTNQ:  Không ai có quyền đối xử với bạn như là nô lệ
của họ và bạn cũng không nên bắt ai làm nô lệ cho bạn.

5.  Quyền Không Bị Tra Tấn
 
Không ai có thể bị tra tấn hoặc bị đối xử hay bị bắt chịu hình phạt một cách dã
man, vô nhân đạo hay nhục nhã.
Diễn giải Điều 5 TNQTNQ:  Không ai có quyền tra tấn bạn.

       …về PHÁP LÝ
6.  Quyền Có Tư Cách Pháp Nhân Trước Pháp Luật 

Mỗi người có quyền đòi hỏi được công nhận tư cách pháp nhân ở bất cứ nơi
nào.
Diễn giải Điều 6 TNQTNQ:  Bạn phải được luật pháp bảo vệ giống nhau ở mọi
nơi và giống như mọi người khác.

7.  Quyền Được Bình Đẳng Trước Pháp Luật 

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được pháp luật bảo
vệ như nhau mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người
đều có quyền đòi hỏi được pháp luật bảo vệ như nhau để chống lại mọi hành vi
phân biệt đối xử đi ngược với Tuyên ngôn này cũng như để chống lại mọi hành
vi xúi giục dẫn đến một sự phân biệt đối xử như vậy.
Diễn giải Điều 7 TNQTNQ:  Luật pháp giống nhau cho mọi người và được áp
dụng giống nhau cho mọi người.

8.  Quyền Được Toà Án Bảo Vệ  

Bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ
một cách hữu hiệu trước những hành vi vi phạm các quyền căn bản của mình
đã được hiến pháp hoặc luật pháp thừa nhận.
Diễn giải Điều 8 TNQTNQ:  Bạn phải có thể xin được tòa án bảo vệ cho bạn
nếu những quyền mà bạn có trong quốc gia của bạn không được tôn trọng.

9.  Quyền Không Bị Giam Giữ Trái Phép 

Không một ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay trục xuất khỏi nước một cách
độc đoán. 
Diễn giải Điều 9 TNQTNQ:  Không ai có quyền bỏ tù bạn, giam giữ bạn hoặc
đưa bạn ra khỏi quốc gia của bạn một cách không đúng đắn hoặc không có lý
do đúng đắn.

10. Quyền Được Xét Xử Công Bằng  
TNQTNQ 3

Mỗi người đều có quyền như nhau trong việc đòi hỏi một toà án độc lập và vô
tư mở phiên xử công khai và công bằng về quyền, trách nhiệm của họ cũng
như về bất cứ sự buộc tội hình sự nào đối với họ.
Diễn giải Điều 10 TNQTNQ: Nếu bạn bị đem ra xử án thì phiên tòa này phải
công khai. Những người xử bạn không thể bị ảnh hưởng tác động của người
khác.
  
11. Quyền Được Suy Đoán Vô tội và Bất Hồi Tố

(1) Mỗi người, khi bị cáo buộc về hành vi phạm tội hình sự, có quyền đòi hỏi
được xem là vô tội cho đến khi họ bị một toà án mở phiên xử công khai, trong
đó họ có đủ mọi điều kiện để biện hộ, kết án theo đúng luật pháp.
(2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay
không làm, nếu vào thời điểm xảy ra những điều này luật pháp quốc gia hay
luật pháp quốc tế đã không xem những điều ấy là tội hình sự. Không ai có thể
bị tuyên một án phạt nặng hơn hình phạt đã được luật pháp quy định vào thời
gian phạm pháp.
Diễn giải Điều 11 TNQTNQ:  Bạn phải được xem là không có tội cho đến khi
người ta chứng minh được rằng bạn có tội. Nếu bị cáo buộc một tội gì thì bạn
luôn luôn phải được quyền tự bào chữa. Không ai có quyền tuyên án và trừng
phạt bạn vì một việc mà bạn đã không làm.

       …về  AN CƯ
12. Quyền Được Bảo Vệ Đời Sống Riêng Tư (Gia Đình, Nhà Riêng, Thư Tín,
Danh Dự, Tiếng Tăm) 

Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời sống riêng, gia đình,
nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi
người đều có quyền được luật pháp bảo vệ trước những xâm phạm hoặc xúc
phạm như vậy.
Diễn giải Điều 12 TNQTNQ: Bạn có quyền đòi hỏi được bảo vệ nếu có ai tìm
cách xúc phạm đến danh dự của bạn, vào nhà bạn, mở thư của bạn, hay gây
phiền toái cho bạn và gia đình bạn mà không có lý do đúng đắn.

13. Quyền Tự Do Đi Lại Và Cư Trú 

(1) Tất cả mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi biên giới
của mỗi quốc gia. 
(2) Tất cả mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình,
và quyền trở về nước mình.
Diễn giải Điều 13 TNQTNQ:  Bạn được quyền đi và đến bất cứ nơi nào trong
xứ của bạn. Bạn có quyền rời khỏi nước của bạn để đi đến một quốc gia khác;
và bạn phải có quyền trở lại nước của bạn nếu bạn muốn.

14. Quyền Tị Nạn  

(1) Mỗi người có quyền đi lánh nạn và được cho lánh nạn ở những quốc gia
khác khi bị truy bức. 
(2) Quyền này không được xét đến, nếu đương sự thật sự bị truy nã vì các hành
vi phạm tội không mang tính chính trị, hay do những hành vi trái với những
mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. 
TNQTNQ 4
 Diễn giải Điều 14 TNQTNQ:  Nếu ai đánh bạn thì bạn có quyền đi đến một
quốc gia khác và xin quốc gia này bảo vệ cho bạn. Bạn sẽ mất quyền này nếu
bạn giết người hoặc nếu bạn không tôn trọng nhân quyền của người khác.

15. Quyền Có Quốc Tịch 

(1) Tất cả mọi người đều có quyền có một quốc tịch. 
(2) Không một ai có thể bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền được thay
đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Diễn giải Điều 15 TNQTNQ:  Bạn có quyền được thuộc về một quốc gia và
không ai có thể ngăn cản bạn thuộc về một quốc gia khác mà bạn muốn nếu
không có lý do đúng đắn.

16. Quyền Tự do Kết Hôn và Lập Gia Đình 

(1) Đàn ông và đàn bà ở tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình,
mà không phải chịu hạn chế vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có
quyền bình đẳng khi kết hôn, trong hôn nhân và lúc chầm dứt hôn nhân. 
(2) Việc kết hôn chỉ có thể tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự do của
hai người muốn kết hôn. 
(3) Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và
cần được xã hội và nhà nước bảo vệ.
Diễn giải Điều 16 TNQTNQ:  Khi được luật pháp công nhận trưởng thành, bạn
có quyền kết hôn và lập gia đình. Màu da, quốc tịch hay tôn giáo không phải là
lý do ngăn cản bạn làm điều này. Đàn ông và đàn bà có những quyền như nhau
khi kết hôn, trong hôn nhân và khi ly thân hay ly hôn.
Không ai có quyền bắt bạn kết hôn. Chính quyền nước bạn cần bảo vệ gia đình
bạn và các thành viên gia đình bạn.

17. Quyền Sở Hữu :

(1) Tất cả mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung
với những người khác. 
(2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Diễn giải Điều 17 TNQTNQ: Bạn có quyền có tài sản riêng và không ai có
quyền lấy tài sản của bạn mà không có lý do đúng đắn. 

       …về TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO, PHÁT BIỂU, HỘI HỌP 
18. Quyền Tự Do Tư Tưởng, Lương Tâm và Tôn Giáo :

Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn
giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan
của mình cũng như quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình
bằng cách giảng dạy, thực hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều  cho riêng cá
nhân mình hay chung với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng
tư.
Diễn giải Điều 18 TNQTNQ:  Bạn có quyền tự do tin vào tôn giáo của bạn,
thay đổi tôn giáo, và thực hành tôn giáo một mình hay cùng với những người
khác.

19. Quyền Tự Do Phát Biểu Quan Điểm  
TNQTNQ 5

Tất cả mọi người đều có quyền tự do có quan điểm và quyền tự do bày tỏ quan
điểm. Quyền này bao gồm tự do giữ và bày tỏ quan điểm mà không bị ai quấy
rầy và tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin và ý kiến qua mọi
phương tiện truyền thông bất kể biên giới quốc gia.
Diễn giải Điều 19 TNQTNQ:  Bạn có quyền nghĩ bất cứ điều gì bạn muốn, nói
bất cứ  điều gì bạn thích và không ai được phép cấm bạn làm những điều này.
Bạn phải được quyền chia xẻ suy nghĩ của bạn với những người khác ở bất cứ
quốc gia nào.

20. Quyền Tự Do Hội Họp và Tự Do Lập Hội:

(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa. 
(2) Không một ai có thể bị bắt buộc phải gia nhập vào một hội đoàn.
Diễn giải Điều 20 TNQTNQ: Bạn có quyền tổ chức hoặc tham dự các buổi họp
một cách ôn hòa. Không ai được phép bắt bạn phải gia nhập một nhóm.

       …về CHÍNH TRỊ

21. Quyền Tham Gia vào việc Điều Hành Đất Nước Dân Chủ:

(1) Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành đất nước của
mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do. 
(2) Tất cả mọi người đều có quyền nhận làm những chức vụ công cộng trong
quốc gia một cách bình đẳng.
(3) Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn
này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử thực sự và định kỳ, theo nguyên
tắc đầu phiếu phổ thông và bình đẳng, bằng phiếu kín, hay các thể thức bầu cử
tự do tương đương như vậy.
Diễn giải Điều 21 TNQTNQ:  Bạn có quyền tham dự vào việc điều hành xứ sở
của bạn bằng cách tham gia vào chính phủ hoặc bằng cách chọn những chính
trị gia có cùng chính kiến như bạn.
Các chính phủ phải được bầu lên một cách thường xuyên và cuộc bầu cử phải
kín. Bạn phải có quyền bỏ phiếu và mọi lá phiếu phải bình đẳng với nhau. Bạn
phải có quyền nhận chức vụ công cộng giống như mọi người khác.

Các quyền trong lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá 
22. Quyền An Sinh Xã Hội:

Với tư cách là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền được hưởng an
sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa là
những điều không thể thiếu được cho nhân phẩm và việc tự do phát huy nhân
cách của mình; Những quyền này sẽ  được thực hiện bằng những nỗ lực quốc
gia và hợp tác quốc tế cũng như tuỳ theo cách thức tổ chức và tài nguyên của
mỗi quốc gia.
Diễn giải Điều 22 TNQTNQ: Xã hội mà bạn đang sống phải giúp bạn phát
triển và tận dụng tối đa tất cả các phúc lợi về văn hóa, việc làm và an sinh xã
hội dành cho bạn và cho tất cả đàn ông và đàn bà trong xứ của bạn.
 
23. Quyền Có Việc Làm và Được Trả Lương Xứng Đáng:

(1) Tất cả mọi người có quyền có việc làm, quyền tự do chọn việc làm, quyền
được hưởng các điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, và quyền được bảo
vệ chống thất nghiệp.   
TNQTNQ 6

(2) Tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi được trả lương như nhau cho công
việc giống nhau mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào.  
(3) Tất cả mọi người đi làm đều có quyền được trả thù lao một cách công bằng
và tương xứng để có thể bảo đảm một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm cho
bản thân và gia đình mình; Nếu cần, tiền lương này sẽ được bù đắp thêm bằng
các phương tiện an sinh xã hội khác. 
(4) Tất cả mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn
để bảo vệ quyền lợi của mình.
Diễn giải Điều 23 TNQTNQ: Bạn có quyền được làm việc, được tự do chọn
công việc, và được nhận đồng lương đủ để nuôi bạn và gia đình bạn. Nếu
người đàn ông và đàn bà cùng làm một công việc thì họ phải được trả lương
giống nhau. Tất cả mọi người đi làm đều có quyền được hợp quần với nhau để
bảo vệ quyền lợi của họ.

24. Quyền Nghỉ Ngơi và Giải Trí:

Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng sự nghỉ ngơi và có thời gian rảnh
rỗi, trong đó có việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc cũng như có các ngày nghỉ
định kỳ có trả lương.
Diễn giải Điều 24 TNQTNQ:  Mỗi ngày làm việc không được phép quá dài vì
mỗi người có quyền được nghỉ ngơi và phải có thể lấy ngày nghỉ có lương một
cách đều đặn.

25. Quyền Có Đời Sống Thoải Mái:

(1) Tất cả mọi người có quyền được hưởng một mức sống khả quan đủ bảo
đảm về sức khỏe và sự an vui cho bản thân và gia đình, trong đó có cả các vấn
đề liên quan thực phẩm, quần áo, chỗ ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội
cần thiết. Tất cả mọi người có quyền được hưởng an sinh xã hội khi bị lâm vào
tình trạng thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay mất phương tiện
mưu sinh do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
(2) Các bà mẹ và trẻ em có quyền đòi hỏi được chăm sóc và trợ giúp đặc biệt.
Tất cả mọi trẻ em, dù là con chính thức hay ngoại hôn, đều được xã hội bảo vệ
một cách bình đẳng.
Diễn giải Điều 25 TNQTNQ: Bạn có quyền được có được bất cứ những gì bạn
cần có để bạn và gia đình bạn: không bị đau ốm, không bị đói, có quần áo và
nhà ở; để được trợ giúp nếu bạn không làm việc được, nếu bạn bị ốm đau, nếu
bạn già yếu, nếu vợ hoặc chồng bạn bị chết, hay khi bạn không thể tự kiếm
sống bởi bất cứ lý do nào ngoài ý muốn của bạn.
Người mẹ sắp sinh con và con của bà cần phải được trợ giúp đặc biệt. Tất cả
trẻ em đều có những quyền giống nhau cho dù mẹ chúng có hay không có
chồng.

26. Quyền Được Hưởng Sự Giáo Dục 

(1) Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng sự giáo dục. Giáo dục phải
được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học. Giáo dục cấp tiểu học có tính cưỡng
bách. Giáo dục kỹ thuật và giáo dục chuyên nghiệp phải được mở rộng cho
mọi người và giáo dục cao cấp phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người
dựa trên tiêu chuẩn tài năng. 
(2) Giáo dục phải được điều hướng làm sao để có thể  phát triển đầy đủ nhân
cách, và để tăng cường sự tôn trọng các nhân quyền và các tự do căn bản. 
TNQTNQ 7

Giáo dục phải đề cao sự thông cảm, sự bao dung, và sự thân thiện giữa mọi
quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ cho các hoạt động gìn
giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục con cái mình.
Diễn giải Điều 26 TNQTNQ:  Bạn có quyền được đi học và mọi người phải đi
học. Việc học các lớp tiểu học phải miễn phí. Bạn cần phải được học một cái
nghề hoặc tiếp tục học lên cao khi bạn muốn. Ở trường bạn phải được phát
triển mọi tài năng và bạn phải được giáo dục để thông cảm những người khác
dù họ có thuộc về bất cứ chủng tộc, có bất cứ màu da hay quốc tịch nào khác.
Cha mẹ bạn có quyền chọn nội dung và cách giáo dục bạn.

27. Quyền Được Tham Gia Vào Đời Sống Văn Hoá Của Cộng Đồng

(1) Tất cả mọi người có quyền được tự do tham gia vào sinh hoạt văn hóa của
cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và được hưởng các tiến bộ cũng như
lợi ích của khoa học. 
(2) Tất cả mọi người có quyền nhận được sự bảo vệ về tinh thần cũng như vật
chất đối với tác quyền trên các tác phẩm khoa học, văn chương hay nghệ
thuật.
 Diễn giải Điều 27 TNQTNQ: Bạn có quyền được hưởng lợi từ nghệ thuật và
khoa học của cộng đồng và từ tất cả những điều tốt lành của chúng. Công việc
của nghệ sĩ, nhà văn hoặc khoa học gia phải được bảo vệ, và bạn phải có thể
sống bằng công việc này.
 
Các quy định chung
28. Quyền Được Hưởng Trật Tự Xã hội và Trật Tự Quốc Tế theo TNNQQT

Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc
tế, trong đó các quyền và các tự do được nêu trong Tuyên Ngôn này được thực
hiện đầy đủ.
Diễn giải Điều 28 TNQTNQ:  Để bảo đảm rằng các quyền của bạn được tôn
trọng, người ta cần một „trật tự“ để có thể bảo vệ chúng. Loại „trật tự“ này có
thể mang tính địa phương hay quốc tế.

29. Các Giới Hạn của Nhân Quyền Trong Xã hội Dân Chủ

(1) Tất cả mọi người đều có những bổn phận đối với cái cộng đồng mà chỉ
trong đó họ mới có thể phát triển một cách toàn vẹn và tự do nhân cách của
mình. 
(2) Khi hành xử những quyền và tự do, tất cả mọi người chỉ phải chịu những
giới hạn nhất định do luật pháp đặt ra để cho những quyền và tự do của người
khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, cũng như để cho những đòi hỏi chính
đáng về đạo lý, trật tự công cộng, và sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ
được thỏa mãn. 
(3) Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này
cũng không đi ngược với những mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Diễn giải Điều 29 TNQTNQ: Bạn cần phải có bổn phận đối với cộng đồng mà
trong đó nhân cách của bạn có thể được phát triển đầy đủ. Pháp luật phải bảo
vệ cho nhân quyền. Luât pháp phải tạo điều kiện để mỗi người phải tôn trọng
người khác và được người khác tôn trọng mình.
 
30. Nghiêm Cấm Triệt Tiêu Các Nhân Quyền và Tự Do 
TNQTNQ 8

Không một điều nào trong Tuyên Ngôn này có thể được diễn giải để cho phép
một quốc gia, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm
hay hành động nhằm tiêu hủy bất cứ quyền và tự do nào được liệt kê trong
Tuyên Ngôn này.
Diễn giải Điều 30 TNQTNQ:  Không có bất cứ xã hội hoặc con người nào ở
bất cứ phần nào trên thế giới được phép phá hoại các quyền mà bạn vừa đọc
qua.
 Vũ Quốc Dụng dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét