Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây, cho rằng Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (Dự
luật) của Việt Nam đang đi ngược lại với quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin.1 Chúng tôi khuyến nghị
chính phủ Việt Nam nên tu chỉnh toàn bộ Dự luật này để thực hiện đúng đắn các nghĩa vụ của Việt Nam
đối với luật nhân quyền quốc tế. Trong việc tu chỉnh Dự luật chính phủ cần mời gọi sự tham gia góp ý của
các cộng đồng tôn giáo hoặc có niềm tin tại Việt Nam, dù họ đã được công nhận hay còn độc lập, và các
chuyên gia về luật nhân quyền trong đó có Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tự do Tôn
giáo hoặc Niềm tin.
Theo phiên bản hiện nay, tự do tôn giáo hoặc niềm tin đã bị Dự luật hạn chế ở quá mức cho phép của
những luật nhân quyền quốc tế có tính cưỡng hành đối với Việt Nam.
Điều 18 khoản 3 của Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là quốc
gia thành viên, đòi hỏi chính quyền phải bảo đảm rằng quyền tự do biểu thị tôn giáo hay niềm tin chỉ có
thể bị giới hạn bằng luật, trong trường hợp cần thiết và ở mức độ chừng mực để bảo vệ an toàn công
cộng, trật tự công cộng, y tế công cộng, đạo lý, hay những quyền và tự do căn bản của người khác.
Mặc dù Dự luật có ý muốn công nhận “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” và tuyên bố rằng “nhà nước
bảo đảm việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người,” nhưng một khi được thông
qua thì các điều khoản trong Dự luật sẽ có thể trở thành công cụ kiểm soát hữu hiệu và được dùng để
giới hạn quá đáng việc thực hành quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin ở Việt Nam và như thế sẽ kéo dài
tình trạng đàn áp hiện tại.