Sinh Hoạt

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Vài suy nghĩ về Phật Giáo Hòa Hảo

Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp. Trước kia đã có lần tôi viết Việt Nam là đại diện cuối cùng của tinh thần nông nghiệp, nhưng nay, sau thời kỳ nhuộm đỏ không biết lúc nào mới dứt, thì không biết điều đó có còn lấy lại được chăng; nhưng về Phật Giáo Hòa Hảo thì tôi tin là sẽ còn được, xét cả về môi sinh lẫn nền đạo lý.

Về môi sinh, thì đây là miền nông nghiệp trù phú nhất nước, với năng xuất gần gấp đôi các nơi (3 triệu tấn lúa cho 1.885.000 mẫu, so với suýt soát 17 triệu tấn cho 17.326.000 mẫu trong toàn quốc). Số dân là hai triệu ở khắp trong 15 tỉnh miền Hậu Giang. Đông nhất là Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong tức là khối lớn, lại thêm đông đặc và được tổ chức thành hàng ngũ rất chặt chẽ, thì dễ đủ sức đương đầu với mọi thử thách, dù cam go đến đâu. Nhất lại về đàng giáo lý thì đã đạt được nét đặc trưng cao nhất có thể. Trên đời mới thấy xảy ra ở đây là một:

Đường tu tiến của con người có thể chia làm ba giai đoạn lớn là Hữu Vi, Vô Vi, và An Vi.

Hữu Vi đi với Địa
Vô Vi đi với Thiên
An Vi đi với Nhân

Ở Địa, nhập thế chuyên về vật thể, thành tựu ở khoa học.
Ở Thiên là xuất thế chuyên về tâm linh, thành tựu ở Huyền niệm.
Ở Nhân là xử thế, chuyên về nhân luân, thành tựu ở Tứ hải một nhà.


Đó là nói về tu tiến chuyên biệt, còn thông thường thì đời sống con người phải gồm cả ba Thiên, Địa, Nhân ở trình độ phổ cập của lương tri. Đó là minh triết thông thường mà Hi Lạp gọi là Sophia. Trong đời sống thông thường thì phải có cả ba: đâu đâu cũng vậy; nhưng lên đến đợt Triết khi thiên, địa, nhân trở thành chuyên biệt thì hầu như không thông với nhau nữa, mà cho đến nay hầu như chưa có ai nhảy ra được khỏi phạm vi của mình, mà chỉ thành công trong địa hạt đó. Âu Tây thành đạt trong khoa học (duy địa) Ấn Độ trong huyền niệm. Cả hai không có thiên tài triết nào vượt qua địa vực mình, để vào đợt Nhân sinh xử thế, mặc dầu thiên tài thì đầy. Nhưng mọi thử thách để vượt sang địa hạt nhân đều thất bại kiểu nọ hoặc kiểu kia. Bước vào đời mới, chế độ nông nô bên Âu Châu có được phá vỡ, nhưng không do triết cho bằng do khoa học kỹ thuật.

Thử thách triết lý để giải phóng con người, rõ nhất bên Tây Âu là thuyết Karl Marx đã muốn cứu con người khỏi mọi bất công chênh lệch, bằng cách phá hết mọi ràng buộc tự do con người (nên đưa ra thuyết tam vô) để mọi người được sống trong tình huynh đệ… nhưng Cộng sản đã thất bại ê chề. Nói cho chính xác, thì chỉ có thành công phá đổ nhưng thất bại trong việc kiến thiết. Lý do là triết đó chưa ra khỏi cảnh vực của Âu Tây là địa: như hai chữ Cộng sản, Tư bản nói lên điều đó. Nói theo Nho, cả hai còn bì bõm trong cõi mạt, cõi ngành, chưa động đến cõi bốn gốc được chút nào hết.

Bên Ấn Độ cũng tương tự như vậy, thiên tài lớn nhứt hiện nay là Rajneesh cũng dốc lòng đi đến cái biết toàn trị, đi đến xã hội đại đồng phong lưu dư vật, và mặc dầu ông kính tôn Đức Thích Ca hết mình, nhưng không ngần ngại buộc tội cho Đức Như Lai cùng với Mahavir bên đạo Jaina và Krishna bên đạo Bà La Môn phải chịu hết trách nhiệm về sự vụ Ấn Độ suốt 25 thế kỷ qua phải triền miên nằm trong cảnh đói rét nô lệ, chậm tiến. Ông ước ao có được một xã hội no đủ dư thừa, không giai cấp, nên cũng chủ trương vô gia đình, vô quốc gia, vô tôn giáo (mặc dầu ông chống Cộng hết cỡ), nhưng không sao bước vào cõi nhân sinh được. Sự bất lực đó được biểu lộ trong câu tuyên bố: “Không ai có thể vừa là tôn giáo vừa là chính trị gia, ngay cả Gandhi cũng thế” (Tao: the pathless path 336). Và ông chống đối Khổng Tử hết lời vì đã coi chính trị là mối lớn nhứt trong đạo nhân sinh (nhân đạo dĩ chính vĩ đại), với Nho thì triết gia cao nhất phải là người có khả năng “an bang tế thế”… Còn Rajneesh khinh khi cực kỳ mọi chính trị gia, cho đó chỉ là những người hạng bét, nên ông không tiếc lời mạt sát hết thảy. Đó là dấu tỏ có một sự ngăn cách vô hình nào tự thiên địa đi sang nhân, mà từ xa xưa tới nay chưa ai bước qua được, kể cả Hoa Phật lẫn Việt Phật.

Phật giáo truyền vào Tàu dưới hình thức Vô Vi trọn vẹn được biểu lộ một cách chói chang bằng chín năm ngồi quay mặt vào tường của Bồ Đề Đạt Ma đến bại xuội chân, với việc Tổ Huệ Khả chặt cánh tay để xin được điểm đạo. Chẳng biết tay có bị chặt, chân có bị bại thật chăng, nhưng đó quả là những tiêu biểu nói lên tính cách vô-vi cùng cực là không hành, không tác, tức không dây mình vào chính trị. Đó là điều không thể sống trong đất nhân sinh bên Đông Bộ, nơi con người được định nghĩa là Tác Viên, tức bản tính con người là tác năng giữa trời cùng đất, và lý tưởng của bậc tiến cao nhất gọi thánh nhân phải là làm thế nào để cuộc sống nhân sinh được “dân giàu nước mạnh”, không những có đủ ăn mặc cho mọi người, mà còn phải biết sống an nhiên tự tại, tức cuộc sống phải có lễ nhạc (có nghệ thuật) và đến cùng cực thì còn có cả những phút xuất thần để phối thiên phối địa. Vì hai quan niệm khác nhau là thế, nên lịch sử Phật giáo bên Đông Bộ chính là một tiến trình thích nghi với cuộc sống nọ: từ bước nhỏ tới bước lớn. Bước đầu tiên là Tịnh Độ của nhà sư Huệ Viễn ở tại vất sách vở suy luận đi, để chỉ có niệm, chỉ một niệm A Di Đà Phật đã đủ vãng lai Tây phương cực lạc thế giới. Sau đó đến các bước Thiên thai với câu thời danh “lý sự vô ngại”. Rồi tới thuyết ngũ-thời của Hoa Nghiêm nhằm hòa hợp tiểu thừa vô vi với đại thừa, muốn bước vào hành động, chứ không chỉ có tĩnh tọa như bên Ấn Độ, nhưng đó mới là hành động bằng lý trí. Phải cho đến Tổ Huệ Năng mới đi thẳng vào hành động bằng hành thiền: hành thực sự như xay thóc, giã gạo, nhặt củi… đã là thiền, không cần sách vở với tĩnh tọa mới là thiền…

Tuy Tổ Huệ Năng đã làm một cuộc cách mạng rất lớn, nhưng cũng chưa đi vào đến đầu mối của cuộc nhân sinh, tức là chính trị, phải đợi đến hai nhà Lý, Trần bên Việt Nam ta mới gặp Trúc Lâm Thiền Sư tức là chính vua Trần Nhân Tôn thì Phật mới thực sự đi vào đời, khi hiểu đời là chính trị, là trị nước, bình thiên hạ, với thành quả chói chang rực rỡ. Tuy nhiên đó cũng chưa chắc hẳn đã là bước qua cửa triết, mà hầu chắc mới là lối lương tri. Vì vua phải làm thế là do vị của mình vốn gắn liền với trị nước, nên phải trị nước như một bổn phận, chứ không do một triết lý mọc lên từ nền tảng bảo phải làm chính trị, tức không do đạo lý của Phật. Vì nếu thế thì vua phải để lại một chữ đạo. Đây không thấy (hoặc có mà bị quân Minh lấy mất chăng?) tức là bước chính cốt có tánh cách cơ cấu chưa đi được. Tóm lại, sự nhập cuộc ở đợt lương tri, có cao hơn đợt xã hội từ thiện, nhưng chưa là chính trị.
Bước quyết liệt này mới xảy ra với Phật Giáo Hòa Hảo, là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, kể cả Phật giáo Tàu và Việt, nó đã xảy ra cách rõ ràng dứt khoát như được tuyên bố rõ rệt trong bốn chữ “tu nhân” và “tứ ân”. Trước hết là câu nói “học Phật tu Nhân”. Đó quả là bước từ Thiên tới Nhân rõ rệt. Nhưng đó mới là câu tuyên bố tiên thiên, có thể là do cao hứng. Phải xem kỹ hơn có hậu chăng. Thưa có. Đó là thuyết Tứ Ân:

1. Ân Tổ tiên Cha Mẹ
2. Ân Đất Nước
3. Ân Tam bảo
4. Ân Đồng bào Nhân loại

Như vậy là dù cả bốn bước Tu, Tề, Trị, Bình rồi. Quả là chính trị đẫy đà. Chính là nhân đạo đẫy tròn viên mãn gồm đủ:

Tu ở tu nhân
Tề ở ân tổ tiên cha mẹ
Trị ở ân đất nước
Bình ở ân đồng bào nhân loại

Đó là kiện chứng minh bạch dứt khoát. Kiện chứng thứ hai và rất đặc biệt, đó là bản thân Đức Huỳnh Giáo Chủ không là một tăng lữ mà chỉ là một cư sĩ tại gia, là một nhà ái quốc, một nhà đại cách mạng đã lập ra đảng Dân Xã, tức có chủ trương, có sách vở, có cơ cấu tổ chức đầy đủ, không thể nghĩ ngợi gì nữa. Đó quả là một thành tựu, cho tới đó chưa ai hiện thực nổi. Đó là bước từ đạo Phật bước vào đạo Nhân, tức từ Tài Thiên đi sang Tài Nhân.
Đến khi đi vào chi tiết càng thấy rõ cái bước sang qua xảy ra từ cơ cấu nền tảng, nên rất giống Việt Nho. Thí dụ: Việc nhấn mạnh cần phải học hành, không được tin mù quáng, dù ông thầy có đáng kính mấy cũng phải đưa óc thông minh ra để xét lời thầy trước đã, có nên tin hay chăng. Rất giống Nho đặt Trí lên đầu: Trí nhân dũng.

Về thờ tự, thì cắt hết mọi phiền toái. Không nhận thầy cúng, thầy tế, thầy bói, thầy phù thủy. Không cho đốt vàng mã. Thờ Phật thì không có tượng, mà chỉ có một tấm vải màu dà để tượng trưng sự hòa hợp nhân loại. Đã không chuông không mõ, không cho dâng cúng chè xôi, thực phẩm. Không cấm sát sinh, chỉ cấm sát sinh để tế. Không có cả chùa, chỉ có “độc giảng đường”, không phải để ở, mà chỉ để giảng đạo, giống như Văn Miếu bên Nho vậy…

Quả là một kết tinh của Tam giáo.

Phật thì đã bỏ tượng, bỏ chùa, chỉ còn tên, và giáo lý để đúng với câu “học Phật tu Nhân”. Thuyết là thuyết Phật, nhưng thực hiện thì lại là Nhân. Đúng ra thì cũng là thực hiện Phật, vì giữa Phật và Nho có rất nhiều mẫu số chung, như “tự lực tự cường”. Phật nói hãy thắp đèn mình mà đi thì Nho cũng nói “doãn chấp kỳ trung”; nền tảng như nhau, nhất là cả hai đều căn cứ trên Đạo Trống để bàn nơi khác.

Pháp thì sự nhận định tính cách vô thường của các pháp rất giúp vào việc tạo dựng nên tâm hồn xả bỏ, là điều quý vô cùng nơi nhà cai trị, để dễ có lòng thái công là chìa khóa cho sự thành công trong lãnh vực chính trị. Ngoài ra còn một số những điều rất khó có thể hiểu cho người thông thường, như là thuyết “thập nhị nhân duyên”, thì đề ra cho dân kính bái vậy thôi.

Tăng thì kể như không có. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là tại gia, không nhận sư ni, nhưng theo lối nhu thuận của Nho, là không chống đối, mà chỉ “kính nhi viễn chi”, sau khi dặn dò phòng bị những tăng sư giả mạo, như về việc ma chay giỗ chạp, thì dạy rằng: “giá trị ở chỗ tu tâm”, tự mình cầu nguyện, khỏi đi thuê khoán ai cầu cho…vvv…

Tóm lại, xét chung nội dung giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thì chính là đạo Nhân, nhưng bọc ngoài bằng danh Phật. Thế mà lại giữ được nét sùng mộ nhiệt tính của Phật giáo để đóng góp, nên có thể bù trừ cho đạo Nhân nơi Nho. Đạo Nho là một thứ đạo “ung dung tự tại” vì đạo nhân đã có đủ thiên địa nơi mình, khỏi cần phải bước đi đâu (vạn vật gia bị ư kỷ). Đó là chỗ cao cả nhưng cũng là chỗ yếu kém của Nho. Cao cả cho những tâm hồn có óc siêu lý cảm thấy được an nhiên tự tại: còn đối với đại chúng thì khó thấy được, nên cần có sự thúc đẩy mạnh hơn. Vậy về điểm này thì sau những thập niên tàn phá dữ dội của Cộng Sản, thì cái bầu khí lễ nghĩa liêm sỉ còn có thể lập lại chăng, mà thiếu môi sinh tinh thần nhân nghĩa, thì liệu Nho giáo có còn hiệu nghiệm được như xưa chăng. Cho nên về điểm này mà có được một sự bù trừ hỗ trợ như từ phía Phật Giáo Hòa Hảo thì rất tốt, nhất là khi sự hỗ trợ đó không có gì dị đoan hay quá đáng, mà sự thôi thúc thì rất đầy đủ. Trong bằng ấy tỉnh Hậu Giang, chưa biết có được vài văn miếu chăng, còn Phật Giáo Hòa Hảo có đến 390 độc giảng đường, phát thanh một cách có phương pháp. Kinh sách phát ra có tới cả triệu tập. Lại còn việc thờ cúng ông bà và Phật hàng ngày hàng bữa, khiến cho không khí đạo hành dâng cao, nhờ đó mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một điểm rất hiếm, là có một đảng chính trị có chủ đạo hẳn hoi: đó là Dân Xã Đảng.

Chữ Đảng ở đây không hẳn là đảng phái, chỉ tạm dùng cho hợp thời và đối với các đảng khác trong nước, chứ riêng trong đạo Hòa Hảo thì không là đảng phái, vì không có đảng nào khác. Đây chỉ là một “đảng” tức là một khối thuần nhất từ trên chí dưới như nhau, kiểu như một Hội nghị Diên Hồng liên tục. Đó không là một đảng, mà là tiếng nói của một chủ đạo, xưa nay chỉ có Nho, và đến nay mới thấy xuất hiện nơi Phật Giáo Hòa Hảo mà thôi.
 Cho nên trên kia tôi nói về Hòa Hảo, như bước nhảy cuối cùng từ đạo Phật xuất thế đi vào đạo nhân xử thế. Nhưng đến đây tôi nghĩ là có lẽ sẽ trung thực hơn khi coi Hòa Hảo là đợt mới nhất của Việt tộc tự nội phát xuất trong bầu khí tâm linh của Phật giáo, đối diện với Hán Nho là Việt Đạo phát xuất trong bầu khí du mục. Cả hai đều gốc Việt đến 70, 80%, tức Việt có chủ, còn Phật với du mục tây bắc là khách. Và như vậy thì không có bước nhảy qua nào cả. Tức ngoài Hòa Hảo và Nho thì cho đến nay, không có Chủ Đạo nào khác… mà chỉ có chủ thuyết, tức mới ở đợt ý hệ, chưa lên đến đợt tâm linh để thành chủ đạo. Chúng phát xuất, hoặc do triết học tất cả còn duy ý, hoặc do tôn giáo thì chỉ là tầm gửi. Đức Ki Tô đã nói “nước ta không thuộc trần gian”, nên giáo sĩ bị cấm làm chính trị, còn giáo dân thì có làm, nhưng chỉ là chính trị ở lương tri, ở đợt lợi hành, tiếng là Ki Tô, nhưng trong Ki Tô không có nền tảng chính trị.

Phật giáo cũng vậy, nền tảng là “sắc sắc không không” thì chính trị đặt nền vào đâu, nên nếu có đưa ra chủ thuyết chính trị cũng chỉ là lương tri, lợi hành, duy lý, tức là tiên thiên đã bất lực, chứng cớ là các xứ theo Phật giáo tiểu thặng vẫn nghèo kinh niên là vì vậy.

Tây Âu vì ở trong địa hạt hữu vi, lại nhờ có óc khoa học, mà nên giàu có, nhưng đó là phạm vi khoa học hơn là chính trị. Chính trị là tương quan sản xuất (phân chia tài sản quốc gia cho công bằng) thì chưa đưa ra được một đạo lý nào. Một số thành công chỉ là lẻ tẻ cầu an, không do triết, vì vậy không bao giờ đạt đại lộ lý tưởng. Nói chung các đảng chính trị làm hại hơn làm ích.

Hại lớn nhất là nửa phầm trăm nhân loại bị nô lệ do Đảng Cộng Sản.

Hại bị thiệt đến thân ta, là đảng Việt Cộng bán nước làm lính cho Nga.

Hại làm ta rất ái ngại, là lưỡng đảng của nước Mỹ từ sau thế chiến II đến nay, họ đã lần lượt đánh mất gần 40 nước tự do vào tay Cộng sản, thế mà chưa giựt mình, hãy còn đang tiếp tục đưa nước Mỹ vào đường suy thoái. Cái nhìn của họ tố cáo sự bất lực, đó là cái nhìn thiển cận một cách đáng sợ. Vì chưa có chu đáo, cả đến chủ thuyết cũng không, chỉ là lương tri lợi hành, hay nói thông thường là óc con buôn, thì làm sao thấy được toàn diện vấn đề. Muốn toàn diện phải có Chủ Đạo. Xin nhớ, muốn có Chủ Đạo thì phải có nền đạo lý có tính cách tâm linh, kéo theo sự tu luyện thân tâm toàn diện, gồm cả tu, tề, trị, bình, nhất là tu. Cái đó ngày nay không đâu có, mà chỉ là chủ thuyết do lương tri, quanh quẩn ở đợt thuyết với lý, ngoi lên đến cương lĩnh là hết. Trị nước thì đến hiến pháp là cùng. Tất cả loay hoay ở ngành ngọn trị, bình, chưa có cả tề, còn nói chi đến nền tảng là Tu. Tu toàn thân diện tâm trí, chớ không chỉ có tu lương tri, tu lý luận. Vì thế theo nghĩa ngặt thì Chủ Đạo mới thấy nói Việt Nho, và cho đến nay thì thấy nơi Phật Giáo Hòa Hảo.

Bạn sẽ vấn nạn lại rằng tại sao biết bao sự thành tựu lớn lao xảy ra hết nước nọ đến nước kia, thì sao? Thưa đó chỉ là do hậu thiên ở đợt lương tri, chưa cần chủ đạo. Nếu có tay “thiên tài” mà ngoài sự hiện thực có để lại được một chủ đạo, thì thành tựu mới trường tồn, mới đủ khả năng trải qua bao gian nguy, rồi vẫn chỗi dậy được như nước Tàu hay nước ta xưa. Còn nếu chỉ ở đợt lương tri, thì có là thiên tài đi nữa, thành tựu cũng chỉ kéo dài được ít thế hệ, mà không trường tồn được, vì chỉ là vá víu. Chính vì thế mà chưa một nền văn minh nào trường cửu kéo dài nhiều năm, ngoại trừ Việt Nho. Ngay như nước Mỹ, vì hoàn cảnh quá tốt, đất đai rộng lớn phì nhiêu, lại gặp được mấy Tổng thống cỡ Lincoln, và chưa có đối lập (Nga) nên đã lên cao cùng cực cả về tài lực, khoa học, kỹ thuật. Thế mà gặp đối địch, thì từ 40 năm nay, cứ trụt xuống dần dần, ta có cảm tưởng hai Đảng Dân Chủ, (nhất là Dân Chủ) và Đảng Cộng Hòa, thi nhau cắt từng miếng thịt của Mỹ quốc đưa đến hầu Nga, là tại chính do hai đảng cứ kình chống nhau, xem cái đắc thắng đảng kia làm quan trọng hơn sự ích quốc. Thế là một siêu cường mạnh như chưa bao giờ thấy, mà đến nay phải lo ngại trước một “kẻ thù” mới trước đây kém hơn mình vô kể.

Những suy luận trên đây giúp ta thấy cái thiên tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi bước từ Phật giáo đi sang tu Nhân. Đó quả là đợt mới của cây Việt mọc lên tự nội, vì Giáo Chủ không có học hành gì (học được hết tiểu học rồi cứ bệnh hoạn liên miên) mà đến 20 tuổi đột nhiên thông suốt đạo lý và bước qua nổi cái bước từ Thiên sang Nhân, một bước đã bao đời không ai bước qua được, thì đủ biết là thiên tài làm cho ta thêm lòng tin tưởng vào sinh lực lớn lao của nòi Việt, để ta mạnh dạn đặt vào tương lai cái nhìn tươi sáng.

KIM ĐỊNH






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét