Người Lâm Nạn



Thư của cư sỹ Lê Minh Triết gởi cho công an huyện Lấp Vò.

Trước hết tôi xin mời quý thân nhân của nhóm công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp -- nhóm đã gây tội ác với nhân dân và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hôm sáng ngày 11/2/2014 -- xem những tấm hình trên đây để biết con, em, chồng, cha của mình vừa làm chuyện bất lương để lãnh lương về nuôi sống gia đình. (Tôi thật xin lỗi vì đã nói câu nặng nề nầy nhưng xét không còn cách nào khác hơn để nói cho quý vị hiểu).

http://www.vidan.org/diendan-thamluan/58-58/3288-3288

Tôi cũng xin mở lời với quý cấp cơ quan có thẩm quyền sai khiến thuộc hạ, đưa ra quyết định hình phạt. Quý Ông suốt ngày ngồi ở văn phòng chờ báo cáo, tư tưởng một chiều. Có những báo cáo không đúng sự thật mà các Ông vẫn tin, báo đài thường phê bình những vụ án oan sai do từ đó, lợi thế cho những kẻ muốn lập công, ác cảm với tín đồ PGHH khi họ không theo mô hình tôn giáo của nhà nước, dựng chuyện nói rằng: tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) gây rối, làm loạn rồi ký quyết định cho dẹp loạn một cách ẩu tả. Hãy coi lại những tấm hình trên, để thấy cảnh bị xô đổ của gia đình cô Bùi Thị Kim Phượng.

Ngày 09/02/2014 tại ấp Nhơn Hưng, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra chuyện hại người không đáng.

Một lực lượng công an hùng hậu phá rào, đập cửa nhà của cô Bùi Thị Kim Phượng để bắt luật sư Nguyễn Bắc Truyển - vị hôn phu sắp cưới của cô. Nhà cất hợp pháp trên phần đất hợp pháp; phá rào cửa bắt người, trong khi bắt được người rồi, lực lượng công an còn hăng máu đập phá tiếp tục đồ đạc trong nhà, ngay cả cái bàn thờ về tín ngưỡng tôn giáo, bức chân Dung Đức Thầy để thờ nơi tôn nghiêm cũng bị phá ngặt và lôi xuống bỏ bừa. Phải chăng công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Thấp tưởng mình có quyền trong tay thích làm vì thì làm. Bắt ông Truyển mà không đủ chứng cứ buộc tội ông ấy đành phải thả người ta sau 24 giờ đồng hồ, đủ để nói rằng chồng, con, em của quý vị hết sức là hồ đồ. Coi như cuộc bắt tội người không thành công nhưng phía chính quyền công an đã để lại một hậu quả nặng nề là chà đạp quyền tự do tôn giáo của tín đồ Bùi thị Kim Phượng.


Nguyễn Bắc Truyển được trả tự do. Tan việc, coi như Trời trong mây tạnh, chư đồng đạo PGHH nghe tin nhà cô Phượng như vậy mới rủ nhau đi thăm. Nhưng công an huyện Lấp Vò sợ bại lộ chuyện hành động xâm hại tín ngưỡng tôn giáo của mình ở nhà cô Bùi Thị Kim Phượng, đã lỡ một lần làm ác, phạm tội với tôn giáo PGHH, muốn cho việc phạm tội của mình được mãi mãi giữ bí mật thì phải làm thêm một chuyện đại ác nữa để tiếp tục bí mật sâu kín hơn.

Lực lượng công an hùng hậu trên dưới ba trăm người rải ở đọan đường tẻ của chợ Đất Séc để ra lộ lớn đường phà Cao Lãnh về cầu Vĩnh Thạnh, cách nhà Kim Phượng khoảng bốn năm cây số. Ở trong đường tẻ nhỏ mà lựa khúc vắng nhà, vắng người qua lại vùng cầu Nông Trại, chờ cho đoàn xe chư đồng đạo lọt vào vòng, họ cầm cây xông ra chẳng cần điều tra xét hỏi coi người ta đi đâu, làm gì, mạnh công an nào nấy đánh và siết chặt vòng vây bắt cả thảy 21 người trong đó có một số nhà hoạt động dân chủ như cô Bùi thị Minh Hằng, Huỳnh văn Tú, Huỳnh Văn Trí… trong số 21 người có 13 nam, 8 nữ.

Công an ra đòn nặng tay, đánh người dân vô tội như đánh kẻ thù khiến nhiều người bị thương, mình đầy máu, còn phải đem đi nhốt mà không một công an viên chức chính quyền nào nói năng vì về việc chăm sóc y tế cho mấy anh em bị lả thương.

Sau hơn hai mươi bốn giờ đồng hồ, lúc hai mươi giờ ngày 12/2/2014, Trời tối ngoài đường ít ai thấy, trong số 21 người bị bắt lúc sáng hôm qua, công an huyện Lấp Vò kêu thả 18 người, còn ba người 1 nam 2 nữ thì bị giữ tù tiếp. Nam là con rể của Ông Bùi văn Trung (Út Trung) tên họ Nguyễn văn Minh, 2 người nữ 1 là Bùi Thị Minh Hằng và một người bạn đi cùng cô ấy tên là Huỳnh. Con số 18 người được thả trong đó có nhiều vị bị thương tích nặng. Hai ông Tô văn Mãnh, Võ văn Bửu bị đánh bằng cây vuông gảy lòi xương lưng cổ, tốc hành cho xe chỡ đi nằm viện ở Sài Gòn. Được biết cô Bùi Thị Minh Hằng cũng bị đánh nhiều, thân thể bầm dập nhưng chí hiên ngang cô vẫn còn lên giọng hát bài “Xin Hỏi Anh Là Ai” của nhạc sĩ Việt Khang ngay trong lúc bị giam. Thật là khí phách, đáng khâm phục!

Kính thưa quý vị,

Là con người thì phải sống có tình người, chuyện tới lui thăm nhau luật pháp hiện hành không cấm, còn nghi sợ tín đồ đến thấy cảnh ngôi thờ tôn nghiêm ở nhà cô Phượng bị phá mà nóng nảy sanh sự nọ kia thì cũng tại người đốt lửa thành ra có khói. Hãy tìm cách khắc phục hậu quả bằng cách không sanh thêm chứng cứ phạm tội khác. Người tín đồ PGHH lòng dễ hay tha thứ, nên làm cái vì tốt để họ bỏ qua quá khứ, không nên vì lo sợ mà tội chồng thêm tội.

Người tín đồ rất trọng đạo, kính Thầy chuyên lòng hành theo tôn chỉ, ngày hai thời cúng cầu cho mình và cho chúng sanh an vui hưởng phước. Con, em của quý vị lại xâm hại đến ngôi thờ trong nhà người ta, họ có giận mà to tiếng với con em của quý vị cũng là chuyện đương nhiên. Quý vị tôn trọng đảng, kính yêu Hồ Chí Minh thì người ta kính yêu tôn giáo. Giả sử nếu có người xâm hại cơ sở đảng, chính quyền, tháo gỡ chân dung Hồ Chí Minh xuống chỗ tầm thường thì sự phản ứng của quý vị ra sao? Cổ nhân có câu“Điều vì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Tôi đem so sánh Đức Thầy chúng tôi và Ông Hồ Chí Minh chắc là đồng đạo chúng tôi không đồng ý, vì chính phủ hay chế độ cầm quyền nào cũng chỉ nhất thời thôi, thời gian của họ là hữu hạn, trong khi tôn giáo thì thời gian là vô cùng. Bằng chứng là PGHH đã qua nhiều cơ cấu chính quyền, chính quyền khó cỡ nào thì tôn giáo cũng tồn tại, điển hình như chính quyền của thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa chẳng phải lúc đầu quý vị muốn tiêu diệt Phật Giáo Hòa Hảo sao? Nhưng cho đến nay PGHH vẫn Huy Nghi. Còn chế độ, như khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thì đâu có chính quyền cộng sản. Đem cái hữ hạn mà đọ với vô cùng là không thể…chỉ vì tôi muốn quý vị thấu hiểu được sự đau đớn của người bị xâm hại về tự do tôn giáo họ rất là khó chịu.

Khoảng cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 điềm Trời xuất hiện nhiều chuyện lạ chưa từng có. Tháng chạp thì thường là nước dưới sông trong gieo mà năm nay lại ngầu đục; miền Tây Nam chưa có năm nào mùa đông lại lạnh khiếp như năm nầy. Hiệp định Geneve năm 1954 nhằm năm Giáp Ngọ sanh ra biến cố chính trị chia đôi đất nước, năm nay 2014 cũng Giáp Ngọ trọn một con giáp tính theo âl là 61 năm chắc chắn sẽ có niềm vui lớn cho quốc gia dân tộc. Tính theo đó, cũng từ cuối năm 2013 đến đầu 2014 nhiều đảng viên đảng cộng sản các cấp từ chối đứng vào hàng ngũ, xin rút tên ra khỏi đảng, tất cả là “điềm” .

Tôi tha thiết gởi lời khuyên quý vị, hãy nói với con, em, chồng cha của mình đừng có ỷ quyền mà làm ác với dân, đàn áp tôn giáo nữa để khỏi bị ác lai ác báo sau nầy.

Và tôi cũng tha thiết gởi lời khuyên lãnh đạo ngành công an hãy xem xét lại những báo cáo của thuộc hạ, đào sâu ý nghĩa của bản báo cáo để tránh trường hợp quyết định vội vã, sai lầm, gây hậu quả đàn áp tôn giáo. Người tín đồ PGHH rất là gan dạ, có bắt họ đi tù hay hăm giết họ, họ cũng không sợ mà bỏ cuộc thi triển lòng son dạ sắt với đạo của mình đâu.

Trước thềm năm mới kính chúc quý vị an khang thịnh vượng.

13/2/2014
Lê Minh Triết
Cư sỹ Phật giáo Hòa Hảo

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

An Giang, ngày 17 tháng 4 năm 2015

Thông cáo báo chí

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2015, tù nhân chính trị Mai Thị Dung đã được trả tự do vô điều kiện, gần 16 tháng trước khi mãn án tù. Bà Mai Thị Dung, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), đã bị kết án 11 năm tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Công an đã đưa bà Mai Thị Dung từ trại giam Thanh Xuân (Hà Nội)  về đến gia đình tại tỉnh An Giang vào lúc 18:30 ngày 17 tháng 4 năm 2015. Tình trạng sức khỏe bà Mai Thị Dung hiện rất yếu.
 Bà Mai Thị Dung được dìu vào nhà vì sức khỏe rất yếu.

Bà Mai Thị Dung, 46 tuổi, là tín đồ PGHH sinh sống  tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Từ năm 1999, bà cùng chồng là ông Võ Văn Bửu đã tích cực đấu tranh bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các tín đồ đạo PGHH tại miền Tây – Nam Việt Nam. Vào ngày 5/8/2005, vợ chồng bà Dung và 6 đồng đạo khác đã bị công an tấn công và bắt giam vì đã tham gia vào một vụ tọa kháng và tuyệt thực tại gia xảy ra 2 tháng trước đó để phản đối chính quyền đàn áp tín đồ PGHH. Một số nạn nhân đã tự thiêu để phản đối hành vi bắt giữ tùy tiện này với hậu quả là ông Trần Văn Út (Út Hòa Lạc) bị thiệt mạng và ông Võ Văn Bửu bị phỏng nặng. Trong số 7 người bị đưa ra tòa, ông Võ Văn Bửu bị kết án 7 năm tù giam và bà Mai Thị Dung bị kết án hai lần, tổng cộng 11 năm tù giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của bộ luật Hình sự. Người thứ 3 bị kết án nặng là bà Dương Thị Tròn (68 tuổi) với 9 năm tù giam và hiện nay còn đang bị giam giữ tại trại giam Xuân Lộc.

Bà Mai Thị Dung (ngồi) cùng với chồng (ông Võ Văn Bửu), hai con là Võ Văn Bảo và Võ Thị Tuyết Linh.



Trong thời gian bị giam giữ tại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) bà Dung đã bị đối xử dã man với mục đích ép bà phải ký giấy nhận tội, thí dụ bỏ mặc bà đau đớn mà không khám và chữa trị đúng mức những chứng bệnh hiểm nghèo của bà.  Thêm vào đó, ngày 2/10/2013, công an đã chuyển bà Dung đến trại giam Thanh Xuân, Hà Nội (cách gia đình bà gần 2.000 km) trong hoàn cảnh bà Dung đang mang trọng bệnh, sức khỏe suy kiệt. Trên suốt đường đi bà Dung bị còng tay mặc dù nhiều lần bị ngất xỉu. Ở trại giam Thanh Xuân, bà Dung đã phải nhiều lần tuyệt thực mới được trại giam cho bà đi khám và điều trị bệnh tại bệnh viện chuyên khoa. Hiện nay, sức khỏe của bà sa sút trầm trọng với các chứng bệnh như  suy tim, suy nhược thần kinh, sỏi túi mật…

Mặc dù còn rất mệt sau một chuyến đi dài, bà Mai Thị Dung và gia đình xin gởi lời trân trọng cám ơn đến những cá nhân và tổ chức đã đồng hành cùng với gia đình bà trong việc vận động nhà nước Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho bà:

·         Người bảo trợ: ông Frank Heinrich, dân biểu Quốc hội CHLB Đức;

·         Các phái bộ ngoại giao tại Việt Nam, đặc biêt là Đại sứ quán Đức, Hoa Kỳ, Úc-Đại-Lợi, Gia-Nã-Đại và  Phái bộ Liên minh Âu Châu;

·         Ông Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo, Tín ngưỡng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc;

·         Các Tổ chức Nhân quyền quốc tế, đặc biệt là tổ chức VETO! Mạng lưới những Người Bảo vệ Nhân quyền;

·         Nhiều tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, đặc biệt là Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam và Hội Bầu bí Tương thân;

·         Quý đồng đạo PGHH và các tín hữu Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài.

Trân trọng kính chào.

Thay mặt gia đình và Nhóm Một số tín đồ PGHH tại miền Tây.


Cư sỹ Võ Văn Bửu.

**********************************o0o*********************************
Hồ sơ tù nhân lương tâm
Bùi Văn Trung
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo
 4 năm tù giam vì thực thi quyền tự do Tôn giáo


Ông Bùi Văn Trung

Ông Bùi văn Trung, sanh năm 1964, là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), cư ngụ tại ấp Phước Bình, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang, Việt Nam
Ông Trung bị bắt ngày 30/10/2012 và bị kết án 4 năm tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ Luật Hình sự Việt Nam trong phiên tòa sơ thẩm tại huyện An Phú ngày 23/1/2013 . Ông đang thụ án tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Nguyên nhân bị bắt.
Ông Bùi văn Trung là một giáo viên và là  một tín đồ PGHH , rất tích cực sống theo giáo lý để mong đóng góp, xây dựng đạo đức trong xã hội. Là con trai út nên trong nhà có nhiều đám giỗ. Nhân dịp những lễ cúng giỗ này, ông Trung thường có chương trình thuyết giảng giáo lý Phật giáo Hòa Hảo cho những người đến tham dự.Từ đó Đạo tràng Út Trung thành hình kể từ năm 2005.
Đạo tràng là nơi những người có cùng một ý hướng tu tập gặp gỡ nhau đều đặn để cúng lễ và thuyết trình giáo lý, không nhất thiết có mặt các tu sĩ. Đạo tràng có thể tại tu viện, chùa, hay đơn giản tại một tư gia. Sau năm 1975, tất cả những cơ sở sinh hoạt tôn giáo của PGHH như  Chùa, Hội quán và Đọc giảng đường đều bị nhà nước tịch thu, hoặc giao cho Giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo do chính quyền thành lập, hoặc đập phá hay bỏ trống ,suy sụp với thời gian.   Nhu cầu tu tập tự do như từ thưở lập đạo (1939) của các tín đồ đã đưa đến xuất hiện một số đạo tràng hoặc tại tư gia một cư sĩ hay một tu sĩ.
Trong trường hợp Ông Bùi văn Trung , kể từ khi ông khước từ gia nhập Giáo hội PGHH do nhà nước lập ra, việc sinh hoạt tôn giáo của  Đạo tràng Út Trung đã bắt đầu gặp trở ngại.
Chánh quyền địa phương đã theo kế họạch 3 giai đoạn để gây khó dễ, ngăn cản và cuối cùng bắt giam ông.
Giai đọan 1: Tuyên truyền nói xấu,đe dọa và phá hoại .
1, Công An loan tin ông Trung “chống” qui định tự do tôn giáo của nhà nước và khuyến cáo không nên đến nhà ông Trung tham dự cúng lễ và nghe giảng đạo, tránh trường hợp bị “bắt lầm” .
2, Dùng lực lượng công an hình sự, công an giao thông chận đường người đến tham dự cúng lễ và nghe thuyết giảng giáo lý, với lý doông Trung là người xấu, chống chủ trương tôn giáo của nhà nước và  sẽ bị bắt nay mai. Nếu bất tuân, sẽ bị bắt xe, bắt người.
Ngày 19/11/2007, nhân đám giỗ tại nhà ông Bùi văn Trung, lực lượng công an đến ngăn chận đuổi khách, trong khi nhân viên giáo hội PGHH nhà nước chĩa loa phát thanh lớn tối đa từ ngoài đường dội vào để phá việc nghe thuyết giảng giáo lý.
Tối ngày 21/8/ 2011 trong một dịp cúng giỗ tại nhà Ông Trung, hai người đàn ông trẻ chở nhau bằng một chiếc xe máy đến dừng ngay cổng, người ngồi sau nhanh nhẹn xuống xe, ném mạnh 3 bọc nước và xác mắm cá hôi thối vào đạo tràng lúc các tín đồ đang nghỉ.
Giai đọan 2: Cắt điện.
Ngày 12/04/2012 công an bao vây Đạo tràng Út Trung để giải tán và ngăn cản những người đến tham dự đám giỗ than mẫu ông Trung. Hai tín đồ PGHH là ông Trương Kim Long và ông Tô Văn Mãnh bị công an đánh chảy máu đầu. Công an và một đám người đã ném cây, chọi đất, gạch đá khi ông Bùi Văn Trung đang thuyết trình giáo lý làm lủng nứt mái tolelợp nhà và bể khung hình Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ. Vì tín đồ PGHH quyết tâm giữ cửa nên công an ra lệnh cho công ty điện lực đến cắt điện phá đám giỗ. Ông Thâm ra đứng cản không cho nhân viên điện lực bắc thang leo lên cúp điện và do đó bị công an bắt kéo ra chỗ khác. Tuy không có điện nhưng tín đồ PGHH vẫn tiếp diễn buổi lễ theo dự tính.
Thời gian sau đó, tuy chật vật vì không có điện, ông Trung cũng không thể ngưng bỏ những ngày giỗ hay những sinh hoạt tôn giáo tại đạo tràng Út Trung. Cuối cùng vì toàn gia đình cần điện để hành nghề ủ giá và làm tủ nhôm sinh sống, ông Trung đã phải chịu tốn kém mua máy phát điện riêng.
Vào dịp ông Bùi văn Trung muốn nới rộng và sửa chữa Đạo tràng, công an đã ra lệnh cấm cũng như ngăn cản những ghe chở cát cần thiết cho việc xây cất. Ông Trung phải nhờ người láng giềngcho đổ cát tại sân của họ, chờ ban đêm ông và các con đem xe lại đẩy về .
Chánh quyền công an xã Phước Hưng cũng ra quyết định ông Trung phải tháo dở phần tư gia xử dụng làm Đạo tràng nhưng ông Trung đã không đồng ý thi hành vì điều đòi hỏi không hợp lý. Chính nhà nước cũng ngưng chuyện đòi hỏi này và  để lộ rõ mục đích chính là ngăn cản sinh hoạt tôn giáo của gia đình ông Trung bằng cách bắt người.
Giai đọan 3: Bắt đi tù
Vì Đạo tràng tiếp tục hoạt động, một người con trai ông  Trunglà tu sĩ  Bùi văn Thâm đã bị bắt ngày 26/07/2012 trên đường một mình đi giao hàng mà gia đình sau gần nửa tháng tìm kiếm mới được thông báo nơi giam giữ.(xem hồ sơ tù nhân lương tâm Tu sĩ Bùi văn Thâm)
Và ngày 30/10/2012, chính ông Trung bị bắt trên đường đi sinh hoạt đạo sự thuộc khu vực huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sáu tháng sau sự kiện đàn áp và cắt điện Đạo tràng Út Trung là lý do công an tỉnh An Giang nêu ra để buộc tội ông Trung trước toà.
Bị kết án tù.
Trong phiên tòa sơ thẩm tại huyện An Phú ngày 23/1/2013 ông Bùi văn Trung dù phản đối những lời cáo buộc vẫn bị kêu án 4 năm tù giam vì tội  “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ Luật Hình sự Việt nam và hiện đang thụ án tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai .   
Khi mới nhập trại giam Xuân Lộc, ban giám thị quản ngục ép ông Trung ký giấy nhận tội. Ông Trung đã quyết liệt tuyệt thực phản đối nên trại giam Xuân Lộcđã phải ngưng ép ông nhận tội .
Nhận xét và kiến nghị.
Sinh hoạt tôn giáo trong một quốc gia chính thức có luật pháp bảo vệ tự do tôn giáo là hợp   pháp. Đám cúng giỗ cũng là thể theo phong tục tập quán từ ngàn xưa và thuyết trình giáo lý là đóng góp xây dựng đạo đức trong xã hội.Nhà nước ngăn cản, phá họai và cấm thuyết trình giáo lý trong những buổi cúng giỗ , cũng như bắt bớ, giam cầm người dân, là vi phạm những điều căn bản của con người.
Vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, ông Bùi Văn Trung và hai người trong gia đình khác là ông Bùi Văn Thâm (con ruột) và sau này, ngày 11/02/2014, ông Nguyễn Văn Minh (con rể) đều bị cầm tù.
Bắt và kết án ông Bùi văn Trung, nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do tôn giáo, quyền hội họp, quyền an toàn thân thể, quyền không bị tra tấn và hành hạ dã man, quyền được xét xử công bằng quy định bởi Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam, Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước về chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm.

Chính quyền Việt Nam phải:

1.      Trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông Bùi văn Trung;

2.      Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do đi lại của công dân;

3.      Chấm dứt các hành vi sách nhiễu và đe dọa đối với gia đình và các tín đồ PGHH đến sinh hoạt tại đạo tràng Út Trung


===================o0o==================
MỘT TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VỪA RA TÙ

Thâm (mặc áo lam) và người thân trong gia dình

Tu sỹ Bùi Văn Thâm rời nhà tù Xuân Phước ( tỉnh Phú Yên ) vào ngày 26/1/2015 sau khi bị giam 2 năm 6 tháng tù.Thâm bị bắt ngày 26/7/2012 khi trên đường đi bán "giá sống" vào lúc 5 giờ sáng, hàng chục công an mật vụ đã “bắt cóc” Thâm, họ nhét chanh  vào miệng , bẻ tay sau lưng rồi giải về đồn công an, gần 10 ngày sau gia đình mới biết nơi giam giữ Thâm.

Sau đó, Thâm bị gán cho tội danh "chống người thi hành công vụ", tòa án tỉnh An Giang đã kế tán Thâm 2 năm 6 tháng tù giam. Tháng 9/2013, Thâm bị chuyển ra nhà tù Xuân Phước (A20), tỉnh Phú Yên cách nhà gần 800 km.

Gia đình của Thâm có 3 người bị bắt và bị kết án chỉ vì thành lập đạo tràng PGHH tại huyện An Phú, tỉnh An Giang để khuyến khích bà con hàng xóm tu học. Ông Bùi Văn Trung, cha của Thâm đang bị giam tại trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Minh, anh rể của Thâm đang bị giam tại trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương).

Thanh Mai


*********************************O0O*******************************

Hồ sơ tù nhân lương tâm
Bùi Văn Thâm
Tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo
                  2 năm 6 tháng tù giam vì bảo vệ quyền tự do Tôn giáo


Tu sỹ Bùi Văn Thâm

Bùi Văn Thâm, sanh năm 1987, tu sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, cư ngụ tại ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang, Việt Nam. Ông bị bắt ngày 26/7/2012. Trong một phiên tòa không công khai vào ngày 21/9/2012 mà trong đó ông Thâm không có luật sư bào chữa, Tòa án Nhân dân huyện An Phú đã kết án Bùi Văn Thâm 2 năm 6 tháng tù giam với tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Ông Thâm hiện đang thụán tại trại giam Xuân Phước, tỉnh Phú Yên, cách nhà ông 700km.

Nguyên nhân thật sự dẫn đến việc bị bắt giử và kết án tù.
Tu sĩ Bùi Văn Thâm là con trai của ông Bùi Văn Trung ,người đang thọán 4 năm tù giam vì cương quyết thực thi quyền Tự do Tôn giáo (xin xem thêm hồ sơ Bùi Văn Trung).
Ông Thâm sống cùng với cha mẹ và cá canh chị em, ủng hộ cha thiết lập Đạo tràng Út Trung để truyền bá giáo lý và tổ chức cúng giỗ theo Phật giáo Hòa Hảo. Đạo tràng là một nơi những người có cùng một ý hướng tu tập gặp gỡ nhau đều đặn để cúng lễ và thuyết trình giáo lý, không nhất thiết có mặt các tu sĩ. Đạo tràng có thể tại tu viện, chùa, hay đơn giản tại một tư gia.
Chánh quyền địa phương không chấp nhận những sinh hoạt tôn giáo của gia đình ông và luôn tìm cách ngăn cản như chặn đuổi khách tham dự hoặc phá họai bằng cách dùng loa phóng thanh phá rối những kỳ cúng giỗ, thuyết giảng giáo lý.
Ông Thâm thường là người đứng ra phản đối công an đến giải tán các buổi cúng giỗ tại Đạo tràng Út Trung.
Ngày 12/04/2012 công an bao vây Đạo tràng Út Trung để giải tán và ngăn cản những người đến tham dự đám giỗ bà nội của ông. Hai tín đồ PGHH là ông Trương Kim Long và ông Tô Văn Mãnh bị công an đánh chảy máu đầu. Công an và một đám người đã ném cây, chọi đất, gạch đá khi ông Bùi Văn Trung đang thuyết trình giáo lý làm lủng nứt mái tolelợp nhà và bể khung hình Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ. Vì tín đồ PGHH quyết tâm giữ cửa nên công an ra lệnh cho công ty điện lực đến cắt điện phá đám giỗ. Ông Thâm ra đứng cản không cho nhân viên điện lực bắc thang leo lên cúp điện và do đó bị công an bắt kéo ra chỗ khác. Tuy không có điện nhưng tín đồ PGHH vẫn tiếp diễn buổi lễ theo dự tính.
Năm tháng sau sự kiện đàn áp Đạo tràng Út Trung nói trên, trên đường chở giá (mầm ủ từ hạt đậu xanh) đi bán vào rạng sáng ngày 21/9/2012, ông Bùi văn Thâm đã bị công an xã Phước Hưng và công an huyện An Phú chận xe ở một chỗ vắng nhà, vắng người và bắt giữ. Sau gần nữa tháng gia đình mới biết ông Thâm bị giam tại đồn công an huyện An Phú (tỉnh An Giang) và bị khởi tố với tội danh “chống người thi hành công vụ”.
Phiên xử không công khai và không có luật sư
Trong một phiên tòa không công khai vào ngày 21/9/2012, Tòa án Nhân dân huyện An Phú đã kết án Bùi Văn Thâm 2 năm 6 tháng tù giam với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Gia đình ông không được tham dự phiên xử không có luật sư bào chữa này.
Trả thù bằng cách chuyển đi trại giam xa nhà
Ban đầu ông Bùi văn Thâm bị giam tại trại giam Láng Biển (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Công an điều tra của tỉnh An Giang đến trại giam khuyến dụ ông nhận tội để được khoan hồng. Nhưng ông Thâm nhất quyết không nhận tội. Do đó vào tháng 9/2013 ông bị chuyển qua trại tù Xuân Phước (tỉnh Phú Yên), cách gia đình khoảng 700 km. Hình phạt này là một hình thức ép cung ác nghiệt đối với ông Thâm vì ông không quen khí hậu lạ và khắc nghiệt. Việc thăm nuôi khó khăn khiến cho ông ít tin tức của gia đình.
Nhận xét và kiến nghị.
Ông Thâm là người đứng ra bảo vệ quyền tự do tôn giáo trước những hành vi đàn áp của công an. Ông Thâm bị kết án 2 năm rưỡi tù vì tội “chống người thi hành công vụ” và bị đày đi biệt xứ. Gia đình ông có 3 người bị tù vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo: ông Bùi Văn Thâm, ông Bùi Văn Trung (cha ruột ông Thâm) và ông Nguyễn Văn Minh (anh rể ông Thâm).
Trong trường hợp Tu sĩ Bùi Văn Thâm, chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do tôn giáo, quyền hội họp, quyền không bị tra tấn và hành hạ dã man, quyền được xét xử công bằng như được quy định bởi Hiến pháp nước  CHXHCN Việt Nam, Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước về chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm..
Nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho ông Bùi Văn Thâm.




**************************************************************************
Hồ sơ tù nhân lương tâm
Nguyễn Văn Minh
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo
2 năm rưỡi tù vì thực thi tự do tôn giáo.


Nguyễn Văn Minh (hình được cắt từ hình chụp chung)

Ông Nguyễn Văn Minh, sanh năm 1980, sống chung với gia đình nhà vợ cũng là một gia đình thuộc Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) tại ấp Phước Bình, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Ngày 11/2/2014, ông Minh cùng 14 tín đồ PGHH và 6 nhà hoạt động dân quyền tìm cách đi thăm một gia đình PGHH bị công an bắt giữ và phá nhà vào 2 ngày trước. Đoàn 21 người này bị công an chặn đánh và bắt giữ. Sau đó bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh bị truy tố vì tội “gây rối trật tự công cộng”, điều 245 bộ luật Hình sự. Ông Minh bị kết án 2 năm rưỡi tù.

Vụ phục kích và hành hung

Khi đến gần đích, đoàn 21 người đã bị hàng trăm công an mật vụ chặn đường hành hung tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Sau hơn 24 tiếng bị bắt giữ trái pháp luật, công an huyện Lấp Vò thả 18 người trong đoàn ra. Ông Minh là một trong số 3 người bị tiếp tục giam giữ và sau đó bị khởi tố với tội danh “chống người thi hành công vụ”, điều 257 bộ luật Hình sự. Một người công an giao thông đã cho rằng bị ông Minh “dùng tay phải đập vào tay phải” của y một cái. Các nhân chứng đi cùng đoàn cho biết ông Minh không đánh ai, có thái độ rất ôn hòa và không tham gia vào việc tranh luận với công an. Cáo buộc “chống  người thi hành công vụ” sau bị đổi thành “gây rối trật tự công cộng”, điều 245 bộ luật Hình sự. Qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Minh bị kết án 2 năm 6 tháng tù.

Nguyên nhân dẫn đến việc bị bắt

Ngày 11/2/2014 Nguyễn Văn Minh đi cùng với 20 người đến thăm nhà đồng đạo PGHH là bà Bùi Thị Kim Phượng ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đang bị công an huyện Lấp Vò cô lập và khủng bố tinh thần. Họ bị chặn đánh và bắt giữ cách nhà bà Phượng khoảng 15km.

Trước đó hai ngày, vào ngày 9/2/2014, công an đã đập phá tại nhà bà Bùi thị Kim Phượng và bắt chồng bà là cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển để áp giải về Sài Gòn với mục đích là ngăn cản tiệc cưới với nhiều khách ở trong và ngoài nước được dự định tổ chức vào ngày 18/2/2014. Công an lục xét, đập bể đồ đạc trong nhà vàném chân dung Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ xuống sàn.Sau khi chồng bị bắt, bà Phượng cũng bị tạm giữ để thẩm vấn và sau đó bị công an khủng bố tinh thần bằng cách ném đá vào nhà bà. Chịu không nổi bà phải trốn khỏi nhà và lên sống tại Sái Gòn. Đồng đạo PGHH nghe tin nên rủ nhau đi thăm gia đình bà Phượng còn ở lại.

Một gia đình có 3 người tù vì vấn đề tôn giáo.

Ông Nguyễn Văn Minh là người tù thứ ba của gia đình ông Bùi Văn Trung.Hai thân nhân khác bị tù là Bùi Văn Trung (cha vợ) và Bùi Văn Thâm (anh vợ). Năm 2005, ông Bùi Văn Trung cùng với gia đình thành lập đạo tràng Út Trung tại nhà để cùng đồng đạo tu tập theo đúng giáo lý PGHH. Chính quyền địa phương đã nhiều lần ép ông Bùi Văn Trung phải tham gia vào Ban trị sự PGHH do nhà nước thành lập hoặc là giải tán đạo tràng. Vì không chấp thuận nên nhà của ông bị cắt điện hoàn toàn, bị bao vây vào mỗi dịp có lễ đạo. Đồng đạo PGHH đến thăm nhà ông đều bị công an chặn đường và hành hung. Năm 2012, ông Bùi Văn Trung và con trai là Bùi Văn Thâm bị bắt với tội danh “chống người thi hành công vụ”, điều 257 bộ luật Hình sự. Từ đó ông Nguyễn Văn Minh trở thành người trụ cột nuôi gia đình bên vợ và duy trì sinh hoạt đạo tràng PGHH.

Các phiên tòa xử không công khai và không công bằng

Sau hơn 6 tháng tạm giam, ngày 26/8/2014 tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đưa ông Nguyễn Văn Minh, bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh ra xử. Chỉ có 3 trong số 17 nhân chứng do luật sư mời vào được phiên xử. 14 nhân chứng gỡ tội khác bị công an mật vụ ngăn chặn tại nhà, trên đường đi đến hay ngay trước tòa án trong khi phía công tố đưa ra trên 30 nhân chứng buộc tội. Công an mật vụ tỉnh Đồng Tháp đã hành hung, bắt và câu lưu khoảng 70 người muốn vào tham dự phiên tòa. Các đại diện ngoại giao cũng không được phép vào tòa. Kết quả ông Nguyễn Văn Minh bị kết án 2 năm rưỡi tù giam, bà Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 2 năm tù giam.

Ngày 12/12/2014, tại thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm  và giữ nguyên mức án sơ thẩm. Lần này cũng chỉ có 3 trong số 17 nhân chứng do luật sư mời vào được phiên xử. Các nhân chứng đã bị công an bao vây nhà và đe dọa. Khoảng 20 người bạn bị tạm giữ và hành hung trên đường đến tham dự phiên tòa.

Tra tấn và giam giữ vô nhân đạo

Trong 9 tháng bị tạm giam từ tháng 2/2014 đến tháng 11/2014, ông Nguyễn Văn Minh bị ép phải nhận tội bằng nhiều hình thức như bị biệt giam, giam chung với tù thường phạm (tội giết người), không cho gặp người thân (giai đoạn giam cứu)... Vợ của ông cho biết: “Công an điều tra luôn buộc anh ấy phải nhận hai tội danh, một là “gây rối trật tự công cộng”, hai là “chống người thi hành công vụ”. Nhưng vì anh Minh không chấp nhận điều bịa đặt vô lý này nên từ đó công an đã biệt giam anh ấy”. Ông Minh mô tả nơi biệt giam cho vợ như sau: “Đó là một buồng giam nhỏ, kín mít mà có tới hai lớp cửa: cửa ngoài mở để những quản ngục dễ dàng kiểm soát, cửa bên trong đóng suốt 24 giờ mỗi ngày. Bốn bên tường cao bít rịt, chỉ để trống một lổ nhỏ vừa đủ đưa vào cơm và nước uống. Mỗi lần công an kêu đi thẩm vấn hoặc thăm gặp gia đình, bước ra ngoài hai cánh cửa, tôi bị ánh sáng thiên nhiên làm mắt chóa lòa như bị đèn xe rọi thẳng vào mắt gây choáng voáng không thấy đường đi, phải bụm kín mắt rồi mở ra từ từ.”

Kiến nghị:

Chỉ vì thực thi quyền tự do tôn giáo, ông Nguyễn Văn Minh hiện bị án 2 năm rưỡi tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do Tôn giáo, quyền tự do đi lạicủa ông Nguyễn Văn Minh được qui định trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, và Công ước chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm.

Chính quyền Việt Nam phải:

1.      Trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông Nguyễn Văn Minh;

2.      Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do đi lại;

3.      Chấm dứt các hành vi sách nhiễu và đe dọa đối với gia đình và các tín đồ PGHH đến sinh hoạt tại đạo tràng Út Trung
(cập nhật ngày 11/1/2015)


=========================o0o=========================
Hồ sơ tù nhân lương tâm
Bà Mai Thị Dung
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo
Ba bản án tù tổng cộng 12 năm rưỡi vì đấu tranh cho quyền tự do Tôn giáo
Bà Mai Thị Dung (cắt từ một hình chụp chung)
Bà Mai Thị Dung, sinh năm 1969, cư ngụ tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Việt Nam. Bà là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tích cực đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bà Dung và chồng là ông Võ Văn Bửu bị bắt ngày 5/8/2005 trong môt vụ biểu tình chống chính quyền đàn áp đạo PGHH. Sau đó bà Dung hai lần bị đưa ra tòa xử án tổng cộng là 11 năm tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam (BLHS), giống như trường hợp của hầu hết các tín đồ PGHH khác. Bà Mai Thị Dung hiện bị đưa ra giam giữ ở trại Thanh Xuân (Hà Nội), cách xa nhà của bà ở tỉnh An Giang 2.000 km. Bà bị nhiều chứng bệnh hiểm nghèo như sỏi túi mật, suy tim và suy nhược thần kinh nhưng không được các trại giam cho khám và chữa bệnh đúng mức. Mỗi khi ra gặp thân nhân đến thăm nuôi bà phải có người dìu ra.

Việc ngăn cấm hoạt động của các tín đồ PGHH độc lập
Sau chiến thắng quân sự vào năm 1975 chính quyền cộng sản đã giải tán và tịch thu tất cả tài sản của Giáo hội PGHH, một giáo hội có truyền thống lâu đời ở miền Nam Việt Nam. Trên 40 ngàn nhân viên của Giáo hội PGHH đã bị cấm hoạt động hoặc bị bắt. Vào năm 1999 chính quyền Việt Nam cho thành lập tổ chức trùng tên là “Giáo hội PGHH” và xem đây là tổ chức PGHH duy nhất được hoạt động. Như thế tất cả các hoạt động tôn giáo nằm ngoài tổ chức PGHH của nhà nước này bị chính quyền xem là bất hợp pháp. Nhiều tín đồ PGHH không chấp nhận tổ chức mới vì cho rằng tổ chức này đã cùng chính quyền thay đổi truyền thống PGHH như địa danh (Làng Hòa Hảo), tên chùa (Tổ đình là tên căn nhà của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ), cắt bỏ giáo lý (Sấm giảng Thi văn Giáo lý), cấm treo cờ đạo (cờ màu đà) trong ngày lễ tôn giáo, giới hạn sinh hoạt tôn giáo, v.v… Thí dụ tổ chức tôn giáo mới này cấm tín đồ làm lễ kỷ niệm “Ngày Thọ Nạn” của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo PGHH. Vì tin rằng đó là ngày mà Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị lực lượng cộng sản giết chết vào năm 1947 nên hàng năm các tín đồ PGHH vẫn tổ chức kỷ niệm ngày này bên cạnh hai ngày đại lễ khác như “Ngày Đản Sinh“ (ngày sinh của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ) và “Ngày Khai Đạo” của PGHH. Tín đồ PGHH hiện không được tổ chức các ngày đại lễ tại nhà mà phải đến trụ sở của tổ chức Giáo hội PGHH của nhà nước. Những đại lễ PGHH và các đám giỗ gia đình được tổ chức tại tư gia và có mặt nhiều tín đồ đều bị công an đến giải tán với lý do hoạt động tôn giáo bất hợp pháp.

Từ năm 1999 bà Dung và ông Bửu đã cùng nhiều tín đồ PGHH khác tích cực tranh đấu cho quyền được tu học theo đúng giáo lý của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Vợ chồng Dung-Bửu đã tham gia vào các cuộc biểu tình, viết các đơn phản đối chính quyền địa phương cấm tổ chức các ngày đại lễ của PGHH, và viết các thư khiếu nại gởi các cơ quan chính quyền từ địa phương đến trung ương. Chính quyền Việt Nam không những không trả lời thư khiếu nại mà còn gia tăng mức độ đàn áp các tín đồ PGHH. Quá tuyệt vọng bà Dung và ông Bửu đã vài lần có hành động tự hủy hoại thân thể để gây chú ý đến việc đàn áp PGHH. Chính quyền Việt Nam đã dựa vào ba cuộc biểu tình của tín đồ PGHH để kết án tù bà Mai Thị Dung.

Giam giữ lần thứ nhất vì chống sách nhiễu tôn giáo
Trong năm 2000 các tín đồ PGHH đã có nhiều cuộc biểu tình ôn hòa, tuyệt thực tập thể để phản đối chính quyền Việt Nam cấm mọi hoạt động tôn giáo nằm ngoài Giáo hội PGHH (quốc doanh) và giam giữ ít nhất 10 tín đồ PGHH. Trong loạt đàn áp đó, vào đêm ngày 27/3/2000 công an đã đến bắt ông Võ Văn Bửu và giam giữ ông trái phép 11 ngày.

Vào ngày 15/6/2000 bà Mai Thị Dung và ông Võ Văn Bửu cùng đi biểu tình với tín đồ PGHH ở thành phố Long Xuyên. Sau khi công an giải tán cuộc biểu tình họ đã cùng ông Nguyễn Văn Điền về nhà thì bị công an đến sách nhiễu bằng cách vô cớ tịch thu chìa khóa xe gắn máy của ông Điền. Vợ chồng Dung-Bửu tìm cách giằng lại chìa khóa xe thì bị công an bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Trong thời gian bị giam giữ, bà Dung đã tuyệt thực và không chấp nhận các cuộc thẩm vấn của công an. Bà được tạm tha vào ngày 26/6/2000. Hai tháng sau đó, trong một phiên tòa xử kín tại huyện Chợ Mới, ông Võ Văn Bửu bị kết án 2 năm tù giam với tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 BLHS, bà Mai Thị Dung bị kết án 18 tháng tù treo. Trong cuộc biểu tình sau đó để phản đối việc giam giữ chồng bà và nhiều tín đồ PGHH khác vào ngày 26/9/2000, bà Dung đã tìm cách mổ bụng tự sát nhưng được cứu chữa kịp thời.

Bắt giam lần thứ hai vì biểu tình chống đàn áp tôn giáo
Từ đầu năm 2005 chính quyền đã bắt giam nhiều tín đồ, giải tán các buổi lễ tôn giáo tại gia, đánh đập tín đồ và tịch thu các tài liệu tôn giáo của họ. Vụ bắt giam vợ chồng Dung-Bửu trong năm 2005 nằm trong chính sách bóp nghẹt cả đời sống thường nhật của các tín đồ PGHH hoạt động độc lập nằm ngoài Giáo hội PGHH được nhà nước dựng lên vào năm 1999. Nhiều tín đồ PGHH độc lập đã bị dồn vào chân tường và chỉ còn biết mang sinh mạng của mình ra để đánh đổi lấy quyền tự do tôn giáo.

Việc bắt giữ vợ chồng Dung-Bửu khởi nguồn từ một hành vi độc đoán vào ngày 3/6/2005. Hôm đó chính quyền dùng cảnh sát giao thông để cản chặn không cho ông Võ Văn Bửu và 6 tín đồ PGHH khác đến dự một đám giỗ được tổ chức tại nhà một đồng đạo ở tỉnh An Giang. Lý do để sách nhiễu là họ đi xe gắn máy chạy hàng hai, không có giấy tờ xe, không có bằng lái xe, không đội mũ an toàn, chở đồ cồng kềnh … Khi các tín đồ PGHH bỏ xe để đi bộ đến dự đám giỗ thì công an đến giải tán đám giỗ. Công an chỉ rút lui khi các tín đồ PGHH dọa tuyệt thực tập thể và tự thiêu. Hai tháng sau, vào ngày 5/8/2005, công an đến bắt vợ chồng Dung-Bửu về tội „gây rối trật tự công cộng“ theo điều 245 BLHS. Ông Võ Văn Bửu đã châm lửa định tự thiêu nhưng công an dập tắt lửa. Ngày 27/9/2005, Tòa án Nhân dân thành phố Long Xuyên đã tuyên án bà Mai Thị Dung 5 năm tù giam, ông Võ Văn Bửu 7 năm tù giam trong một phiên xử kín mà gia đình và những tín đồ PGHH không được tham dự.

Kết án lần thứ ba vì biểu tình đòi tự do tôn giáo
Năm 2006, trong khi đang bị giam tại trại giam tỉnh An Giang, bà Mai Thị Dung bị truy tố về việc tham gia vào một vụ biểu tình của các tín đồ PGHH xảy ra vào năm 2001. Thời đó các tín đồ PGHH dự định tổ chức biểu tình vào ngày 17/3/2001 tại thành phố Hồ Chí Minh để phản đối chính quyền đàn áp PGHH. Ngày 17/3/2001 (nhằm ngày 25/2 âm lịch) là ngày tưởng niệm Đức Huỳnh Giáo chủ PGHH bị thiệt mạng và được xem là ngày lễ quan trọng của PGHH. Từ năm 1975 chính quyền Việt Nam cấm tín đồ PGHH tổ chức ngày kỷ niệm này. Cuộc biểu tình bất thành vì tín đồ PGHH từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã bị công an bắt giữ khi họ vừa đến thành phố Hồ Chí Minh. Do đó một số tín đồ PGHH khác đã tổ chức một cuộc biểu tình khác vào ngày 19/3/2001 tại làng Tân Hội, tỉnh Vĩnh Long. Trong cuộc biểu tình này bà Nguyễn Thị Thu đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp quyền tự do tôn giáo của tín đồ PGHH. Nhiều hãng thông tấn quốc tế như Reuters đã loan tin này. Chính quyền Việt Nam đã tịch thu xác chết của bà Thu và cáo buộc bà Mai Thị Dung và một số nữ tín đồ PGHH đã giết bà Thu. Theo cáo trạng, trong khi bà Thu tự thiêu, một số tín đồ PGHH đã cầm cờ đạo, cầm biểu ngữ và hô khẩu hiệu có nội dung “Trả tự do cho PGHH”, “Trả tự do cho Út Điền” và “PGHH muôn năm”. Bà Thu, 75 tuổi, là Phó ban Phụ nữ và Xã hội của Giáo hội PGHH và đã nhiều lần xin tự thiêu. Trong một tuyệt mệnh thư viết hồi năm 1999 bà Thu nói rõ lý do bà muốn tự thiêu là để phản đối hành vi liên tục đàn áp tín đồ PGHH của nhà cầm quyền.
Vào ngày 19/9/2007, tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã mở phiên tòa xử kín 3 nữ tín đồ PGHH vì tội “giết người” theo điều 93 BLHS. Tuy nhiên luật sư bào chữa rằng Viện Kiểm sát Nhân dân đã không có đủ chứng cớ để buộc tội giết người. Cuối cùng, ngay tại tòa, Viện Kiểm sát Nhân dân đã chuyển tội “giết người” sang tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 BLHS và tòa đã kết án bà Mai Thị Dung 6 năm giam, bà Dương Thị Tròn 5 năm giam và bà Nguyễn Thị Thanh 2 năm tù giam theo điều 245 BLHS.

Với hai bản án “gây rối trật tự công cộng” năm 2005 và 2007, bà Mai Thị Dung đã phải chịu án 11 năm tù giam cho những hoạt động đấu tranh quyền tự do Tôn giáo của tín đồ PGHH.

Tình trạng giam giữ dã man và sức khỏe nguy kịch
Nơi giam bà Mai Thị Dung ở Hà Nội 
Từ khi bị bắt vào ngày 5/8/2005 và bị kết án vào tháng 9/2005 bà Mai Thị Dung đã bị biệt giam trong phòng kín của trại tạm giam tỉnh An Giang hơn hai năm rồi mới chuyển đi thi hành án ở trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách nhà bà ở An Giang 400 km. Do đó, sức khỏe bà Dung bị suy giảm nhanh chóng. Vào năm 2008, bà Dung bắt đầu có những cơn đau quằn quoại do bị sỏi túi mật nhưng không được điều trị. Công an nhiều lần thuyết phục bà Dung nên nhận tội để được đưa đi điều trị nhưng bà Dung không đồng ý.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng khiến có lúc bà Dung bị liệt cả hai chân, yếu sức đến độ không thể tự chăm sóc cho bản thân. Cuối tháng 9/2013, bà Dung được trại giam Xuân Lộc cho đi khám bệnh và phát hiện thêm chứng suy tim và suy nhược thần kinh. Nhưng trại giam cũng không cho bà Dung được điều trị bệnh tại bệnh viện chuyên khoa trong khi đó bệnh xá trại giam không đủ điều kiện trị các bệnh sỏi túi mật, suy tim… Ngày 1/10/2013, bà Dung tuyên bố tuyệt thực để phản đối chính sách giam giữ vô nhân đạo của trại giam Xuân Lộc.

Ngày 2/10/2013, bộ Công an chuyển bà Mai Thị Dung đến giam tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), cách xa gia đình bà ở tỉnh An Giang gần 2.000 km. Suốt thời gian chuyển tù bằng xe cứu thương của trại giam, bà Dung bị còng tay vào xe và nhiều lần bị ngất xỉu. Hiện nay do không quen thời tiết lạnh ở miền Bắc Việt Nam, bệnh tình và sức khỏe của bà Dung càng suy kiệt, khiến chồng bà là ông Võ Văn Bửu quan ngại bà sẽ chết. Việc giam xa nhà là một biện pháp vô nhân đạo khiến cho nạn nhân không được gia đình thăm gặp, tiếp tế thuốc và thực phẩm thường xuyên được nữa.

Kiến nghị:
Chỉ vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, bà Mai Thị Dung hiện phải chịu 2 bản án với 11 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Giam giữ bà, chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do Tôn giáo, quyền hội họp và biểu tình, quyền an toàn thân thể, quyền không bị tra tấn và hành hạ dã man, quyền được xét xử công bằng của tù nhân lương tâm Mai Thị Dung như được qui định trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, và Công ước chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm.

Chính quyền Việt Nam phải:
1.      Trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho bà Mai Thị Dung;
2.      Trong khi chờ đợi việc phóng thích, bà Dung phải được điều trị bệnh sỏi túi mật, suy tim và suy nhược thần kinh tại một bệnh viện chuyên khoa và được chuyển về giam giữ gần nhà (trại giam Định Thành thuộc bộ Công an, tỉnh An Giang) để gia đình dễ chăm sóc.

(cập nhật ngày 22/4/2014)
oOo
           
                     ===========================================================================                                      

Hồ sơ tù nhân lương tâm
Bà Dương Thị Tròn
Trưởng ban Phụ nữ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Thuần túy)
9 năm tù giam vì đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo



Hình bà Dương Thị Tròn (phải) cùng chồng

Bà Dương Thị Tròn, sinh năm 1947, cư ngụ tại ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Bà là Trưởng ban Phụ nữ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH-Thuần túy) và là một trong số những tín đồ PGHH tích cực bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo của PGHH tại vùng châu thổ sông Cửu Long trước sự đàn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam từ sau năm 1975. Bà Tròn cùng chồng là ông Nguyễn Văn Thơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tỉnh Đồng Tháp, bị bắt ngày 2/10/2006. Sau đó bà Tròn bị đưa ra tòa xử hai lần với án tổng cộng là 9 năm tù vì “tội gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Hầu hết các tín đồ PGHH biểu tình ôn hòa để đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo đều bị kết án bằng các tội danh hình sự như “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ”.

Phiên xử thứ nhất vì biểu tình cho tự do tôn giáo vào tháng 5 năm 2007


Bà Tròn bị bắt giữ vì đã có hoạt động phản đối việc chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo của các tín đồ PGHH.

Là một cộng đồng tôn giáo sống gắn bó với nhau tín đồ PGHH thường tham dự các buổi giỗ trong gia đình các đồng đạo mà họ xem là lễ tôn giáo. Vào ngày 24/5/2006, trên đường trở về nhà sau khi tham dự một đám giỗ PGHH tại tỉnh An Giang, bà Dương Thị Tròn và các đồng đạo PGHH đã bị hàng chục công an mặc thường phục của huyện Lấp Vò và huyện Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp chặn đường đánh. Các nạn nhân nhận diện thủ phạm là những nhân viên an ninh thường xuyên theo dõi họ.

Vào ngày 31/5/2006, để phản đối việc công an giả dạng côn đồ tấn công vào các tín đồ PGHH, vợ chồng bà Tròn và một số tín đồ PGHH đã tuyệt thực tại nhà bà với băng-rôn có dòng chữ: “Cuộc tuyệt thực 16 người, phản đối nhà cầm quyền cộng sản đàn áp tự do tôn giáo và đánh đập tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Yêu cầu trả tự do cho tu sỹ Nguyễn Văn Điền”. Các tín đồ PGHH đã lập bàn hương án, phát loa phóng thanh phản đối công an đàn áp quyền tự do Tôn giáo của tín đồ PGHH và tuyên bố sẳn sàng tự thiêu nếu công an tấn công vào nhà.

Sau đó  bà Dương Thị Tròn và ông Nguyễn Văn Thơ bị công an bắt ngày 2/10/2006 khi họ đang tham dự đám giỗ tại nhà một đồng đạo PGHH ở huyện Lai Vung và bị khởi tố tội “gây rối trật tự công cộng” điều 245 của bộ luật Hình sự.

Trong phiên xử kín về tội “gây rối trật tự công cộng” vào ngày 3/5/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Dương Thị Tròn 4 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Thơ 6 năm tù giam, ông Lê Văn Sóc 6 năm 6 tháng tù giam và ông Nguyễn Văn Thùy 5 năm tù giam. Ngày 23/7/2007, tòa án phúc thẩm tại TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Trong cả hai phiên tòa các bị cáo không có luật sư, không được phép giải thích về những điều bị cáo buộc mà chỉ được trả lời “có” hay “không” theo câu hỏi của thẩm phán.

Phiên xử thứ hai vì tham gia vào vụ tự thiêu hồi năm 2001

Trong năm 2007 bà Tròn bị đưa ra xử lần thứ hai vì đã tham gia vào một vụ biểu tình của PGHH xảy ra vào năm 2001. Thời đó các tín đồ PGHH dự định tổ chức biểu tình vào ngày 17/3/2001 tại thành phố Hồ Chí Minh để phản đối chính quyền đàn áp PGHH. Ngày 17/3 là ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ - người khai sang đạo PGHH – bị thiệt mạng và được xem là ngày lễ quan trọng của PGHH. Từ năm 1975 chính quyền Việt Nam cấm tín đồ PGHH tổ chức ngày kỷ niệm này. Cuộc biểu tình bất thành vì người biểu tình đã bị công an bắt giữ khi họ vừa đến thành phố HCM. Do đó một số tín đồ PGHH khác đã tổ chức một cuộc biểu tình khác vào ngày 19/3/2001 tại làng Tân Hội, tỉnh Vĩnh Long. Trong cuộc biểu tình này bà Nguyễn Thị Thu đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp quyền tự do tôn giáo của tín đồ PGHH. Nhiều hãng thông tấn quốc tế như Reuters đã loan tin này. Bà Tròn và một số nữ tín đồ PGHH bị cáo buộc tội giúp bà Thu tự thiêu. Chính quyền Việt Nam đã tịch thu xác chết của bà Thu và cho rằng bà Thu bị người khác giết chết chứ không tự thiêu vì lý do tôn giáo. Theo cáo trạng, một số tín đồ PGHH đã cầm cờ đạo, cầm biểu ngữ và hô khẩu hiệu có nội dung “Trả tự do cho PGHH”, “Trả tự do cho Út Điền” và “PGHH muôn năm”. Bà Thu, 75 tuổi, là Phó ban Phụ nữ và Xã hội của Giáo hội PGHH và đã có ý định tự thiêu nhiều lần. Trong một tuyệt mệnh thư hồi năm 1999 bà Thu nói rõ lý do muốn tự thiêu là để phản đối hành vi liên tục đàn áp các tín đồ PGHH.

Vào ngày 19/9/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Vĩnh Long đã mở phiên tòa xét xử bà Dương Thị Tròn, bà Mai Thị Dung và bà Nguyễn Thị Thanh vì tội “giết người” theo điều 93 của Bộ luật Hình sự. Các bị cáo có luật sư chỉ định bào chữa. Cuối cùng vì tòa cho rằng Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Long đã không có đủ chứng cớ buộc tội giết người. Tòa chấp nhận cho Viện Kiểm sát chuyển từ tội “giết người” sang tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 bộ luật Hình sự. Cuối phiên xử không công khai này bà Dương Thị Tròn bị kế án 5 năm, bà Mai Thị Dung 6 năm và bà Nguyễn Thị Thanh 2 năm tù giam.

Tình trạng giam giữ và sức khoẻ hiện nay:

Bà Dương Thị Tròn đang bị giam tại phân trại số 5, trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cách xa nhà của gia đình bà ở tỉnh Đồng Tháp khoảng 300 km. Việc giam giữ xa nhà gây khó khăn cho việc thăm nuôi và tiếp tế thực phẩm là những thứ cần thiết cho tù nhân ở Việt Nam. Thời gian đi thăm nuôi mỗi lần mất 6 tiếng đồng hồ và chi phí (tiền xe và tiền ăn nghỉ dọc đường) cho một người thân đi thăm hàng tháng là 3 triệu đồng. Chi phí này là một gánh nặng đối với gia đình vì mức thu nhập bình quân của một nông dân vùng Đồng Tháp là dưới 1 triệu đồng/tháng, bên cạnh tiền mua thức ăn tiếp tế cho tù nhân trung bình là 1 triệu đồng và tiền ký gửi vào canteen trại giam là 1 triệu đồng. Biện pháp giam xa nhà của bộ Công an (Việt Nam) là nhằm hạn chế thông tin, cô lập tù nhân với xã hội bên ngoài nhằm kiểm soát tinh thần, tư tưởng và hành động của tù nhân.

Từ khi bị bắt, ngày 2/10/2006 cho đến nay, do lớn tuổi và mang chứng bệnh hạ huyết áp, sức khỏe bà Dương Thị Tròn ngày càng yếu, bà Tròn thường xuyên bị ngất xỉu khi có những suy nghĩ căng thẳng, phiền muộn hay thời tiết thay đổi khắc nghiệt. Tuy nhiên, việc khám và chữa bệnh không được trại giam quan tâm thực hiện vì bà Tròn không nhận tội trong các bản kiểm điểm hàng quý của trại giam.

Kiến nghị:

Với việc kết án bà Dương Thị Tròn và các tín đồ PGHH, nhà cầm quyền tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và tòa án Tối cao đã vi phạm các quyền căn bản con người như quyền tự do Tôn giáo, quyền hội họp biểu tình, quyền được bảo vệ thân thể, được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiến định. Những vi phạm này và việc giam giữ xa nhà đã vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Công ước về quyền Dân sự và Chính trị và công ước chống Tra tấn, Đối xử vô nhân đạo và Hạ thấp nhân phẩm mà Việt Nam vừa ký kết tham gia vào tháng 11/2013.
Nhà cầm quyền Việt Nam phải
1) Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho bà Dương Thị Tròn
2) Trong khi chờ đợi sự phóng thích, chính quyền cần cho bà Tròn đi khám và chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa, và chuyển bà Tròn về giam gần nhà (tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có một trại giam thuộc bộ Công an).

(Cập nhật ngày 8/3/2014)


==============================================================










2 nhận xét:

  1. Xin cho hỏi vì sao lại có tên gọi Phật Giáo Hòa Hảo " THUẦN TÚY " ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phật giáo Hòa Hảo khai sáng đạo tại làng Hòa Hảo (tỉnh Châu Đốc) vào năm 1939. Sau năm 1975, PGHH bị nhà cầm quyền kiểm soát, thành lập ra Ban trị sự giáo hội PGHH (giáo hội quốc doanh). Các tín đồ PGHH không tham gia vào giáo hội quốc doanh lập các Khối PGHH như thuần túy, truyền thống, miền Tây....nhằm tu tập theo tôn chỉ của Đức Huỳnh Phú Sỗ (Giáo chủ PGHH).

      Xóa