Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

HỒI ỨC VỀ SINH HOẠT TÔN GIÁO

Chỉ còn một hôm nữa thôi là đến đại lễ kỹ niệm Ngày đản sanh Đức tôn sư Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) 25/11 âm lịch hàng năm. Nếu như vào thời điểm trước 30/4/1975 thì không khí lễ tưng bừng lên với những khán đài, cổng tam quan, hoa đăng xa sắc màu lộng lẫy diễu hành trên đường làng với những tấm băng treo đề “MỪNG ĐẠI LỄ” và các Ban Trị Sự địa phương bất cứ là địa phương nào cũng phải tề tựu đến “hội quán” cùng nhau săn sóc ngày đại lễ. “Đọc giảng đường” thì có ban Đọc giảng viên trực thuộc ban Phổ thông giáo lý đến đọc phóng thanh Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy.
Đọc giảng đường của PGHH trước năm một 1975,nay chỉ còn là một phế tích
hoang tàn do chính sách kì thị tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam (1)

Những diễn cảnh êm đẹp đó bây giờ chỉ còn là hồi ức khôn nguôi đối với những tín đồ cao tuổi.30/04/1975 tạo nên một biến cố chính trị đưa các tôn giáo đến bờ vực thẩm trong đó PGHH có thể chịu nặng hơn hết.Chỉ một tiếng lệnh đã xô đổ các cơ sở của tôn giáo không gượng được. Hôm đi trên đường xa tôi chạm mắt một Đọc Giảng Đường PGHH cũ kỹ tàn tạ bị bao bít rịt bởi nhà và cây trồng.

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

MẦM NON PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Tuần trước tôi nhận được tin yêu cầu viện trợ 20 chiếc áo choàng màu dà lễ cúng Phật dành cho độ tuổi từ 6 đến 12 và 30 xâu chuỗi hạt để tập Niệm Phật qua cách lần chuỗi. Tôi mừng lắm vì gần đến ngày đại lễ đản sanh Đức Thầy mà tôi làm được việc lớn. Lòng tôi chợt nghe âm ba của tiếng niệm Phật dễ thương từ các cháu bé vọng về. Tôi vui mừng đến đổi mặc kệ các em bé đó ở đâu, con ai, mà thương thì cứ thương, không cần đẹp xấu. Các em mới có chừng ấy tuổi mà biết kính Phật tu hành là đẹp đẽ hơn tôi, hồi còn ở cái tuổi đó tôi nào biết tu hành là gì.

Khi biết các em ở đảo Phú Quốc, tôi thầm cám ơn Trời Đất xứ đảo duyên sinh những em bé còn là gót sen son thì đã mến mộ tu hành. Mặc áo choàng dà ngồi xếp bằng niệm Phật, dễ thương quá đi! Cổ tay đeo chuổi hạt, ngón tay bấm lần chuỗi hạt, tôi hình dung, đẹp hơn cả bức tranh.
Huấn luyện mầm non ngồi bán già niệm Phật

Xứ tôi không xa vùng “Thánh Địa Hòa Hảo”, chỉ cách một dòng sông, nơi được tiếp nhận nguồn đạo Phật Giáo Hòa Hảo rất sớm qua những Ông cụ đầu tàu gương mẫu như nhà ông Lâm Thơ Cưu (Chủ Cưu), ông Lâm Thế Xương, ông Nguyễn Văn Dứt (bác Bảy Dứt), ông Lê Văn Khuyên (bác Hai Khuyên) đã gây giống duyên PGHH sang sông cho định cư trên đất “Cù Lao Ông Chưởng” Tổng Định Hòa. Điều nầy phải chăng đã ứng hợp với “Kim Cổ Kỳ Quan” của Ông Ba Nguyễn Văn Thới:

“Tổng Định Hòa người tới dẩy đầy
Thuyền chèo mát mái đến rày Kiến An”.

CHÙA THỚI SƠN

Cảnh sân chùa Thới Sơn,xã Thới sơn,huyện Tịnh Biên,tỉnh An Giang

Rời Giồng Cát, theo chương trình thì đoàn đi thẳng về Ông Thẻ số 3 tại chùa Bồng Lai nằm cập bên kia sông kinh Vĩnh Tế cách thị xã Châu Đốc khoảng mười cây số về hướng tây nam. Nhưng qua tuyến đường dài mà trời cuối thu sao lại quá nắng nóng, áp suất đã làm một số tay lái bị ngủ gục, loạn hoạn trên đường đến phải ngừng xe mà kêu hú hồn hú vía. Trưởng đoàn Phùng văn Chói sợ sự rủi ro làm mất hứng chuyến tham quan, kêu chận hết các chiếc xe trong đoàn vào một quán nước có nhiều võng. Uống nước nằm câu giờ cho con buồn ngủ nó sức ra, tỉnh hẳn mới đi tiếp. Uống một tiệc nước nhẹ mà thời gian rút ngắn hơn tiếng đồng hồ trong khi đường dài thì vẫn dài. Phối kiểm tuyến đường và thời giờ còn lại trong ngày là quá ốm, nếu có đến nghỉ đêm ở chùa Bồng Lai, các xe phải tăng nhanh tốc độ mới kịp trước khi trời tối. Điều nầy thật sự là hơi khó, mười ba chiếc xe lẽ đâu lại không có một vài chiếc không có khả năng chạy nhanh. Hơn nữa, nếu cho xe tăng nhanh tốc độ thì tính an toàn không cao:

1, Vượt ngoài giới hạn kiểm sát, tay lái có thể dẫn đến điều không may, bên cạnh đó thì công an giao thông sẽ không tha cho những tay lái vượt quá tốc độ cho phép.

2, Có một số tay lái mang bệnh chứng chạy chậm, ai gấp gáp cỡ nào thì xe của họ cũng đi từ ba mươi đến bốn mươi cây số là cùng.