Sinh Hoạt

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

HỒ SƠ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM - BÀ DƯƠNG THỊ TRÒN

Hồ sơ tù nhân lương tâm

Bà Dương Thị Tròn
Trưởng ban Phụ nữ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Thuần túy)
9 năm tù giam vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo





Hình bà Dương Thị Tròn (phải) cùng chồng


Bà Dương Thị Tròn, sinh năm 1947, cư ngụ tại ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Bà là Trưởng ban Phụ nữ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH-Thuần túy) và là một trong số những tín đồ PGHH tích cực bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo của PGHH tại vùng châu thổ sông Cửu Long trước sự đàn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam từ sau năm 1975. Bà Tròn cùng chồng là ông Nguyễn Văn Thơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tỉnh Đồng Tháp, bị bắt ngày 2/10/2006. Sau đó bà Tròn bị đưa ra tòa xử hai lần với án tổng cộng là 9 năm tù vì “tội gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Hầu hết các tín đồ PGHH biểu tình ôn hòa để đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo đều bị kết án bằng các tội danh hình sự như “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ”.

Phiên xử thứ nhất vì biểu tình cho tự do tôn giáo vào tháng 5 năm 2007


Bà Tròn bị bắt giữ vì đã có hoạt động phản đối việc chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo của các tín đồ PGHH.

Là một cộng đồng tôn giáo sống gắn bó với nhau tín đồ PGHH thường tham dự các buổi giỗ trong gia đình các đồng đạo mà họ xem là lễ tôn giáo. Vào ngày 24/5/2006, trên đường trở về nhà sau khi tham dự một đám giỗ PGHH tại tỉnh An Giang, bà Dương Thị Tròn và các đồng đạo PGHH đã bị hàng chục công an mặc thường phục của huyện Lấp Vò và huyện Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp chặn đường đánh. Các nạn nhân nhận diện thủ phạm là những nhân viên an ninh thường xuyên theo dõi họ.

Vào ngày 31/5/2006, để phản đối việc công an giả dạng côn đồ tấn công vào các tín đồ PGHH, vợ chồng bà Tròn và một số tín đồ PGHH đã tuyệt thực tại nhà bà với băng-rôn có dòng chữ: “Cuộc tuyệt thực 16 người, phản đối nhà cầm quyền cộng sản đàn áp tự do tôn giáo và đánh đập tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Yêu cầu trả tự do cho tu sỹ Nguyễn Văn Điền”. Các tín đồ PGHH đã lập bàn hương án, phát loa phóng thanh phản đối công an đàn áp quyền tự do Tôn giáo của tín đồ PGHH và tuyên bố sẳn sàng tự thiêu nếu công an tấn công vào nhà.

Sau đó  bà Dương Thị Tròn và ông Nguyễn Văn Thơ bị công an bắt ngày 2/10/2006 khi họ đang tham dự đám giỗ tại nhà một đồng đạo PGHH ở huyện Lai Vung và bị khởi tố tội “gây rối trật tự công cộng” điều 245 của bộ luật Hình sự.

Trong phiên xử kín về tội “gây rối trật tự công cộng” vào ngày 3/5/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Dương Thị Tròn 4 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Thơ 6 năm tù giam, ông Lê Văn Sóc 6 năm 6 tháng tù giam và ông Nguyễn Văn Thùy 5 năm tù giam. Ngày 23/7/2007, tòa án phúc thẩm tại TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Trong cả hai phiên tòa các bị cáo không có luật sư, không được phép giải thích về những điều bị cáo buộc mà chỉ được trả lời “có” hay “không” theo câu hỏi của thẩm phán.

Phiên xử thứ hai vì tham gia vào vụ tự thiêu hồi năm 2001

Trong năm 2007 bà Tròn bị đưa ra xử lần thứ hai vì đã tham gia vào một vụ biểu tình của PGHH xảy ra vào năm 2001. Thời đó các tín đồ PGHH dự định tổ chức biểu tình vào ngày 17/3/2001 tại thành phố Hồ Chí Minh để phản đối chính quyền đàn áp PGHH. Ngày 17/3 là ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ - người khai sang đạo PGHH – bị thiệt mạng và được xem là ngày lễ quan trọng của PGHH. Từ năm 1975 chính quyền Việt Nam cấm tín đồ PGHH tổ chức ngày kỷ niệm này. Cuộc biểu tình bất thành vì người biểu tình đã bị công an bắt giữ khi họ vừa đến thành phố HCM. Do đó một số tín đồ PGHH khác đã tổ chức một cuộc biểu tình khác vào ngày 19/3/2001 tại làng Tân Hội, tỉnh Vĩnh Long. Trong cuộc biểu tình này bà Nguyễn Thị Thu đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp quyền tự do tôn giáo của tín đồ PGHH. Nhiều hãng thông tấn quốc tế như Reuters đã loan tin này. Bà Tròn và một số nữ tín đồ PGHH bị cáo buộc tội giúp bà Thu tự thiêu. Chính quyền Việt Nam đã tịch thu xác chết của bà Thu và cho rằng bà Thu bị người khác giết chết chứ không tự thiêu vì lý do tôn giáo. Theo cáo trạng, một số tín đồ PGHH đã cầm cờ đạo, cầm biểu ngữ và hô khẩu hiệu có nội dung “Trả tự do cho PGHH”, “Trả tự do cho Út Điền” và “PGHH muôn năm”. Bà Thu, 75 tuổi, là Phó ban Phụ nữ và Xã hội của Giáo hội PGHH
 và đã có ý định tự thiêu nhiều lần. Trong một tuyệt mệnh thư hồi năm 1999 bà Thu nói rõ lý do muốn tự thiêu là để phản đối hành vi liên tục đàn áp các tín đồ PGHH.

Vào ngày 19/9/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Vĩnh Long đã mở phiên tòa xét xử bà Dương Thị Tròn, bà Mai Thị Dung và bà Nguyễn Thị Thanh vì tội “giết người” theo điều 93 của Bộ luật Hình sự. Các bị cáo có luật sư chỉ định bào chữa. Cuối cùng vì tòa cho rằng Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Long đã không có đủ chứng cớ buộc tội giết người. Tòa chấp nhận cho Viện Kiểm sát chuyển từ tội “giết người” sang tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật Hình sự. Cuối phiên xử không công khai này bà Dương Thị Tròn bị kế án 5 năm, bà Mai Thị Dung 6 năm và bà Nguyễn Thị Thanh 2 năm tù giam.

Tình trạng giam giữ và sức khoẻ hiện nay:

Bà Dương Thị Tròn đang bị giam tại phân trại số 5, trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cách xa nhà của gia đình bà ở tỉnh Đồng Tháp khoảng 300 km. Việc giam giữ xa nhà gây khó khăn cho việc thăm nuôi và tiếp tế thực phẩm là những thứ cần thiết cho tù nhân ở Việt Nam. Thời gian đi thăm nuôi mỗi lần mất 6 tiếng đồng hồ và chi phí (tiền xe và tiền ăn nghỉ dọc đường) cho một người thân đi thăm hàng tháng là 3 triệu đồng. Chi phí này là một gánh nặng đối với gia đình vì mức thu nhập bình quân của một nông dân vùng Đồng Tháp là dưới 1 triệu đồng/tháng, bên cạnh tiền mua thức ăn tiếp tế cho tù nhân trung bình là 1 triệu đồng và tiền ký gửi vào canteen trại giam là 1 triệu đồng. Biện pháp giam xa nhà của bộ Công an (Việt Nam) là nhằm hạn chế thông tin, cô lập tù nhân với xã hội bên ngoài nhằm kiểm soát tinh thần, tư tưởng và hành động của tù nhân.

Từ khi bị bắt, ngày 2/10/2006 cho đến nay, do lớn tuổi và mang chứng bệnh hạ huyết áp, sức khỏe bà Dương Thị Tròn ngày càng yếu, bà Tròn thường xuyên bị ngất xỉu khi có những suy nghĩ căng thẳng, phiền muộn hay thời tiết thay đổi khắc nghiệt. Tuy nhiên, việc khám và chữa bệnh không được trại giam quan tâm thực hiện vì bà Tròn không nhận tội trong các bản kiểm điểm hàng quý của trại giam.

Kiến nghị:

Với việc kết án bà Dương Thị Tròn và các tín đồ PGHH, nhà cầm quyền tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và tòa án Tối cao đã vi phạm các quyền căn bản con người như quyền tự do Tôn giáo, quyền hội họp biểu tình, quyền được bảo vệ thân thể, được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiến định. Những vi phạm này và việc giam giữ xa nhà đã vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Công ước về quyền Dân sự và Chính trị và công ước chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm mà Việt Nam vừa ký kết tham gia vào tháng 11/2013.
Nhà cầm quyền Việt Nam phải
1)
Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho bà Dương Thị Tròn
2)
Trong khi chờ đợi sự phóng thích, chính quyền cần cho bà Tròn đi khám và chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa, và chuyển bà Tròn về giam gần nhà (tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có một trại giam thuộc bộ Công an).

Ngày 2/10/2015, bà Dương Thị Tròn đã rời trại giam Xuân Lộc sau 9 năm bị giam cầm, bà không được giảm án dù chỉ là một ngày.
Cập nhật ngày 2/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét