SINH HOẠT

Cúng tuần một năm cho bà Bùi Thị Kim Anh.

Mùng 6 tháng 7 năm Bính Thân tức là ngày 8/8/2016, gia đình bà Bùi Thị Kim Anh tại ấp Hưng Lợi Đông (chợ Vàm Đinh), xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tổ chức cúng tuần một năm (sau ngày qua đời) của bà Kim Anh theo nghi thức Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) truyền thống.


Di ảnh của bà Bùi Thị Kim Anh

Vì gia đình đơn chiếc, nên từ trước đó một ngày, đồng đạo PGHH đã đến phụ giúp với gia đình, người dọn dẹp nhà cửa, người làm cỏ trước sân nhà, người chuẩn bị thực phẩm chay, người chưng bông dọn dẹp bàn thờ…Bà Kim Cam, em ruột của bà Kim Anh cho biết: ”có khoảng trên 100 đồng đạo PGHH và người thân trong gia đình sẽ đến tham dự ngày cúng tuần, gia đình sẽ đổ bánh xèo chay để mời khách, ngoài ra sẽ làm thêm món ăn lót dạ và vài món mặn dùng với cơm trắng”.



Từ hừng đông, ông bà Sáu Hoa, ông bà Tám Tân và một số đồng đạo PGHH lối xóm đã đến nhà bà Kim Cam để chuẩn bị công việc và mang nguyên liệu thực phẩm đến… Sau khi đã dùng buổi ăn sáng, mọi người bắt tay vào khuấy bột, làm nhân bánh và nhóm lửa, số lượng bánh phải đổ có thể lên đến vài trăm cái nên mọi người rất khẩn trương. Rau sống thì gom lại từ vườn nhà và đồng đạo mang tới khoảng hai thúng giạ, đủ các loại rau: lá bằng lăng, rau thơm các loại, cải bẹ xanh, lá xoài, lá mận, lá cách…ăn bánh xèo mà thiếu rau thì mất ngon. Nước mắm chay cũng phải được pha chế vừa ăn (hơi ngọt theo hương vị miền Tây) đây là món nước chấm không thể thiếu. 


Đàm đạo 



Mặt trời lên cao, bà con đồng đạo cũng kéo đến đông, đàn ông ngồi bàn bạc công việc đồng áng, bàn luận về giáo lý PGHH, đàn bà thì vào bếp phụ với chủ nhà lo chuẩn bị đồ cúng…Ông Ba Lía ở tận Chợ Mới (An Giang) cũng lặn lội đến tham dự với gia đình. Đúng 11 giờ, đợt cúng lần thứ nhất bắt đầu, ông Sáu Hoa thay mặt gia đình cảm tạ đồng đạo đến tham dự buổi cúng tuần, ông Tám Tân, ông Toàn sẽ xướng ngôn bài cúng để mọi người tín đồ PGHH tham gia nghi thức cầu siêu cho người đã khuất cũng như cầu cho Quốc thái Dân an.


Đàm đạo

Nghi thức cầu nguyện xin xem trong đoạn video này:

https://www.youtube.com/watch?v=xKAALi7NdNI&feature=youtu.be

Sau nghi thức cầu nguyện lần thứ nhất, mọi người cùng nhau hoan hỉ dùng bánh xèo nóng, mọi người có thể ăn thoải mái. Đồng đạo vẫn tiếp tục đến, các lần cầu nguyện sau cứ tiếp diễn từng đợt cho đến khi hết khách thì cũng đã xế chiều. Khách có thể ở chơi và phụ với chủ nhà tiếp đón các đợt khách đến sau cho đến khi vãng khách. 

Tình làng nghĩa xóm, tình đồng đạo PGHH ở miền sông nước miền Tây Nam bộ, đối xử nhau ở tấm lòng chân thật tạo nên sự gắn bó thân thiết mà không có điều gì phá vỡ dù phải trãi qua những giờ phút khó khăn nhất.


Dùng bánh xèo chay

Vọng Quê Hương.


-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

TRỒNG CÂY
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay ta bàn việc “Trồng cây” nhá! Quý vị có ngạc nhiên lắm không khi nghe tôi đưa đề như thế? Đức Thầy có dạy cách trồng cây trong bài nào quý vị có nhớ chưa ? là bài “An ủi một tín đồ” đó! Bài nầy Ngài sáng tác năm vào năm 1943 tại Sài Gòn, thể thượng lục hạ bát, dài 14 câu, có hai câu thế nầy:
“Trồng cây mà chẳng rấp rào
Để cho gió lại tạt vào gốc lay”.
Trong ý thơ dường thể trách người trồng cây không có qui tắc về trồng trọt, dạy rấp rào kỹ lưởng mà không nghe lời để cho gió mạnh có cơ hội làm lung lay gốc. Theo tôi, việc trồng cây có ba qui tắc mang tính quyết định:
1.     Trước hết là chọn đất thích hợp với loại cây trồng, xong rồi dọn cỏ, tạo màu mở đất cho vùng trồng cây. Nếu đất không thích hợp với loại cây trồng thì cây sẽ không phát triển. Ví dụ như đem Cam Quít trồng trên đất phèn, mặn, hoặc loại rất thích nước mà trồng trên đồi cao như cây Sen chẳng hạn, hoặc những cây thích ở nơi cao ráo mà đem trồng dưới vùng ẩm ướt là không thích hợp.
2.     Chọn được đất thích hợp đặt cây xuống đâu phải như vậy là xong việc rồi tự nó tươi tốt, tự nó ra bông trái được, người trồng cây còn phải tiếp tục chăm sóc. Đức Thầy, nhà dạy cách trồng đã đặt sự quan trọng ở chỗ “Rấp Rào” kỹ lưỡng. Nếu không làm như thế là thiếu trách nhiệm bảo quản. Rấp là đậy kín, ngăn chận sự xâm hại, ví dụ như rấp đường là không cho bất cứ ai người và vật đi qua con đường nầy. Rào là sự bao bọc chung quanh; người ta nói nhà có hàng rào chung quanh thì trồng trọt và sự sống sẽ được an toàn hơn. Đạo Phật lấy giới luật làm hàng rào, bờ bao chắc chắn. Rấp rào có cùng một ý nghĩa là ngăn chận các sự phá phách của người và thú vật như Trâu Bò Heo Chó Gà… người không vào được mà trộm cây trái hay lấy của quí, những súc vật nói trên không vào được để chúng bươi ủi. Thường là thế, nhưng Đức Thầy nhấn mạnh tính bảo quản cây trồng là đừng để tác hại của gió “Tạt vào gốc lai”, làm hại cây mới trồng.
3.     Chăm sóc: làm cỏ, tưới nước, bón phân… Cây thiếu nước sẽ bị héo xào lá, tình trạng quên chăm sóc để cây thiếu nước lâu ngày hết sức chịu đựng cây sẽ chết còn nếu chịu đựng được thì cũng co rút hình dạng. Bằng như tưới nước đầy đủ mà thiếu phân thì tới mùa bông trái cũng bị thất thu.
Chúng ta suy ra, cây mới trồng rất cần sự đứng vững, không động gốc thì rễ mới bén đất, nếu không làm rào che chắn gió, gió được nước thổi quần quật suốt ngày suốt tháng tự động nhớm gốc riết rễ không ra nổi, cầm cự không lâu cây trồng sẽ chết. Nhờ rấp rào gió và các thứ không lay động gốc, cây tưới nước bón phân đầy đủ thì chắc chắn mùa vụ sẽ đạt hiệu quả cao.
Kính thưa chư đồng đạo! Vừa rồi chúng ta bàn qua nghĩa đen của việc trồng cây giờ chúng ta nên mở rộng đề tài tìm nghĩa bóng để biết Đức Thầy dạy trồng cây là ý gì. Đức Thầy dùng nhân cách hóa viêc trồng cây để nói rằng tín đồ của Ngài trồng cây đạo hạnh, hưởng quả Bồ Đề trường thọ. Cũng giống như trồng cây hoa kiểng hay những loại cây ăn trái, hãy đem tất cả sự bảo vệ chăm bón cây kiểng để chăm bón cây đạo hạnh mà sự rấp rào là giới luật gắn bó chặt chịa, từ bên trong Ý Nghiệp, rấp những tham lam sân nộ mê si không cho nó phát sinh động đậy gốc rễ cây đạo hạnh. Đồng thời với việc rấp ba món độc hại của ý nghiệp, thì Lục căn cũng có thể là nguyên nhân đáng sợ bức phá cây đạo hạnh, Đức Thầy có câu:
“Trong sắc thân giám thị Lục Căn,
Đừng cho chúng tính lăng quằng”
Mắt, tai, mủi, lưởi, thân, ý nó nằm dính trong người nên nói là “trong sắc thân”. Dù đã biết bấy nay nó làm tội làm tình, Đức Thầy không dạy cách cắt bỏ chúng ra khỏi thân để không chịu ảnh hưởng xấu những việc chúng làm mà dạy “Giám Thị” chúng bất cứ lúc nào. Giám Thị, Giám: trông coi xem xét, Thị: mắt thấy. Giám Thị: trông coi công việc bằng quan sát kỹ lưởng, mắt thấy tận tường những hành động lăng quằng của sáu tên muốn làm giặc trong thân căn, giám thị phải có phương pháp giáo dục, không được thì dùng biện pháp kỷ luật. Nếu công việc bên trong đã dược giám thị dàn xếp yên ổn, không còn tên nào lăng quằng nữa, bây giờ chỉ còn lo mặt giặc ngoài tràn vào nên phải” Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần”. Căn và trần là thế giặc ngoài hô trong ứng, không được thì ngoài ứng trong hô; nếu bên trong ta chế ngự được sáu căn không ứng không hô gì nữa, phía ngoài dầu có ứng có hô chỉ là thứ tình yêu đơn phương chẳng gây được chiến công. Chấp thủ, Chấp: nhận chịu, Thủ: tay. Chấp thủ, nhận sự khiêu chiến của sáu tên giặc, bỏ bộ thủ tay đánh tan quân xâm nhập.
Giải quyết xong sự rấp rào từ trong ý nghiệp, lục căn, bây giờ còn lại là gió “tạt vào gốc lay”. Gió gì mà làm lay động gốc cây trồng? Nhà Phật nói đến “Bát Phong” tức tám ngọn gió độc. Theo sự giải thích của Phật Học Từ Điển của cụ Đoàn Trung Còn, tám ngọn gió có tên là: Lợi, Ai, Hủy, Dư, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc.Lợi hưởng, thấy lợi là ham, Ai: vừa lòng thì thích thú, thương cảm, không vừa lòng thì Hủy: nói xấu, Dư:tự khen mình, Xưng: khen tặng người khác, Cơ: khinh  chê, Khổ: hoạn nạn buồn rầu, Lạc: vui sướng. Bị tám thứ này làm động tâm hồn thì cây đạo hạnh cứ bị lung lay nhớm gốc; ví dù cây không lật gốc chết đi cũng không phát triển nổi. Đạo hạnh không phát triển công đức giải thoát, hết kiếp bị hút vào vòng luân hồi cho sanh tử nối tiếp, thay vì học đạo là để “Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Kính thưa chư đồng đạo! Vừa qua chúng ta bàn về cách trồng cây đạo hạnh căn cứ theo lời dạy của Đức Thầy; ta thấy việc trồng cây ở thế rấp rào là tối quan trọng, rấp rào để ngăn chận sự xâm hại của người và các thú vật. Cây mới trồng hay trồng lâu ngày mà rễ chưa bén đất rất sợ gió động mạnh cũng như người mới tu hay tu lâu mà gốc tâm chưa vững rể đạo chưa ăn sâu, rễ bạ lên trên gặp gió mạnh thổi tới không có sức bấu díu, chịu không nổi phải đổ ngả.
Xin lỗi quý đồng đạo mình đây nhá! Chúng ta trồng cây đạo hạnh, có người mới trồng, có người trồng lâu. Những ai mới trồng mà rấp rào đúng cách tám gió không làm lay động gốc rễ và tám “ Lời Khuyên Bổn Đạo” của Đức Thầy giữ gìn chặc chịa dù đường tu chưa dài mà kết quả thật đáng lấy làm khuyến khích cho những người bê bối. Ai biết mình tu lâu năm, hãy coi cây đạo hạnh của mình có to lớn tốt tươi hay đèo đẹt ủ rủ? Để đáp số cho bài toán đúng hay sai chỉ cần ta áp dụng câu “Đường đạo đức bước đi từ nấc” của Đức Thậy dạy là biết ngay thôi. Lúc mới vào đạo ta đi từ nấc nào? tới nay qua mấy năm mà còn ở y một nấc thì quá là “lối cũ”. Lúc mới tu, tính còn bồng bột, sự ham muốn, nóng nảy, mê si nhứt thời không bỏ được, nay đã qua ba hay bốn năm tu mà sự bồng bột nóng nảy… của lúc xưa không giảm thì có bước thêm nấc nào đâu? là “tu theo lối cũ” mãi đó.
Quý vị tu độc thân gì muốn giữ riêng thân nầy cống hiến làm ích lợi cho đạo, gánh vác những công việc đạo cần, nên giữ thân nầy cho trong sạch, thơm tho thì sự cống hiến mới có giá trị; của cho là của có chất lượng không phải là của ế. Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đương tu tập ta hãy nên gần đèn để tiếp hơi từ ánh sáng của đèn mà đi đúng đường, làm đúng công việc. Gương sáng không nhứt thiết phải là người tu lâu. Ông Thanh Sĩ nói:
“ Tu lâu mà chẳng chùi lau
Sao bằng kẻ mới bước vào siêng năng”.
Đức Thầy dùng lời khuyên gói gọn hơn:
“Chữ tu hãy rán miệt mài,
Đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu”.
Mới tu hay tu lâu không cần biết, yêu cầu miệt mài tu hành là được. Tiếp theo sự dẫn dụ của Đức Thầy còn thấm thía hơn:
“ Chim khôn thì uống nước trong
Người khôn mau sớm rửa lòng bợn nhơ”
So sánh loài chim mà khôn, nước đục thà chịu chết khát chớ không uống. Con chim còn muốn sự sống được trong sạch như vậy thì lẽ nào người cho mình là khôn ngoan mà không chịu sớm rửa cái lòng bợn nhơ của mình đi! Trong đêm, đèn có thắp lên mà không diệt được bóng tối không phải lỗi do đèn mà lỗi ở ta không siêng năng lau chùi khói nám; dở bỏ chiếc ống khói rấp rào ra ư? Không được đâu, dở bỏ thì gió thổi tắt liền, ta chỉ dở ra chùi lau khói và chuẩn bị áng gió trước khi dở óng khói ra lau, việc làm nhanh nhẹn. Khi lau sạch khói nám thì ánh sáng của ngọn đèn sẽ tủa ra ngay. Đêm có đèn sáng sự sinh hoạt cũng như ban ngày.
Lúc nảy tôi kêu gọi quý huynh đệ mình hãy gần đèn không nên gần mực, tôi thấy kiểu cách của một vài vị tỏ dấu băn khoăn ý nói cũng nên gần mực để chờ cơ hội cứu độ bóng đen. Đúng vậy, gần mực để cứu độ bóng đen là hay, nhưng phải tỏ rõ phong cách đèn sáng của mình trước và ngay khi đến gần mực. Không tỏ rõ phong cách đèn sáng, tối đen vẫn còn bao trùm lên cuộc đời đó là cách nói của người ô nhiễm mà giỏi lý luận bào chữa, không phải cứu độ bóng đen mà đến để cho mình đen thêm. Vị nam tu độc thân mà nói đi độ tu cho một nữ tu độc thân thì hãy coi lại chính mình. Trong khi biết mình có bệnh thì xúc tiến công việc trị bệnh, trong thời gian trị bệnh, gặp thứ bị nhiễm nặng thì phải cách ly hoàn toàn thời gian điều trị, thuốc hay thầy giỏi là một lẽ mà bệnh nhân nếu biết kiêng cữ nữa thì thuốc sẽ dẫn hiệu quả nhanh.
LÊ MINH TRIẾT

8/7/2016

---------------------------------------------------------------------------------


Rằm tháng Giêng tại chùa Quang Minh.

Cứ mỗi độ Đông tàn Xuân đến lòng người lại nô nức đón mừng Xuân mới bên người thân và gia đình.Ông bà, cha mẹ mừng con cháu đi làm xa trở về, gia đình sum vầy, bên nồi bánh tét tiếng vui cười của trẻ con.

Cầu cho quốc thái dân an

Những cuộc vui vẻ bên người thân và bạn bè tạo nên cái nô nức của mùa Xuân, đó là về mặt tinh thần, về mặt tâm linh mọi người cũng mong đươc đi viếng chùa đầu năm để cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng.

Theo thông lệ hằng năm vào ngày Rằm tháng giêng âm lịch (còn gọi là Rằm Thượng Ngươn) tại chùa QUANG MINH, thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do Tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm làm trụ trì, đều tổ chức các buổi lễ tập trung cầu nguyện với hàng trăm tín đồ PGHH đến tham dự.

Sáng sớm ngày 13 tháng giêng âm lịch năm nay (Bính Thân – 2016), một số tín đồ PGHH đã đến chùa, để treo cờ, treo đèn, cắm hoa dâng lên bàn Phật, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà chùa…tạo không khí nô nức và trang nghiêm.

Từ bảy giờ sáng ngày 14 tháng giêng âm lịch, một số bà con đến chùa mang theo thực phẩm như bầu, bí, mướp, rau, đậu hủ, đọt lục bình, trà, đường, hột é....cúng dường. Tám giờ sáng, có một đoàn trên dưới 50 người đến viếng chùa và lễ Phật cầu mong điều tốt lành, đoàn người được sự tiếp đón của trụ trì chùa và trao đổi giáo lý của Đức Thầy trong bầu không khí vui vẻ và trang nghiêm. Một tiếng sau, đoàn chia tay ra về và hẹn viếng chùa vào lần sau.

Bà con đồng đạo hàn huyên tâm sự trước giờ cầu nguyện

Dưới sự hướng dẫn của Tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm, từ ba giờ sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch, cư sỹ Tô Văn Mãnh chịu trách nhiệm nấu cơm, cư sỹ Hạnh chiên bánh tiêu, cư sỹ Minh Kỳ đãi nước trà đường, hột é; cư sỹ Tâm sắp xếp bàn ghế, một số đồng đạo khác thì lo việc nấu nướng, chế biến thức ăn chay. Ai ai cũng bận rộn cho công việc đón tiếp, chiêu đãi.

Chín giờ sáng, tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm hướng dẫn đồng đạo cùng bà con cô bác viếng chùa, trên 800 người tham dự nghi thức dâng chay phẩm lên cúng Cửu huyền và cầu an cho bá tánh. Cầu an xong, tu sỹ trụ trì mời bà con dùng cơm chay để gieo duyên với chùa, bà con rất hoan hỉ, ai cũng hy vọng mọi điều an lành, hạnh phúc trong năm mới.

Mời cơm chay bà con đồng đạo

Nam Mô A Di Đà Phật.

Rằm tháng Giêng năm Bính Thân


Cư sỹ Minh Kỳ

---------------------------------------------------------------------------------------

HỒI ỨC VỀ SINH HOẠT TÔN GIÁO.
Chỉ còn một hôm nữa thôi là đến đại lễ kỹ niệm Ngày đản sanh Đức tôn sư Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) 25/11 âm lịch hàng năm. Nếu như vào thời điểm trước 30/4/1975 thì không khí lễ tưng bừng lên với những khán đài, cổng tam quan, hoa đăng xa sắc màu lộng lẫy diễu hành trên đường làng với những tấm băng treo đề “MỪNG ĐẠI LỄ” và các Ban Trị Sự địa phương bất cứ là địa phương nào cũng phải tề tựu đến “hội quán” cùng nhau săn sóc ngày đại lễ. “Đọc giảng đường” thì có ban Đọc giảng viên trực thuộc ban Phổ thông giáo lý đến đọc phóng thanh Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy.

Đọc giảng đường của PGHH truoc nam 1975,nay chỉ còn là phế tích
hoang tàn do chính sách kì thị tôn giáo của nhà cấm quyền Việt Nam (1)


Những diễn cảnh êm đẹp đó bây giờ chỉ còn là hồi ức khôn nguôi đối với những tín đồ cao tuổi.30/04/1975 tạo nên một biến cố chính trị đưa các tôn giáo đến bờ vực thẩm trong đó PGHH có thể chịu nặng hơn hết.Chỉ một tiếng lệnh đã xô đổ các cơ sở của tôn giáo không gượng được. Hôm đi trên đường xa tôi chạm mắt một Đọc Giảng Đường PGHH cũ kỹ tàn tạ bị bao bít rịt bởi nhà và cây trồng. Tính qua thời gian thiếu chút nữa đã tròn bốn mươi năm (kể từ năm 1975) không được chăm sóc sửa chửa, hình dáng nghiêng xiêu, loang lổ lóm đóm nền tường xi măng bở bể, nét sơn xanh sơn vàng tríu mắt đã nhường chỗ cho một tấm hình đen xám.Thời gian có thể làm bào mòn những cơ sở tôn giáo nhưng không bào mòn lòng tôn trọng của tín đồ với Đọc Giảng Đường mà vì cái biến cố ấy đã muốn tiêu diệt hoàn toàn các cơ sở di tích văn hóa PGHH.
Đã mở chiến dịch đập phá hoặc lấy xài của người ta đã đời rồi mới sửa luật.sửa quá muộn màng… thôi vậy cũng được đi, dù sao có cũng đỡ hơn không. Cho PGHH tái phục hoạt, cái nào lỡ hư hao mất mát thì bỏ qua, cái nào còn xót chưa xài, chưa mất thì hãy đem trả cho cố chủ. Để PGHH tái phục hoạt thì PGHH phải có lại tất cả những vì mà trước kia mình đã có mới đúng nghĩa.   Đi đó đây tôi thấy còn một đôi nơi Đọc Giảng Đường không bị tiêu diệt nhưng không hoạt động và cấm sửa sang. Tôi ước phải chi nhà nước cho mình sửa chửa tôn tạo thì khoảng cách giữa nhà nước và tín đồ có thể dần dần khép bớt lại, việc nhà nước bỏ ra hằng trăm đầu lương phát cho công an để đi rình mò những nhà hoạt động tôn giáo sợ họ tính chuyện đòi nợ mình, biểu hiện  thái độ trấn áp là không phải cách hay.
Chắc vì nhà nước tính không sai! thà để phơi hình đọc giảng đường cũ kỹ xám đen cho người tín đồ qua lại thấy đau lòng chịu không nổi mà đòi trả mạnh lên thì buộc cho cái tội “kích động lòng thù hận”. Tìm cớ buộc tội người làm cho mình“nặng lòng lo” khi quyền lực đã có trong tay. Dân không tin nhà nước làm vậy là đúng, có chưởi rủa nhà nước bất lương đàn áp tôn giáo thì bắt thêm nó đi tù riết hết thành phần chống đối mới ăn ngon ngủ yên. Với chủ trương triệt tiêu tôn giáo của đương quyền tôi nghĩ không ai có thể chống cự nổi, những đọc giảng đường còn lại, có lẽ do sự sắp xếp của các đấng vô hình cho làm chứng cứ để đến lúc nào đó tố cáo tội ác của biến cố chính trị sau năm 1975.

Đọc giảng đường của PGHH trước năm 19975,nay chỉ còn là phế tích
hoang tàn do chính sách kì thị tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam (2)


Xưa, ngay như xã Kiến An của chúng tôi có tới 15 ấp, tính từ doi lộ lở ngang sông Thánh Địa Hòa Hảo xuống tới Mương Ấp Sử. Ban trị sự xã là riêng, còn 15 ấp trong xã, ấp nào cũng có thành lập Ban trị sự và cơ sở để tín đồ đến sinh hoạt giáo sự, bàn bạc cách làm phát triển PGHH địa phương nhà. Hội quán nào cũng có theomột phòng đọc giảng gọi là Đọc giảng đường chuyên để phát phóng thanh giáo lý PGHH sẽ do Ông trưởng hoặc phó ban Phổ Thông Giáo Lý đảm trách. Mỗi tháng 4 ngày mười bốn rằm hăm chín ba mươi hợp tác với ban đọc giảng viên đến công tác Phật Sự.
Chỗ tôi ở hiện giờ, xưa là một cánh đồng vắng tanh không nhà, tôi từ gần chợ Thuận Giang vô làm rẩy. Vào đồng lúc sáng sớm là đã quên nay rằm hay ba mươi mà sau thì quên không được. Mỗi đọc giảng đường theo bản thiết kế từ trên đưa xuống, lớn nhỏ cao thấp là tùy vào túi tiền của địa phương mà kiểu mẩu là chung với nhiều tầng tháp lên cao, những đọc giảng đường cao lớn, chiều cao có thể khỏi các đọt cây già. Trên chót tháp đọc giảng đường có treo hai cái loa bông bí cái day vô cái day ra, tầng dưới đọc giảng phát lên loa vận tốc âm thanh xa hai cây số còn nghe, bà con trong ấp dư sức mà học thuộc để lòng. Chỗ đất rẩy tôi làm, địa hình là khu tam giác, chịu nghe ba hướng phóng thanh của ba ban trị sự đọc giảng đường: Ấp Kiến Hòa Thượng, Ấp Kiến Bình, và một ấp của xã Mỹ Hội Đông giáp ấp Kiến Hòa Thượng xã Kiến An.
Hội quán là nơi để trị sự viên các ban ngành nhóm họp mỗi tháng hai lần, trình báo công tác đã làm xong, nhận công tác mới và hâm nóng đạo tình. Xét rằng hâm nóng đạo tình rất là hay, làm đạo mà cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, chết ai nấy chịu thì còn gì là đạo cả. Người tu nếu thiếu tiếp cận với bạn đồng hành, trên đường về Tây Phương chậm chạp quá cũng không hay, bị danh lợi tình, tham sân si níu đứng chựng mãi cũng không biết, tu lâu tưởng đã đi xa thế tục, sắp tới Lạc bang. Nào ngờ đi lâu mà kiểu giậm chân tại chỗ, già sắp mất mạng chưa tới đất Phật, nằm chết trên đất chúng sanh.
Ngoài mỗi tháng họp hai lần lại có trường hợp họp đột xuất, ví như, có căn nhà bị gió giông làm xập đổ hay tốc mái, một gia đình nghèo mà gặp lúc vợ đẻ, con đau đã hết sức xay trở, hoặc bảo lục miền nầy xứ nọ, có khẩn thiết kêu gọi sự cứu trợ thì vị Hội Trưởng của Ban trị sự cho thơ ký viết thư mời họp cấp tốc, đưa ra vụ việc đáng thương để sau cùng đi đến quyết định lạc quyên hoặc các trị sự viên rút tiền nóng từ trong túi mình.
Gần 40 mươi năm qua vì gặp hoàn cảnh khó mà dấu xưa không theo được, tiếng đọc giảng phát đi từ các loa phóng thanh đã không còn réo kêu người đời thức tỉnh. Người ta diễn lý tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo tức ai tu được là tu không thì thôi, đi khuyên ai tu tức đã vi phạm vào quyền tự do không tôn giáo của người đó. Nếu một nhà nước thật tâm thì hiến pháp để “tự do tôn giáo” là đủ biết ai cũng có quyền tự do không tôn giáo, đâu cần phải để “quyền tự do không tôn giáo” chi cho dư, giăn bẫy bắt những tín đồ nặng lòng vì đạo muốn truyền bá đạo cứu đời….
Hội quán các nơi bị tuyệt diệt hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn sau 1975, đọc giảng đường thì chậm hơn và cho đến thời điểm nầy cũng chưa bị diệt hết, vẫn còn lại một số ít mà không cho hoạt động, sống như chết. Ta thử hỏi, tại sao có sự đối đải đọc giảng đường dễ hơn các hội quán?
Đương quyền có chủ trương tiêu diệt PGHH là không chừa sót bất cứ tài sản hay chương trình gì nhưng hội quán xưa ở vùng quê phần nhiều cất bằng gổ còn đọc giảng đường luôn luôn được xây cất bằng bê tông cốt thép, chuyện phá dở khó hơn mà lợi thì không nhiều do đó họ thiếu cương quyết. Ở một tầm nhìn khác, hội quán với đất đai rộng, không gian của hội quán lấy cất một hai hoặc năm ba cái nhà, như hội quán của Ban trị sự tỉnh An Giang gồm có một chánh điện, một hội trường, một phòng khách, nhà nấu ăn gian nào cũng khá rộng, chụp vô đây làm cơ sở là sướng rân, không thì lấy mà bán cho người ta cất nhà, biết bao nhiêu nhà mà kể. PGHH cũng có một trường đại học “ Viện Đại Học Hòa Hảo” tại thành phố Long Xuyên, An Giang do Thượng Nghị Sĩ, tiến sĩ Lê Phước Sang làm viện trưởng, (ông Sang giờ ở Hoa Kỳ) còn nói về cơ sở của Ban trị sự trung ương tại Thánh Địa Hòa Hảo nhiều cơ sở mà cơ sở nào cũng lớn, bị lấy trong tít tắt. Đọc giảng đường chỉ có chiều cao, ít đất, đập bỏ ra thì khoảng đất ấy không làm được vì.Thêm nữa, nếu nói về mặt thiêng liêng, địa vị hội quán không cao hơn địa vị đọc giảng đường, vì hội quán người ta vô ý còn có thể đem chuyện thế sự ra bàn bạc, vui chơi nhẹ trong khi đọc giảng đường chuyên môn là phổ thông chánh pháp PGHH. Phá hội quán người ta ớn hơi chứ cũng ráng mà làm được việc còn biểu phá đọc giảng đường thì là việc nặng, xem xem việc phá chùa người ta ớn thiệt, không dám đụng tay vào. Tôi nghe có một số kẻ hung, miệng mồm độc địa, phách lối hổn xược với các đấng thiêng liêng đã bị trừng phạt. Chỉ địa phương nào có một vài tên ẩu tả, chẳng kể tội phước là vì và đầu óc họ cũng dính líu với đương quyền mới dám làm càn.
Lễ nầy cũng như bao nhiêu lễ qua, từ 1975 đến 1999 đương quyền hăng độ tiêu diệt PGHH, tín đồ nào cũng ở miết tại nhà không dám rụt rịt, điều nầy bỏ qua không tính, nhưng từ năm 1999 đến giờ đương quyền tiếng đã cho PGHH tái phục hoạt là tính tới chứ? phục hoạt mà không cho phục nguyên, phục quyền tự do tôn giáo bằng những vì trước 1975 PGHH đã có và cho đến bây giờ tôi vẫn bị cấm đi dự lễ đạo bất cứ ở đâu.
Vài hôm lại đây tôi thấy công an thấp thoáng trước đường nhà, có dấu hiệu cấm cản tôi đi hay khách đến. Tôi hết một đôi lần đi ra bị đương quyền ve vản và chận đuổi lại. Nhiều năm qua tôi không định đi mà đương quyền thì quen chuyện canh gác, mùa lễ nào cũng tới trước vài ngày đặt trạm giữ để cố tình giải thích với nhân dântrong nước và quốc tế rằng: Tự do tôn giáo của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa là thế đấy.
Lê Minh Triết


**********************o0o**********************
Mầm non Phật giáo Hòa Hảo.

Tuần trước tôi nhận được tin yêu cầu viện trợ 20 chiếc áo choàng màu dà lễ cúng Phật dành cho độ tuổi từ 6 đến 12 và 30 xâu chuỗi hạt để tập Niệm Phật qua cách lần chuỗi. Tôi mừng lắm vì gần đến ngày đại lễ đản sanh Đức Thầy mà tôi làm được việc lớn. Lòng tôi chợt nghe âm ba của tiếng niệm Phật dễ thương từ các cháu bé vọng về. Tôi vui mừng đến đổi mặc kệ các em bé đó ở đâu, con ai, mà thương thì cứ thương, không cần đẹp xấu. Các em mới có chừng ấy tuổi mà biết kính Phật tu hành là đẹp đẽ hơn tôi, hồi còn ở cái tuổi đó tôi nào biết tu hành là gì.
Khi biết các em ở đảo Phú Quốc, tôi thầm cám ơn Trời Đất xứ đảo duyên sinh những em bé còn là gót sen son thì đã mến mộ tu hành. Mặc áo choàng dà ngồi xếp bằng niệm Phật, dễ thương quá đi! Cổ tay đeo chuổi hạt, ngón tay bấm lần chuỗi hạt, tôi hình dung, đẹp hơn cả bức tranh.

Huấn luyện mầm non ngồi bán già niệm Phật

Xứ tôi không xa vùng “Thánh Địa Hòa Hảo”, chỉ cách một dòng sông, nơi được tiếp nhận nguồn đạo Phật Giáo Hòa Hảo rất sớm qua những Ông cụ đầu tàu gương mẫu như nhà ông Lâm Thơ Cưu (Chủ Cưu), ông Lâm Thế Xương, ông Nguyễn Văn Dứt (bác Bảy Dứt), ông Lê Văn Khuyên (bác Hai Khuyên) đã gây giống duyên PGHH sang sông cho định cư trên đất “Cù Lao Ông Chưởng” Tổng Định Hòa. Điều nầy phải chăng đã ứng hợp với “Kim Cổ Kỳ Quan” của Ông Ba Nguyễn Văn Thới:


“Tổng Định Hòa người tới dẩy đầy
Thuyền chèo mát mái đến rày Kiến An”.
Tổng Định Hòa người tới dẩy đầy theo tôi thì đã ứng hiện lâu rồi, cảnh đất chật người đông. Vì là cái nơi yên ổn, sông đồng ruộng lúa nước ngọt trúng mùa, cá tôm thừa thảy đến như con quạ, con diều còn biết, chúng nói với nhau “ Cù lao Ông Chưởng thiếu gì cá tôm”. Đất lành chứa dựa người lành, những khi “Thuyền chèo mát mái đến rày Kiến An” họ đến từ “bốn phương có giặc”, từ Ông Cha rời bỏ nước nhà qua Cao-Miên sinh sống, thì con, cháu quày về, gốc gác không cần, xuôi theo dòng nước Cửu Long, chia hai nhánh sông Tiền, sông Hậu mà gặp Tổng Định Hòa, Cù Lao ông Chưởng liền quăng neo đậu bến, chuyện “dẫy đầy” người ta là cái chắc.
Các cụ chỉ cần sang sông là kiến diện được Đức Thầy, quy y học hỏi đạo pháp, nhờ thế mà Tổng Định Hòa, Cù Lao Ông Chưởng đạo pháp sớm khai thông. Năm 1944  Ông Trần Duy Nhứt (Thanh Sĩ) đã quy y Đức Thầy và Được Đức Thầy nhận làm đệ tử. Đức Thầy vắng mặt bởi sự mưu hại của Bửu Vinh năm 1947, từ đây tín đồ PGHH chứng kiến cái cảnh “Thầy  lạc tớ không ai chỉ bảo, như vịt con dìu dắt nhờ gà”. Đạo đức lui dần bắt ngại, những người dấn thân vì PGHH thấy phải có trách nhiệm bảo vệ sự phát triển tôn giáo, ông Thiện Duyên đưa ý kiến lên thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ, yêu cầu ông xin phép với Đức Ông cho Ông Trần Duy Nhứt đi thuyết giảng giáo lý PGHH để đè niềm tin ở lại trong lòng người tín đồ nếu không nó sẽ bay đi. Kết quả như ý ông Thiện Duyên, qua năm 1948 ông Thanh Sĩ đi thuyết giảng khắp nơi, hành trình nầy các cụ đặt tên là “ Châu Thuyết”. Năm 1954 tại ngôi Tây An Cổ Tự có mở ra “Ban Hoằng Pháp”, Ông Trần Duy Nhứt được bầu vào chức Giám Đốc điều hành, giảng viên của trường gồm có 3 ông  Thiện Duyên, Thiện Ngôn và Thiện Hạnh. Ban Hoằng Pháp với trách nhiệm đào tạo giảng viên.
Học viên nào tốt nghiệp trong khóa đào tạo nầy sẽ được Ban Hoằng Pháp bổ đi truyền bá giáo lý. Ban Hoằng Pháp tổ chức liên tục hai khóa, khóa đầu khai giảng vào ngày rằm tháng giêng năm 1954, thời gian là 4 tháng, lại tiếp tục mở khóa thứ nhì trong năm, kết quả có 52 học viên thi đậu trong khóa đào tạo giảng viên, giảng thuyết giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo. Những vị có tiếng tăm làm nổi bật ý nghĩa hoằng pháp như ông Võ Như Sanh, ông Bùi Văn Ưởng, ông Đặng Thành Tựu…Là giảng viên đi diễn thuyết, hai Ông Võ Như Sanh, Bùi Văn Ưởng còn viết ra nhiều tác phẩm có nội dung giáo lý sâu sắc, rất có giá trị trong nghiên cứu về triết học, lịch sử và tâm linh.
Ban Hoằng Pháp ở Tây An Cổ Tự là một chuyến xe đầu tiên đi trong lịch sử truyền bá giáo lý PGHH. Dù mới mẻ, hành trình gặp nhiều khó khăn nhưng đủ mạnh. Tháng 4 năm 1956 cho ra đời một tạp chí “Giác Tiến” trong đó các vị giảng viên của ban Hoằng Pháp làm chủ bút qua các bài giảng và những bài đọc thêm rất có giá trị cho nghiên cứu, tư duy, đồng thời, sự nổi bật hơn hết, những đề tài “Thuyết Pháp Ứng Khẩu”của Ông Trần Duy Nhứt, đã được ban giảng viên của trường đề nghị, phân công viết tóc ký, những bài viết tốc ký lần lược đưa vào Tạp Chí Giác Tiến. Vì là chuyến xe đầu tiên, tạp chí Giác Tiến có trách nhiệm đánh động lương tâm người tín đồ qua sự TU và HỌC giáo lý PGHH, quyết bảo vệ chánh pháp của Đức Thầy khi Ngài vắng mặt bởi sự kỳ thị, độc đoán của phái vô thần.

Huấn luyện bé thơ đi Kinh hành Niệm Phật

Nhưng năm 1954 cũng đúng vào thời điểm Việt Nam qua khúc quanh lịch sử phải đem ra giải quyết chính sự ở Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước của tổ tiên bởi sự tranh giành quyền lực của hai đứa con mang hai chủ nghĩa. Ban Hoằng Pháp quyết tính qua năm 1955 sẽ cho mở khóa đào tạo giảng viên dài hạn mà giữa chừng thời thế đổi thay đến phải đẩy đưa Ông Thanh Sĩ vị giám đốc điều Ban Hoằng Pháp phải mở chuyến Đông Du sang Nhựt.
Từ đây, những học viên được trúng tuyển ở Khóa Đạo Giảng Viên của Ban Hoằng Pháp cũng đủ mạnh để vượt qua sóng gió của cái thời kỳ đen tối ở miền Nam từ sau Hiệp Định Geneve, Phật Giáo Hòa Hảo vượt lên để có tư cách pháp nhân thành lập giáo hội, bầu ra Ban Trị Sự, những học viên của Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự đã được ngồi vào ban phổ thông giáo lý trung ương như quý ông Đặng Thành Tựu, Bùi Văn Ưởng và các ban phổ thông giáo lý cấp tỉnh.
Nghĩ chuyện xưa ngẩm việc nay, làng Tổng Định Hòa, cù lao Ông Chưởng vẫn còn đây, tín đồ rất là đông đúc, dân cư trong làng, tỷ lệ tín đồ PGHH có tới 90 phần trăm mà chuyện tu học so với năm xưa thì giờ thiệt là kém cỏi. Hơi hám của Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự chỉ còn trong hồi ức của một số ít cụ già. Cái cảnh tre tàn mà măng chưa mọc là nổi đau nhức nhói của những nhà làm công tác truyền bá, đau nhức thấu xương những tâm hồn có hoài bảo chấn hưng học đường PGHH mà lại bất lực về sức khõe và tài năng. Những cụ già lần lần chết, những học viên năm xưa còn chút đỉnh sức lực, uy tín đáng lẽ phải giựt dậy tiềm năng tu học của Ban Hoằng Pháp, của ban phổ thông giáo lý trung ương PGHH, nhưng các vị ngại khó bởi sự o ép của quyền lực, sợ bị xui xẻo, nằm im mà chịu.
 Lộ đồ đại thành công của các bậc tiền bối đáng lẽ phải được tiếp tục qua các thế hệ sau nầy, nâng cao vai trò giáo dục Phật Học Đường để tìm măng mọc trước khi tre tàn. Nhưng sự tu học của các tín đồ giờ phần đông đã đưa vào chương trình cầu nguyện, chỉ có rủ nhau đi cúng tuần, đám giỗ là sum sê hơn các sinh hoạt làm phát triển PGHH.
Đức Tôn Sư PGHH nói:
“Đuốc Thiền Lâm phương đông chói ánh,
Dắt hồn người vượt khỏi sông mê”
Chính vì “Đuốc Thiền Lâm” có công năng dắt người qua khỏi biển mê sanh tử, tín đồ phải nên trân trọng công việc tu học và truyền bá cái giáo lý “dắt hồn người vượt khỏi sông mê”bằng sự liên tiếp tu học và liên tiếp:
“Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn Hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.
Thiết nghĩ, “việc chấn hưng phật giáo học đường” phải được cho đi từ lớp trẻ, tuổi già chính là lúc cựa quậy với pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh Cực Lạc ngay sau giờ phút lâm chung, kiếm đâu ra cái ngày dài mạnh khỏe để mà năng nổ bộ máy tư duy, thăm dò độ nhạy cảm của tri thức, kiến thức Phật Học. Tôi thấy sự bế tắc đáng sợ khi nhận ra Tây An Hoằng Pháp không tiếp diễn qua thế hệ thứ 2. Các chú, bác mang ý nghĩa Hoằng Pháp hòa nhập vào Ban Thổ Thông giáo lý trung ương PGHH, có mở nhiều khóa huấn luyện đào tạo kỷ năng cho các giảng viên truyền bá giáo lý, nhưng không đạt kết quả như Ban Hoằng Pháp. Đến 30/4/1975, Phật Giáo Hòa Hảo bị sụp đổ hoàn toàn bởi sự vận hành của một cơ chế chánh trị mới. Qua 24 năm Phật Giáo Hòa Hảo bị cường quyền dìm xuống, 1999 mới cho ngoi lên bằng đưa Phật Giáo Hòa Hảo vào vòng kim cổ.
Mô hình truyền bá giáo lý từ nguyên thủy của Ban Hoằng Pháp, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương giờ dường đã mất phương hướng, chỉ còn sinh hoạt từ thiện và Cầu Nguyện lên vai vế chủ tình hình. Nghe tin ở xứ đảo xa có một đội ngũ các em bé tập tểnh theo đường Phật. Mong rằng có Ông Bà Cô Chú giúp các cháu kềm vững đôi chân, giữ vững ý chí tu thân hành thiện. Tôi dám tin những măng non nầy sẽ được bảo vệ tốt, không bị ai bẻ ăn, chúng sẽ thành cây tre già, người già có nhiều kinh nghiệm và sức đóng góp hữu ích cho sự phát triển PGHH. Thật là diễm phúc và tôi thèm ước cái diễm phúc đó không chỉ là điều may mắn cho một nơi thôi, lại Cù lao Ông Chưởng nữa chứ! để tôi ngấm xem các cháu mà mừng cho tương lai PGHH sau nầy.
Rất mong quý đồng đạo lớn tuổi, có năng khiếu tổ chức các em vào đội ngũ mầm non Phật Giáo Hòa Hảo.
14/01/2015
Lê Minh Triết  
********************000*******************
CHÙA THỚI SƠN

Cảnh sân chùa Thới Sơn,xã Thới Sơn,huyện Tịnh Biên,tỉnh An Giang

Rời Giồng Cát, theo chương trình thì đoàn đi thẳng về Ông Thẻ số 3 tại chùa Bồng Lai nằm cập bên kia sông kinh Vĩnh Tế cách thị xã Châu Đốc khoảng mười cây số về hướng tây nam. Nhưng qua tuyến đường dài mà trời cuối thu sao lại quá nắng nóng, áp suất đã làm một số tay lái bị ngủ gục, loạn hoạn trên đường đến phải ngừng xe mà kêu hú hồn hú vía. Trưởng đoàn Phùng văn Chói sợ sự rủi ro làm mất hứng chuyến tham quan, kêu chận hết các chiếc xe trong đoàn vào một quán nước có nhiều võng. Uống nước nằm câu giờ cho con buồn ngủ nó sức ra, tỉnh hẳn mới đi tiếp. Uống một tiệc nước nhẹ mà thời gian rút ngắn hơn tiếng đồng hồ trong khi đường dài thì vẫn dài. Phối kiểm tuyến đường và thời giờ còn lại trong ngày là quá ốm, nếu có đến nghỉ đêm ở chùa Bồng Lai, các xe phải tăng nhanh tốc độ mới kịp trước khi trời tối. Điều nầy thật sự là hơi khó, mười ba chiếc xe lẽ đâu lại không có một vài chiếc không có khả năng chạy nhanh. Hơn nữa, nếu cho xe tăng nhanh tốc độ thì tính an toàn không cao:
1, Vượt ngoài giới hạn kiểm sát, tay lái có thể dẫn đến điều không may, bên cạnh đó thì công an giao thông sẽ không tha cho những tay lái vượt quá tốc độ cho phép.
2, Có một số tay lái mang bệnh chứng chạy chậm, ai gấp gáp cỡ nào thì xe của họ cũng đi từ ba mươi đến bốn mươi cây số là cùng.
Đoàn sẽ bị đứt khúc nếu có kẻ nhanh người chậm. Đi chung mà bị đứt khúc, chờ đợi, lo lắng, đâu có vui, trong khi du lịch là đi chơi vui mà. Suy nghĩ như thế, tôi chưa kịp nói thì trong đoàn đã có người đề nghị xin dời điểm nghỉ đêm thay vì Chùa Bồng Lai là Chùa Thới Sơn cho gần trước khi trời tối. Mới đầu chỉ một người ý kiến sau đó có thêm sự ủng hộ và tôi cũng bắt đầu nhập vai “Dám Đốc”: Đúng đấy, thưa quý vị! Tôi không quên hành trình của chúng ta là đi hành hương chiêm bái bốn Ông Thẻ, chùa Thới Sơn không có  tên trong danh sách bốn Ông Thẻ nhưng là cái nơi phát sinh tôn giáo lớn mạnh và cũng là nơi sản sinh ra bốn Ông Thẻ. Vùng chùa Thới Sơn, Xưa Đức Phật Thầy Tây An khai hoang lập cứ, là trung tâm học đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương, mười hai Ông đạo “Thập Nhị Hiền Thủ” cũng đã tốt nghiệp và thọ trì sự giáo huấn của trường đạo nầy. Viếng bốn Ông Thẻ mà quên viếng chùa Thới Sơn quả là sự thiếu sót lớn.
Đoàn đến chùa Thới Sơn, may mắn nhà chùa đã có cơm sẵn, không tốn chút thời giờ nào cho việc nấu ăn, thế mà dùng cơm xong thời gian chỉ còn đủ để chúng tôi đi tắm nữa là hết ngày.
Đống đạo dùng cơm chiều trong chùa

Công phu chiều xong chúng tôi đi dạo quanh chút chút. Trước sân dãy nhà khách có nhiều cái bàn đá kê liền dài ra, hai bên ghế ngồi là những băng đá, vài người ngồi xuống đó, cô Hai trưởng bên dãy nhà khách đã đem ủng hộ làm vui cho chúng tôi bằng hai bình trà nước và bánh tây. Được sự ưu ái của phía nhà chùa, chúng tôi từ từ gom lại. Trong đoàn có anh Ba Nghi đưa lên ý kiến:
Kính thưa chư quý đồng đạo! Đi cùng chuyến tham quan nầy may mắn có hai vị Ông Lê Minh Triết và Ông Trần Bá Đức có sở trường chuyên tu học, nhìn qua thì thấy nam nữ trong đoàn của chúng ta cũng ra ngồi đây hết để hứng sương đêm và dùng trà bánh, dịp may nầy tôi đề nghị chúng ta nên có câu nghi vấn nào trong đời sống tu hành hoặc chưa thông một đoạn câu nào trong Sám Giảng Thi văn Giáo Lý mà mình quan trọng để hỏi hai vị có chuyên môn ấy. Quý đồng đạo có đồng ý không?
Sau lời đề nghị lại là một câu hỏi có tính bắt buộc, vì đâu ai dám nói là không đồng ý. Khoảng phân nửa số người giơ tay đồng ý và một số khác thì lại vổ tay. Lời giới thiệu vừa dứt có một câu nghi vấn tới liền, xin hỏi qua ý nghĩa hai câu giảng của Đức Thầy “ Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý, coi tại sao ta phải tu hành”.
Tôi đề nghị đồng đạo Trần Bá Đức diễn giảng đề tài nầy nhưng  Đức chắc đã học câu “Kiến lão Đắc Thọ” kính tôi là người lớn tuổi, đưa câu nghi vấn lại tôi. Vì thế tôi không còn có lý do để từ chối
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa chư quý đồng đạo! Qua câu nghi vấn trên, xuất xứ được trích từ Sám Giảng quyển tư “Giác Mê Tâm Kệ” của Đức Thầy
Nhìn Phật Giáo những từ ngữ nầy thuộc về sự tướng, bên ngoài, tỏ rỏ, “ Tìm Cái Lý”là bên trong của sự tượng ấy:
1. Trước Đức Thích ca Mâu Ni tu hành đắc đạo, cõi trần gian chưa có đạo Phật, Bấy giờ bên nước Ấn Độ có một thái tử tên Sĩ Đạt Ta, con của Vua Tịnh Phạn, nhân vì đi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh già, bệnh, chết, thật là khổ được đặt lên kiếp người. Về lại hoàng cung, theo như Đức Thầy diễn tả “ về đền đài cảm xúc buồn riêng, hằng để trí tầm phương giải thoát”. Dòng đời là cặp thăng trầm chìm nổi, hễ có khổ thì phải cách để diệt khổ. Đức Thầy kể lại sự kiện Sĩ Đạt Ta đi tầm đường diệt khổ bằng “ thừa đêm khuya lén trốn vào rừng” và nhấn mạnh nguyên nhân của sự tìm đường diệt khổ bằng những câu:
“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ.
Bệnh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài Tầm đao.”
2. Khi Sĩ Đạt ta tìm ra phương pháp “diệt khổ”, nhà Phật gọi là Đắc Đạo, hiệu Thích Ca Mâu Ni, trụ trong tứ tướng Niết Bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” mà tự tánh không sự. Chợt nhận một điều, cái mà Ngài đang có thì tất cả chúng sanh đều có. “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”(tất cả chúng sanh đều có tánh Phật) và “Ta là Phật Đã Thành, các người là Phật sẽ thành”. Trong tu niệm để thành Phật không phải là Phật của một Đức Phật khác đem cho mà là Ông Phật của chính mình khi không còn vô minh nữa, vì thế sự nhắc nhở của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
3. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tùy duyên thuyết pháp, bốn mươi chín năm trụ thế độ sanh chung quy thành hai phương hướng tự lực và tha lực:
1/ Tự lực: là tự tu tẩy xóa hết các bống đen vô minh thì Phật hiện giống như lu nước lóng trong những đồ vật trong lu nước sẽ phản diện. Sĩ Đạt ta ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề lắng lòng mà đắc đạoTại tòa thuyết pháp Linh Thứu Sơn, Đức Thích Ca Mâu Ni được Trời Đế Thích đến tặng một hoa sen, Phật Ngài cầm hoa sen đưa trước chúng hội mà không hề nói cầu nào thế nhưng Ông Ma ha Ca Diếp đã ngộ ý chỉ của Đức Phật, mỉm cười, Đức Phật thốt lời khen: “hay thay cho Ca Diếp, Như lai có Chánh Pháp nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm, nay phó truyền cho Ông đó.
2/ Tha Lực. Sợ duyên nợ thiền môn của chúng sanh yếu kém, cần có sự nương tựa để tiến tu với đầy lòng tin tưởng, Đức Phật đưa ra pháp môn cầu tha lực, giới thiệu cảnh giưới Tây Phương có cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật ấy nguyện rằng, nếu có một chúng sanh nào niệm danh hiệu của ta, cầu vãng sanh qua thế giới của ta, trì danh niệm đến“nhất tâm bất loạn” ngay giờ phút lâm chung nếu ta không cứu chúng sanh đó vãng sanh Cực Lạc ta thề không ở ngôi chánh giác.
Câu kế,“Coi tại sao ta phải tu hành?”là kết quả của khi ta “Tìm cái lý”. Nói một cách dễ hiểu, chính vì đào sâu ý nghĩa của đạo Phật là đạo diệt khổ, đó là lý do để người ta hướng về đạo Phật tu hành.
Tóm kết đề thuyết, chúng sanh dù là hùng mạnh uy quyền đến đâu thì tấm thân cũng vướng lấy bốn cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Đạo Phật có phương pháp diệt khổ mà từ Sĩ Đạt Ta xưa kia đã thành Phật Thích Ca là một sự kiện điển hình, và điều nầy không chỉ mình Đức Phật, các loài chúng sanh đều có khả năng đó. Để chứng minh cụ thể, sau khi Đức Thích ca Đắc Đạo Ngài vì nhân duyên thuyết pháp độ chúng, kết quả Ngài có được Thập Đại Đệ Tử tu chứng, năm trăm vị tỳ kheo đương thời, hết bốn trăm chín mươi chín vị tu chứng quả A La Hán, qua hệ thống truyền thừa tông môn có 33 vị tổ, 28  vị ở Ấn Độ, 5 vị ở Trung Quốc, Huệ Năng đứng thứ cuối số 33. Từ đó sức ảnh hưởng của đạo Phật được truyền đi nhiều nước với vô số người đắc đạo, Việt Nam là một trong những số quốc gia đó.
Xong đề tài, tôi muốn trở lại tiết mục ban đầu, sự kiện Sĩ Đạt Ta lén đi tìm đạo diệt khổ, Đức Thầy cho ta sự hiểu biết bằng theo đuổi câu chuyện có vẻ lý thú ấy. Sự kiện Sĩ Đạt Ta đi dạo cửa thành thứ 3:
“Lần thứ ba xe lìa khỏi trạm,
Được trông nhìn kẻ chết đang khiêng.
Về đền đài cảm xúc buồn riêng,
Hằng để trí tầm phương giải thoát”.
Từ lúc gặp người già “tay nương gậy chống” lần thứ nhứt, đến “thấy kẻ ốm đau”lần thứ hai, coi như là giai đoạn phát sinh ý thức về tấm thân bởi tứ đại hợp thành, nó vốn là giả thân và ta bất lực hoàn toàn qua sự mong muốn không già chết, nhưng chưa tính làm gì, chờ đến lúc “được trông nhìn kẻ chết đang khiêng” lần thứ ba, mới quyết định “hằng để trí tầm phương giải thoát”. Kính thưa quý vị! Nếu như sự xuất gia của Sĩ Đạt Ta là do chính cái nguyên nhân “được trông nhìn kẻ chết đang khiêng”xét lại điều nầy ta có diễm phúc hơn Ông thái tử kia nhiều. Vì suốt tháng quanh năm Ông bị sống trong hoàng cung, may mắn chỉ một lần thấy người ta chết khiêng đi chôn là ớn ốc. Chúng ta thấy cảnh chết chóc có biết hằng chục hằng trăm lần nào rồi mà cứ cười ha hả tối ngày chứ có “cảm xức buồn riêng” để mà “hằng để trí tầm phương giải thoát”đâu?

Lê Minh Triết

=============
Ông Thẻ thứ tư (phần cuối )
Đồng đạo mười Đức giới thiệu chương trình.


Vừa đến chỗ Ông Thẻ thứ tư, bao nhiêu mệt mỏi, vất vả trong người tuông hết ra để mặt ai cũng vui và vui cười và cười. Có người trong đoàn thơm thảo cấp cho tôi chai nước suối để uống, nhưng tôi đành phải phụ tình họ, nhịn uống dành nước để rửa sơ cái bàn tay đầy bùn, mở nấp yên xe, lấy ra một chiếc khăn con màu vàng hơi củ một chút đem theo lau mặt, tôi lấy dùng nó vào việc khác, cho khăn thấm một tý nước, trước tiên là lau sạch cái áo đang mặc dính đầy bùn, rồi trút ra một ít nước nữa vò vắt cái khăn cho hoàn toàn ráo nước để lau chiếc cập đựng quần áo, còn lại là lau má đèn xe, tay cầm lái…

Mọi người chuyện trò, bàn luận có lúc ồn ào, hào hứng, hấp dẫn chung quanh vấn đề nhạy cảm: Làm sao để biết chắc nơi đây là Ông thẻ thứ tư? Nhà  Minh bên Tàu lợi dụng lòng thương hại của vua ta cho ăn nhờ ở đậu, đã không biết ơn còn bày ra ếm trận phá vùng địa linh nhân kiệt, tại sao Đức Phật Thầy Tây An không tự mình dùng phép phá ếm mà lại sai Đức Cố Quản Trần văn Thành vượt bao dậm rừng khó khăn cắm bốn Ông Thẻ để vô hiệu hóa sự trấn ếm của quân họ Mạc? Tại sao trong bốn Ông thẻ mà chỉ ba Ông có đền thờ cho bá tánh thập phương đến cúng bái, còn có cây thẻ chứng minh, Ông thẻ thứ tư đã không có ngôi thờ phượng, cây thẻ để chứng minh cũng không luôn? Không có sự chứng minh, hay Ông Thẻ thứ tư là một nơi khác mà bá tánh chưa tìm ra? Sự hiểu biết về qui trình bốn Ông Thẻ là do Đức Phật Thầy Tây An sao Ngài không tạo sự tương đồng về vị trí cũng như sức ảnh hưởng của bốn Ông Thẻ?
Đồng đạo tư Triết diễn thuyết đề tài về Ông Thẻ.


Nghỉ lâu, chuyện trò về Ông Thẻ như muốn lơi ra, sợ đem chuyện thần nông sâu rầy cho núm níu cái cảnh nhà bận rộn, Ông trưởng đoàn Phùng văn Chói nhắc nhở anh em vào lễ cúng. Khi mọi người tập trung trước sân lễ, vị điều hành cuộc cúng chung là đồng đạo Trần bá Đức. Được cơ hội Đức liền giới thiệu và yêu cầu tôi có đôi lời vì đó tạo ấn tượng cho bà con hành hương chiêm bái chuyến nầy khắc sâu duyên nợ thiền môn, cảm nhận tốt về Đức Phật Thầy Tây An, Đức Cố Quản Trần văn Thành và lai lịch Ông Thẻ. Tôi nhận lời yêu cầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật

Kính thưa chư quý đồng đạo thân thương! Dùng từ “ đồng đạo” với nhau nghe đủ mạnh về tính đoàn kết, tôi còn dùng thêm hai tiếng “thân thương” để sức mạnh thêm sức mạnh. Quý vị thử nghĩ, không thân thương sao mà nên tuồng dẫn nhau cả đoàn chạy lạc huốc chỗ chứ? Không thân thương sao mà có chuyện cùng khiêng è ạch những chiếc xe ra khỏi hầm bùn? Không thân thương sao mà, khi đã hay cả đoàn chạy lạc huốc gây hậu quả nặng nề cho xe, hành lý và khách tham quan bị bùn làm dơ bẩn. Trách nhiệm là Ông Trưởng đoàn, Ông ta thật đáng ghét mà không ai phàn nàn đổ trúc trách nhiệm lên Ông?

Kính thưa quý vị! hôm nay vào ngày 20 tháng 9 nhuần, nhằm 12 tháng 11 năm 2014, chúng ta tham quan hành hương chiêm bái đến vùng có di tích lịch sử về Đức Cố Quản và Ông Thẻ thứ tư, thời giờ còn vào một buổi sáng đẹp trời, ánh nắng chưa nung nóng bức và dưới bống tàng che của cây Da ta có thể hít thở không khí trong lành từ gió đồng quyện đến, thêm sinh lực. Nhưng đã đi viếng Ông Thẻ mà trước hiện cảnh còn nặng nề về hoang dã, có lẽ, sẽ không làm hài lòng cho sự ngắm nhìn sung sướng của khách tham quan đam mê vẻ mỹ miều của nhân tạo hơn là sự mỹ miều của thiên nhiên Trời Đất tạo nên. Xét, chúng ta đi đây là một tập thể có sự kết hợp của nhiều địa phương xa gần nhưng chúng ta đồng là huynh đệ với nhau qua nguồn tín ngưỡng BSKH và PGHH thì sự mỹ miều của thiên nhiên Trời Đất tạo nên mới là quan trọng.

Chỗ ta đứng đây là “Giồng cát”xã Vĩnh Điều, xưa thuộc tỉnh Châu Đốc, nhưng sau 1975 Châu Đốc xuống cấp, địa vị tỉnh không còn, Châu Đốc bấy giờ là một địa phương cấp thị xã của tỉnh An Giang và sự sắp sếp sau nầy xã Vĩnh Điều phải di dời phần thủ tục hành chánh về tỉnh Kiên Giang. Kính thưa chư quý vị! Dầu Vĩnh Điều có bị di đời về đâu đi nữa thì GIỒNG CÁT vẫn còn tại chỗ. Quyển “ Đồ Thư” của Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) vị sáng lập Đạo“ Tứ Ân Hiếu Nghĩa”đã minh xác Ông Thẻ thứ tư ở Giồng Cát. Chánh quyền tỉnh Kiên Giang chưa có sự ảnh hưởng về giáo lý tình thương của đạo BSKH và PGHH, nên “tình” chưa động đậy để mà cấp phép xây cất ngôi thờ khiến người tín đồ BSKH, PGHH còn nặng lòng lo. Muốn thành công việc khó phải cần có thời gian, Chuyện chưa đến, chúng ta chờ xem, nhưng sự chờ đợi không phải ấp ủ việc ác, trù rủa người ác mà phước thiện đến cho chúng ta có ngôi thờ Ông Thẻ thứ tư. Chỉ cần ta đến Giồng Cát để chiêm bái dấu tích lịch sử, hâm nóng sự thật về chỗ tín ngưỡng mà lo tu là đủ, để ý Vĩnh Điều giờ của tỉnh nào là không cần thiết.

Chúng ta đang ở Giồng cát, không có chút biểu hiện về lai lịch của Ông Thẻ nơi nầy nhưng biểu cảm thì rất nhiều qua những chuyện linh thiêng huyền bí mà căn nhà con trai của Ông chủ đất là một ví vụ điển hình.

Vất vả cho chúng ta qua chuyến tham quan hành hương nầy, phải nói là hết sức xui rủi vì chúng ta đâu hay xáng múc đổ đường. Mở chuyến  đi nhằm lúc xáng vừa nạo vét kênh. Vất vả dơ dáy chỉ một chút, một lúc thôi, chẳng phải là chúng ta đang bình yên vô sự đây sao! Kể lại cái công khó của Đức Cố, Đức Phật Thầy trong việc khai đạo cứu đời bảo an bá tánh sống yên tu niệm. Dưới chân của Đức Phật Thầy lần lần xuất hiện 12 Ông đạo tài giỏi và đức độ gây ảnh hưởng rình rang cả cái miền Tây Nam  nước Việt với những cơ sở tôn giáo thành lập theo dấu tích của Ngài: Chùa, Đình làng Tòng Sơn, huyện Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc - Chùa Xẻo Môn thuộc huyện Chợ Mới An Giang - Chùa Tây An (xưa là cốc Ông đạo Kiến) làng Long Kiến Chợ Mới - Bửu Sơn Tự (chùa ghe sáu) xã Kiến An, Chợ Mới - Kim Cổ Tự (chùa Ông Ba) Kiến An, Chợ Mới - Dinh Ông Thẻ thứ nhứt ở xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang - Dinh Đức Cố (lò rèn rèn đúc vũ khí cho quân binh) Châu Thành, An Giang -  Dinh Ông Thẻ thứ nhì, vùng láng linh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - Bửu Hương Tự, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang - Chùa Tây An ở Chân Núi Sam ( nơi đây có ngôi mộ Đức Phật Thầy)- Chùa Thới Sơn, Đình thần Thới Sơn, Phước Điền Tự (trại ruộng) ở vùng Anh Vũ Sơn (núi Ông Két) gần chợ Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, An Giang - Chùa Bồng Lai (Ông Thẻ thứ ba) kinh Vĩnh Tế… và còn nhiều nơi khác do sức ảnh hưởng của 12 Ông Đạo. Sau Đức Phật Thầy viên tịch miền Thất Sơn vẫn cứ tiếp tục là nơi Địa Linh Nhân Kiệt, xuất hiện: Đức Phật Trùm trong chợ Tri Tôn khoảng 10 cây số về hướng tây bắc (cận cổng vào có xí nghiệp khai thác đá An Giang), Đức Bổn Sư Ngô Lợi ở Núi Tượng, Ông Sư Vãi Bán Khoai lưu diễn và Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ…

Kính thưa quý vị! Công ơn của Đức Cố và giá trị bảo vệ cơ đồ của bốn Ông Thẻ đặc biệt chưa từng có mà cho đến giờ nầy Ông Thẻ thứ tư phải bị chánh quyền tỉnh Kiên Giang bỏ quên công trận. Chánh quyền quên thì chúng ta nhớ, rán mà trân trọng lịch sử có một không hai nầy qua sự tu thân hành thiện, có thể đây là nguồn vui lớn nhất của những ai đã trải thân hy sinh vì đời, vì đạo.
Đoàn tham quan dùng cơm trước sân Ông Thẻ số 4


Tôi xin dừng diễn thuyết cho đồng đạo Trần bá Đức điều hành cuộc cúng tập thể. Mười Đức không vội vàng vào chương trình lễ, tỏ lời khuyên đồng đạo về rán tu niệm để đền đáp một phần nào những người nằm xuống vì bảo vệ tôn giáo và quốc gia dân tộc, đồng thời, yêu cầu bà con đi đây cầu nguyện hai lần với hai chủ đề:

1, Nguyện cho đoàn hành hương của chúng ta sức khõe vui vẻ, phước đến họa đi, chừng về lo tu hành tinh tấn và nguyện cho bá tánh từ tâm bác ái giải thoát mê ly.

2, Nguyện cầu Phật Tổ, Phật Thầy đồng gia hộ cho Ông thẻ thứ tư có được ngôi thờ trang nghiêm, hoạt động lễ cúng hợp pháp, thập phương bá tánh cúng bái tự do.

Hai lược cầu nguyện xong, một số vị đi trong đoàn yêu cầu mở chương trình đọc Sám Giảng Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Nghe yêu cầu là tôi lo thế nào rồi cũng tới phiên mình.Nhưng sự thật còn hơn thế nữa, không phải là lần lược tới phiên mình mà mình phải là người đi đầu câu chuyện.

Mặt Trời lên quá đỉnh đầu, chúng tôi gọi nhau đến một chỗ tham quan khác. Ngoài Trời nắng gắt, gió đồng hây hẩy thổi rân trên ngọn cây cao bống mát, cây Da già trước sân chuyển động, đánh rơi những chiếc lá tàng che làm rổ bống sân đất mịn màn, ánh nắng lóm đóm chập chờn trên thân khách hành hương như biếu tặng phẩm mang đi. Những tiếng lá khô rơi xào xạc trước thềm, tôi linh cảm như tiếng vổ tay vui mừng cuộc tiểng đưa thiện khách. Nơi đây cảnh vắng đìu hiu, có bao tâm hồn còn thương còn nhớ.

                                                                                            Lê Minh Triết.
                                                                                            20/11/2014

---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ông Thẻ thứ tư (phần 1)
nơi thờ phượng Ông thẻ số tư, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

  
Nói về Ông Thẻ là nói đến Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập. Một trong số môn đệ của Đức Phât Thầy là ông Trần văn Thành, dân gian ở quanh khu vực miền Thất Sơn, tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng về đạo BSKH vẫn gọi danh Ông là Đức Cố. Xưa Ông được lệnh Đức Phật Thầy sai đi cấm 4 cây thẻ ở bốn gốc Thiên Cấm Sơn (núi Cấm). Dùng cây cấm xuống đất thì là “cây thẻ”nhưng vì cây thẻ nầy có trách nhiệm bảo vệ vùng địa linh nhân kiệt, không bị bùa ếm của dòng họ Mạc. Họ Mạc từ bên Tàu lánh nạn nhà Thanh mà qua nước ta.

Chúng tôi, mười ba chiếc xe mô tô mỗi xe hai người đi từ hai huyện Chợ Mới, và Châu Thành thuộc tỉnh An Giang, vượt gần trăm cây số để đến một nơi không có gì đẹp mắt. Đã xa mà trên đường lại không phẳng, có đoạn lông chông như sóng lưỡi búa, có khúc thì lại lổ hang giật người.Xe hì hục mà còn gặp trời xui đất khiến chạy lạc, đoạn đường lạc huốc tính đi và về khoảng ba cây số nhưng đổi ra thời gian và đường tốt thì ba mươi cây số chưa bằng.

Đoàn dừng lại để hội ý khi gặp đoạn đường khó.

Xe kia có một phụ nữ chỉ ngồi sau cho người ta chở mà sợ khiếp đến lằn nhằn nổi nóng tuyên bố bỏ cuộc. Tôi bắt đầu lo sợ có sự hưởng ứng phong trào, mới đi chưa già buổi sáng lại có một người tuyên bố bỏ cuộc, e cái câu “bà con không giống, giống người mở hàng”, mới tức. Kéo nhau mà hô “ rút” là báo hại lỗ cái công to.Tôi nghĩ, vào trận mới có chút công mà đầu hàng khơi khơi ai mà chịu sự lỗ lả chứ. Chúng tôi ráp lại khuyên còn phải nói dối một cách vô tư: “Ráng lên chị, chỉ một chút nữa là tới. Qua cây cầu là hết khó, bên kia đường dễ chạy, không còn đất cho mình sãi ngựa nữa đâu mà sợ”.Xúm nhau khuyên lắm, chị ta mới chịu đi tiếp với vẻ mặt không còn chút vui nào.

Dễ gì chứ! Qua cây cầu lúc lắc, rung rẩy thiếu điều muốn té bỏ mạng mà đường xá còn tối tăm mày mặt hơn, bùn lút bánh xe, chạy tới không được, rút lui không xong mà phía sau, người thanh niên to con nhất nhì trong đoàn như chú mười Đức còn phải rên: “Xe tôi mắc lầy rồi!”. Tôi cho dựng đứng chiếc xe mình để trở lại chừng chục mét tiếp vần công với chú mười Đức. Quay lại mới mấy bước, thì xe tôi ở một mình buồn quá kêu lên một tiếng “rầm”, quay mà coi thì nó nằm một đống, tay cầm lái bên trái nhụi sâu xuống sình, cái má kiếng đèn, áo xe bết đầy sình non. Những chiếc xe chạy gần sau đều bại trận, không ai dám bỏ xe mình đi tiếp. Xe chú Mười Đức lớn thây, bãnh thật là bãnh cũng đứng chết trân dưới bùn. Trông trước xa xa có mấy anh em sửa đường, rải đá bụi, nhờ sự tiếp cứu của họ mà chiếc xe được lôi lên thoát nạn, còn tôi đi một mình phải chịu rán cái thân già đỡ xe lên hai lần mới đứng được, tôi mệt hết muốn đứng nổi, nhìn cái mặt mày của chiếc xe yêu quí, thương hết cỡ.

Vất vả như vậy để đến với một nơi hoàn toàn hoang vắng nằm giữa cánh đồng không thấy một bống người, thế mà vẫn là cái nơi có biết bao tấm lòng ấp ủ. Người có tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) kính trọng nơi đây là di tích lịch sử của Đạo BSKH.

Chúng tôi đến địa điểm Ông thẻ thứ tư vào lúc 10 giờ sáng ngày 12 tháng 11 nhằm 20 tháng 9 nhuần 2014. Bốn phía đồng ruộng mênh mông bao lấy một dãy đất gò um tùm cây cối là cái bàn gổ thô sơ, trên không có mái ngói hay lá, thiết mà bằng tấm platic nhỏ vừa đủ che. Cận sau mái che mọc đầy cỏ dại, phía trước có cây Bồ Đề.

Tôi đã dắt đoàn đến đây nhiều lần và mỗi lần đến, thấy quang cảnh chung quanh giữ nguyên không có thêm một chút quyến rủ nào nhưng chỗ thờ thì thay đổi đến mức không thể tưởng tượng được. Tôi đến lần đầu cách nay khoảng mười năm, chỗ thờ chỉ có một nắm chưn nhang với vài cục đá dụm lại làm chỗ cắm hương cho khách hành hương, trên không có mái che, cận phía sau là hai đống lư hương bị đập bể nát nếu gom lại mà chất vào thúng thì có khoảng hai thúng giạ, cận trước một vùng toàn là tro than và tàng tích để lại sau cuộc đốt cháy là vài khúc cây kèo cột bị lửa đánh sập bung ra ngoài vòng lửa. Tôi đến lần thứ hai, chỗ thờ có một lư hương dưới một tấm thiết bẻ co xếp như tấm cà rèm phủ lên chiếc xuồng Tam Bản. Tôi đến lần thứ ba, tấm cà rèm và cái lư hương bị biến mất mà chưa biết ai đã làm chuyện hổn ẩu nầy.
Tín đồ PGHH đang lễ bái Ông Thẻ số bốn.


Tôi đến lần thứ tư xem có sự may mắn hơn, một căn nhà nhỏ trên lợp lá dừa nước, bốn bên vách rào cũng được che kín bởi loại lá nầy. nhà có ngăn vách buồng, gian trước với một ngôi thờ tượng trưng về Ông Thẻ. Chuyến đi nầy tôi đã may mắn gặp cô năm Lệ cùng chồng đến bái viếng, nhà ngoài kênh xáng cách đây ba cây số. Ông bà thành tâm thành ý với chuyện Ông Thẻ thứ tư chưa có ngôi thờ tôn nghiêm và đi vào hoạt động hợp pháp, đã nổ lực vận động cho đây trở thành khu di tích lịch sử, cúng lễ theo dòng phái BSKH và PGHH.

Cô nói, Đức Cố Quản Trần văn Thành là tấm gương trách nhiệm phải thực hiện cho bằng được bỏ sự sai bảo của Đức Phật Thầy, xem gương Ngài mình cũng nên làm cái vì đó để theo đuổi mục đích chung.Ông bà chạy lo về thủ tục hành chánh xin xây cất khu di tích lịch sử và nhờ đến sự tiếp tay của mẹ ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tới nay chưa có dấu hiệu tốt. Tôi hỏi qua căn nhà mới cất trong khu Ông Thẻ nói trên, cô đáp: nhà nầy là của con trai Ông chủ đất, cậu ta có vợ và cùng bà xã ra ở riêng. Cất xong căn nhà vợ chồng dọn đồ về ở thì đêm hôm đầu tiên cả vợ lẫn chồng đều bị người khuất mặt hiện đến đuổi đi, chưa ngủ được chút nào đã thấy quân binh rần rộ, phát sợ khiếp người phải bỏ chỗ mà đi. Ông chủ đất, cha của đôi vợ chồng trẻ nói trên nghe chuyện ốc ác nổi rần mình, tin chắc đây là vùng trung tâm điểm của Ông thẻ thứ tư đã thất lạc, đồng ý hiến nhà và phần đất nầy cho phần thiêng liêng.Nghe chuyện cô năm Lệ vừa kể tôi rất mừng và tưởng đến một tương lai sáng sủa còn cách không xa. Ai có ngờ đâu, năm sau tôi đến thì căn nhà ấy cũng bị biến mất.

Giờ trở lại 12/11/2014 tôi hết biết là lần thứ mấy mà nơi thờ Ông Thẻ thứ tư vẫn còn đổ nát do sự phá phách vùng tín ngưỡng có tên trong lịch sử tôn giáo BSKH.

Kiều Lê.

(Còn tiếp)
                                                                                      Lê Minh Triết
                                                                                      20/11/2014
----------------------------------------------------------------------------------

Tiệc tân gia nhà đồng đạo PGHH.

Đắn đo hai hôm đủ để tính kỹ tôi mới quyết định đi ăn tân gia qua lời mời trung gian. Nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu mình dự tiệc kiểu nầy. Thật ra không phải tôi dị ứng qua sự mời nhắn từ một vài người khác mà vì trên lập trường, tiệc tùng như vậy đối với tôi là không phù hợp. Nhưng đụng chuyện nầy lòng tôi có sự giải thích, trung gian không phải một người mà là nhiều người yêu cầu tôi nên đi để tạo thiện duyên, mỹ cảm với một tay chơi vừa gác kiếm giang hồ, quy y vào đạo.
 
 Chủ căn nhà mới - đệ Dưng (người mặc áo thun màu tối).

Những từ “Gác kiếm giang hồ” nghe vui tai, liền đó trong lòng tôi có cuộc giành giựt giữa hai đối thủ: Lập trường không sa xí và gác kiếm giang hồ quy y vào đạo. Sự giải thích nghiên về tôi, tạo cho tôi chút cảm hứng tự mình lý luận việc nầy có ích lợi cho đạo và không nhớ vì về hai chữ lập trường mà mình giữ kỹ trong nhiều năm qua. Với lại hồi còn nhỏ lúc tôi phát tâm tu đã bị một Ông anh trong xóm hễ thấy mặt mình là chọc quê: Sao mà gác kiếm sớm vậy thằng nhỏ? Thằng nhỏ xưa nay đã sáu mươi tư tuổi, tưởng thời gian làm cho mình quên hết cái quá khứ không lành mà ai dè. Sự thật thì tôi đã quên lâu, từ cái thuở ra hòn chuyên tụ Tịnh Độ, giờ nghe chuyện trùng hợp lòng bổng nhớ… Kết cuộc tôi phải phá lệ mà đi dự tiệc tân gia và hy vọng chỉ một lần nầy thôi.


Người gác kiếm giang hồ quy y vào đạo là chú Dưng ở huyện An Phú, An Giang, tổ chức tiệc mừng về nhà mới, tiệc hoàn toàn là đồ chay. Nhà gỗ thường, sàn cao lót váng, nhỏ mà trong mắt tôi, cách thờ phượng trang hoàn, sạch sẽ, tôi cảm thấy nó rất là đẹp. Khách tham dự không đông, chỉ chừng hai mươi người, đều là đồng đạo trường chay lâu, đến với tư cách “ người bổn đạo cũ” chứng kiến sự quy y của chú Dưng để sau nầy có trách nhiệm gìn giữ chú ấy không cho sai phạm vào con đường cũ và dẫn dắt tiến lên.

Dưng gác kiếm, từ giả các bạn bè. Chọn đi con đường khác Chẳng ai thích mà chung chơi. Bên phía Dưng chỉ có Ông nhạc phụ, vợ và đứa con trai đã bốn tuổi chưa biết nói chuyện, còn lại là chư tín hữu Phật Giáo Hòa Hảo. Bà Xã Dưng ở bên trong bận lo việc nấu tiệc đãi khách, bé trai quấn bên cha và Ông ngoại. Hơn vài vị khách ngồi trà nước, nói chuyện lai rai chờ thêm khách. Đợi đến lúc chuyện trò thân mật, độ cảm thông cao, tôi hỏi nhạc phụ của Dưng ngay lúc có chú ấy ngồi chung vui vẻ:

- Thằng con rễ nay thành người tốt, chắc là chú mừng lắm thì phải?

Ông ta đáp:

- Dạ tôi rất mừng, thưa anh.

- Chú có thể diển tả một đôi nét biểu cảm những vì mà chú nói rất mừng đó không?

- Dạ được chứ, trước đây nó tối ngày mê theo cờ bạc, rượu chè, thường gây chuyện choảng nhau trong xóm. Do vậy mà nhà lâm vào cảnh nghèo thiếu, vợ con coi như không còn chỗ nương tựa. Bị thằng rễ quậy mà họ hàng xem tôi rất thấp. sống tự ti mặc cảm tối ngày cứ buồn buồn. Giận khuyên không nghe lời nhiều lúc tôi tính bỏ mặc nó cho rảnh nhưng không được vì còn con gái và cháu ngoại của mình nên gượng mà khuyên để có may ra… Ngày qua ngày không thấy có sự may ra nào đến với tôi và vợ con nó. Nay bỗng nhiên nó bỏ ác tùng thiện, có bạn bè mới về nhà toàn là người hiền hỏi chớ không vui làm sao cho được?
 Chuẩn bị tiệc chay.

Nghe dứt câu, đồng đạo rộ lên cười. Tôi bổng nhớ chuyện cách khoảng mười hôm trước, trong một đám giỗ, chiếc bàn tròn tôi ngồi có Ông trạc tuổi bảy mươi nói kể rất giòn:

Chỉ có cái uống rượu là tệ hết thảy! nếu ai hình dung được câu cổ nhân nói “ tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị” thì đủ biết. Tại sao người xưa dùng quá nặng lời đối với mấy hũ hèm, nói không nhường, ví họ như con chó điên giữa chợ vậy? Tôi hồi xưa có lúc cũng hũ hèm, nhưng cái hũ của tôi nhỏ nhỏ, tức mình sao cổ nhân mắng mình như con chó điên ở giữa chợ chứ? Sau nầy lúc tôi không rượu, thấy một trường hợp của Ông kia (xin miễn nói tên) có đứa con trai út bình thường thì nói năng đàng hoàn mà rượu vô là bất kể trời đất. Chừng hai giờ trước nó rất lễ phép qua cách xưng hô thưa cha và xưng con ngọt sớt, anh em ngọt ngào vợ hiền mà chừng cụng ly ở đâu về nhà, thấy cái mặt không hiền, cả nhà ai cũng sợ mà lánh đi. Ông con kêu cha không phải bằng cha nữa mà là “Ê Ông Già”…còn mấy công đất….sao không… chôn Ông đâu có hết. Vợ là con dâu nết na, hiếu thảo với nhà chồng thấy Ông chồng vác cái tướng không hiền về nhà chị ta lánh mặt phía sau vách, chịu không yên qua những câu xúc phạm nặng với bậc sanh thành sợ tổn đức hại con cháu sau nầy, ra khuyên can bị chồng thợp tóc quay nghiến và Ông chồng không kêu vợ bằng em như hai giờ trước mà bằng “Mầy” Đi dan chỗ khác, mầy mà còn binh Ổng… vào phe với ổng thì tao không tha cho đâu. Liệu mà giữ hồn, con quỷ! Cút đi, cút!.

Cứ đem phản chiếu hình ảnh của đứa con đối với cha như vậy có còn là con người không rồi hãy xét câu Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị của người xưa là sai hay đúng.

Nghe qua câu chuyện, rất đáng thương những bậc làm cha mẹ bị con hành phạt và dầu người say rượu khó chịu bởi câu nói của cổ nhân, không công nhận cũng không được vì hành động của kẻ say đã để chứng tích với một đống hậu quả ê chề.

Nhạc phụ phát biểu xong, đến lượt chàng rễ nói:

Ba tháng qua tôi rất là sung sướng, thứ nhất là được cha mẹ vợ con thương, thứ hai không bị mắng, choảng nhau vì “ tửu nhập tâm”té trầy xướt mình mẩy, thứ ba là làm ăn dư tiền, thứ tư là hằng ngày lễ niệm Phật, tạo phước. sống trong đời tôi cảm thấy chưa lúc nào mình được hạnh phúc như lúc nầy. Hôm nay may mắn được bác tư, cô chú, anh chị em thương tình đến chia vui với chúng tôi về nhà mới, ủng hộ chúng tôi vững niềm tin vào sự tu hành. Tôi xin hứa với mọi người, từ nay Dưng tôi đi thẳng đường theo Phật Đạo. Lòng tuy quyết nhưng dầu sao cũng mới mẻ, non nớt, rất cần có sự hỗ trợ tinh thần của các bác, các chú cô anh chị em trong đạo để lúc sang sông mà gặp sóng to gió lớn, đi cách sao cho qua được bờ bên kia.
Hội trường ghi nhận lời yêu cầu của Dưng bằng một tràng pháo tay dài thật dài, tôi nói:

Nay cháu phát tâm tu, thêm một chúng sanh giác ngộ là hay, cả đây  rất vui mừng và tôi nghĩ không phải chỉ có chúng ta hôm nay mừng vui, còn nữa chứ, ai đã thệ nguyện “Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”. Đức Thầy chúng ta chắc cũng mừng lắm! Cháu đã yêu cầu chúng tôi thì chúng tôi yêu cầu lại được không? Được chứ! Đơn giản thôi, Yêu cầu cháu đừng bỏ tu, lúc nào cũng cùng chúng tôi mà chung bước, chung thuyền, giông to sóng lớn thì chúng ta kết bè lớn nối liền sông qua sông, biển qua biển đi cũng dễ thôi mà.

Tiệc xong, đội khói lửa hết trách nhiệm trong bếp dồn cả ra ngoài nghe chúng tôi chuyện trò thân mật, có vị yêu câu tôi hãy phát một đề tài vì cho người nghe có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua những khó khăn để đạt đến mục đích. Tôi xét hôm nay cần nên nói về công ơn cha mẹ để đánh thức Dưng, người mới vừa gác kiếm và những ai hay làm cho cha mẹ đau sầu. Tôi nói:

Đừng làm khổ thêm cho những người thân mình, trước tiên là vị trí của cha mẹ. Tôi chưa nói đến cái điều ai cũng đinh ninh con làm khổ cha mẹ là mang tội bất hiếu, tôi chỉ đề cập ngay vấn đề “ Mẹ cha là kẻ trọng ân” như đức Thầy đã dạy. Tôi không lập hôn tất nhiên là không có con, những chuyện sâu xa trong lòng của các bậc làm cha mẹ thì tôi không rành, tôi chỉ nói cái trước mắt mà bất kỳ là ai cũng thấy được: Sanh con ra, nuôi nấng cực khổ mấy cũng không than. Lúc bé còn trong nôi tiêu tiểu vô chừng, cha mẹ phải thay tả giặt rửa, con nằm chơi hay ngủ cũng phải canh chừng, lở giật mình thức giất phải có mẹ hay cha bên cạnh để vỗ về cho đừng khóc. Chỉ cần trên mình bé có dấu muỗi chít phồng lên thì cha mẹ xuýt xa đau. Bé biết trườn, bò, nếu lơ dòm ngó tý xíu có thể bé sẽ rớt ạch xuống đất hay xuống sàn nhà, thương con lòng đau điến, cha mẹ rầy rà đổ tội cho nhau. Từ bé biết đi chập chửng đến lúc vào trường, qua tuổi thành nhân mỗi mỗi lớn lên trong sự thương lo của cha mẹ. Tấm thân cha mẹ sanh ra và bảo bọc đến lớn khôn tốn biết bao nhiêu là công khó, đáng lẽ phải nên trân trọng giữ gìn tốt, sao lại đem tấm thân yêu quí cha mẹ cho đi trộm cắp giựt giọc, cờ bạc rượu chè, đánh nhau đến thương tật, suýt chết thân? Thật là tội nghiệp! Tưởng đã thành người lớn thì cha mẹ hết lo sao! Bây giờ sang trang qua thế lo khác: cách ở đời, phải quấy, tốt xấu giàu nghèo của nó. Gặp đứa con lớn lên nghiện rượu, thích cờ bạc, mê ăn chơi lêu lỏng lâm vào nghèo khổ nợ nầng. Cha mẹ lúc nầy già yếu hết sức lao động muốn được sống yên, gặp con cái như vậy yên sao nổi.

                                            Mọi người hoan hỉ dùng bữa cơm chay với chủ nhà.

Thương cha mẹ nên làm người con hiếu thảo; cờ bạc rượu chè, gian manh hung ác là do con người mê nhiễm chứ hồi cha mẹ sanh con đâu có sanh theo mấy cái thứ tội lỗi đó. Tự mình mê nhiễm thì phải tự mình bỏ mê theo giác. Cho dầu có khó bỏ cũng rán mà bỏ, đừng nói khi đâu đó lỡ làng rồi thì để nó tiếp tục nhá, cho lỡ hoài riết sẽ mất đức. Đến khi đức đã mất hoàn toàn thì đời sống chỉ có khổ không có vui.

Tôi đi nhiều, gặp những trường hợp người con sa đọa hơn cháu Dưng đây mà cố bỏ thì người ta cũng bỏ được. Nay trông Dưng nhà ta ngon rồi đấy, Lúc mê, tội thôi là tội, hễ giác lên là không làm tội nữa nhưng tội cũ là cái “nhân” đã gieo thì phải chịu “quả” báo và những tiếng gièm pha trong đời. Cần có sự ăn năng tu tiến, làm việc phước thiện để rửa sạch những tội trước. Riêng cháu Dưng đây, tiếc hôm nay không có cha mẹ ruột của cháu đến dự để nghe Ông Bà bày tỏ, biểu cảm sự vui mừng. Nhưng, có Ông cha vợ ngồi chứng kiến, vui mừng chưa từng có khi được người con rễ quay đầu hướng thiện thì chắc là cha mẹ ruột cũng thế thôi.

Qua sự vui mừng nầy, nên trân trọng để nó có một vị trí vui mãi mãi, điều cần yếu là ở Dưng, tạo sự vui tươi bằng mãi mãi phục thiện để cho cha mẹ và chúng tôi hôm nay đừng thất vọng nửa chừng.

Xong tiệc về nhà, tôi sực nhớ bé trai con của Dưng đã bốn tuổi mà chưa nói được, chỉ ạ ẹ một vài tiếng khó hiểu nhưng bé có sự khôn ngoan khiến mọi người hôm đó đều chú ý.

Cha mẹ của bé kể: Coi như bé đã dùng chay từ lúc sanh ra cho đến giờ, khi còn trong nôi nhai cơm đút bé, có hơi thịt cá là bé phun ra, nhiều lần như vậy mẹ nó phải nhai cơm với muối thì nó mớm nuốt, đến khi nó tự ăn được, nhà bị tôi mà nghèo xơ xác, phần không biết đạo tôi đâu lo vì cho nó, đôi lúc còn bực mình đổ cho nó cái tội làm rắc rối, chỉ mua cho nó một chay nước tương, cần ăn thì nó tự động đi múc cơm chan nước tương, nếu có được một trái dưa leo cho nó cắn ăn với cơm trông nó rất thích.

Ngày ăn tân gia, có vị khách đến biếu cho cái đồng hồ treo tường, không nói chuyện được nhưng bé đã sắp đặt bằng cách đưa tay chỉ chỗ treo chiếc đồng hồ, cho đến cái võ đựng đồng hồ có những mẩu hình sáng đẹp bé nắm tay cha chỉ đóng đinh treo chỗ đó.

Mọi người hoan hỉ dùng bữa cơm chay với chủ nhà.

 Trong khi những dĩa trái cây vừa mới bưng ra mời khách, thứ trái cần phải lột võ mới dùng được, không ai sai, ngờ đâu, bé vô buồng bếp tìm cái bọc ny long đem ra chỗ khách đang ngồi dùng, bành miệng bọc. Mọi người đều là khách đến, không ai thèm xem cử chỉ của bé khi có người đang nói chuyện với giọng thuyết giảng giáo lý, chỉ có cha Dưng của bé biết thành ra nói nghe như “ phá đài”: Cần gì thứ đó mậy, để người ta ăn rồi vụt hột võ xuống đất là xong, nè! Ngay sau tiếng “ nè” cha Dưng của bé vụt hột võ vào kẹt vách cho rớt dưới sàn. Bấy giờ mọi người mới nhìn lại chỗ bé với ánh mắt thương cảm, ngợi khen thằng bé ngoan.

Tôi ước mong cha mẹ của bé, trong gia đình, đừng để chỉ một mình bé có duyên với Phật. Hãy cùng với bé ăn lành ở lành và giúp bé phát triển trí não, có những bửa ăn chay không chỉ là nước tương.

An Giang, 04/11/2014
Lê Minh Triết


                        
---------------------------------------------------------

Lễ viên tịch Đức Phật Thầy Tây An.

Ngày 5/8/2014 (12/08 âm lịch) vừa qua, tại chùa Tòng Sơn ở xã Mỹ An Hưng A, (Lấp Vò, Đồng Tháp, Việt Nam) các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và những người dân trong vùng tập trung về đây để tưởng nhớ đến ngày viên tịch của Đức Phật Thầy Tây An. Đức Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên sinh ngày14/11/1807 âm lịch và viên tịch ngày 12/08/1856 âm lịch tại núi Sam (An Giang). 
 Người dân thắp nhang tưởng nhớ Đức Phật Thầy Tây An tại chùa Tòng Sơn
Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Có truyền thuyết cho rằng, ông Đoàn Minh Huyên là một trong những người con của vua Quang Trung, lánh nạn nhà Nguyễn về đây sinh sống. Sau khi xuất gia Đức Phật Thầy lấy pháp danh Minh Huyên - Pháp Tạng (theo bài kệ truyền thừa chi phái Lâm Tế dòng Bổn Nguơn). Ngoài vai trò là người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài còn là một nhà yêu nước trong việc trợ giúp các nghĩa quân kháng thực dân Pháp,  Ngài cũng là nhà dinh điền vì đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở miền Tây Nam Bộ và lập nhiều làng xã trên những vùng đất hoang sơ.

 Người dân đến thăm chùa Tòng Sơn trong ngày Lễ viên tịch Đức Phật Thầy Tây An.

Mùa thu năm 1849, Ngài đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản. Người đến quy y sẽ được Ngài cấp cho một tấm "lòng phái" (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ "Bửu Sơn kỳ Hương" màu son), Ngài truyền dạy giáo lý "học Phật - tu Nhơn", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, thực hành thuyết "Tứ ân", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào và nhân loại.

Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên
Sơn trung sự mạng địa Nam tiền
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên. 
(bài truyền tụng của Ngài)

Múa lân trong ngày Lễ viên tịch Đức Thật Thầy Tây An
Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những "trại ruộng" mà Ngài lập ra chỉ là hình thức, thực chất đấy là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của các vị vua nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của Ngài trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước). Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Đức Cố Quản Trần Văn Thành (đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng. 

Hằng năm cứ đến ngày 12/08 âm lịch, người dân khăp nơi đỗ xô về chùa Tòng Sơn để tưởng nhớ đến người đã có sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại miền Tây Nam bộ mà người dân tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An.

Thanh An

-------------------------------------------------------------------


VĂN PHÒNG CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC QUAN NGẠI VỀ BẢN ÁN BUỘC TỘI BA NHÀ ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYẾN Ở VIỆT NAM






BANGKOK (29 Tháng 8, 2014) - Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á (OHCHR) rất quan ngại về việc một toà án tại Việt Nam đã tuyên án bỏ tù ba nhà hoạt động cho nhân quyền vì những hoạt động bất bạo động của họ trong việc bảo vệ quyền con người. Ngày 26 tháng Tám năm 2014, Toà Án Nhân Dân Tỉnh Đồng Tháp đã tuyên án bà Bùi Thị Minh Hằng, Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳn, và ông Nguyễn Văn Minh từ hai năm đến ba năm tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ luật Hình sự.



Những vụ bắt giam và các bản án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, những blogger và các nhà báo là một điều đi ngược lại những gì chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế về việc họ sẽ đảm bảo quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội trong Công uớc Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. OHCHR trong quá khứ đã từng lên tiếng quan ngại trong rất nhiều trường hợp với chính phủ Việt Nam về khuynh hướng hành xử đáng lo ngại này. Tháng Hai năm 2014, Đặc phái viên về tình trạng người bảo vệ quyền con người cũng đã bày tỏ những quan ngại tương tự, khi diễn tả về “một mô hình uy hiếp, đe doạ, và bịt miệng nhắm vào những nhà dân chủ đấu tranh bất bạo động và những người bảo vệ quyền con ngưòi khi họ thực thi quyền bày tỏ chính kiến và diễn đạt cũng như quyền lập hội ở Việt Nam.”



Ngày 11 tháng Hai năm 2014, ba nhà bảo vệ quyền con người đã bị bắt sau khi họ tổ chức một nhóm đi thăm viếng một luật sư nhân quyền và một cựu tù nhân chính trị,ông Nguyễn Bắc Truyển sau khi được báo là ông Truyển đã bị công an tạm giữ và đánh đập tại nhà tù Chí Hòa. Nhóm người này đã bị bắt. Sau hai ngày, 18 người trong số họ đã được thả ra trong khi ba nhà bảo vệ quyền con người nói trên đã bị giam giữ cho đến khi họ bị tuyên án hôm thứ Ba vừa qua. Theo những thông tin nhận được, phiên tòa không hề được xử công khai và thân nhân của các bị cáo cũng như những nhà hoạt động khác, tuy đã cố gắng đến, nhưng không được tham dự phiên xử vì đã bị công an ngăn cản. Một số họ đã bị cấm cố trái phép tại nhà trong khi một số khác đã bị chặn bắt bởi công an trên đường họ đến tòa án. Theo tin đã đưa, có một lực lượng công an đông đảo đã có mặt nhằm cản trở lối vào của tòa án.



Bà Bùi Thị Minh Hằng đã chú trọng những hoạt động bảo vệ quyền con người của bà vào việc giúp đỡ những người nông dân, đặc biệt là những nông dân trở thành dân oan trong những vụ án tranh chấp đất đai với chính quyền. Cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh là những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vận động cho quyền tự do tôn giáo.



OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam, với danh nghĩa một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, xem xét lại hình thức áp dụng Bô luật Hình sự nhằm nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền cũng như phải tuyệt đối tôn trọng các quyền tự do biểu đạt, bày tỏ chính kiến cũng như tự do hội họp trên đất nước của họ.



KẾT THÚC



OHCHR website: http://www.ohchr.org/

OHCHR Regional Office for South-East Asia website:http://bangkok.ohchr.org/



Bản dịch của luật sư Vi K. Tran, thành viên Con Đường Việt Nam.

* * *

PRESS RELEASE
UN HUMAN RIGHTS OFFICE CONCERNED WITH THE CONVICTION OF THREE HUMAN RIGHTS DEFENDERS IN VIET NAM

BANGKOK (29 August 2014) - The UN Human Rights Office for South-East Asia (OHCHR) is concerned that a court in Viet Nam has convicted and imprisoned three human rights defenders for their peaceful human rights work. On 26 August 2014, the Dong Thap Provincial People’s Court sentenced Ms. Bui Thi Minh Hang, Ms. Nguyen Thi Thuy Quynh, and Mr. Nguyen Van Minh to between two and three years in prison on charges of “disturbing public order” under Article 245 of the Penal Code.

The regular arrests and harsh convictions of human rights defenders, bloggers and journalists is in contravention of Viet Nam’s international obligations to uphold freedom of expression, assembly and association under the International Covenant on Civil and Political Rights. OHCHR has on many past occasions raised concerns with the Government regarding this disturbing trend. In February 2014 the Special Rapporteur on the situation of human rights defenders also raised such concerns, describing “a pattern of targeting, intimidating and silencing peaceful pro-democracy activists and human rights defenders who exercise their right to freedom of opinion and expression and their right to freedom of association in the country.”

On 11 February 2014, the three human rights defenders were arrested after they organized a group to visit the home of human rights lawyer and former political prisoner Mr. Nguyen Bac Truyen who had been reportedly beaten by police and briefly detained at Chi Hoa Prison. The group was arrested. After two days, 18 of them were released, while the three human rights defenders were held in detention until their conviction this Tuesday. According to information received, the trial was not open and a number of relatives and activists who tried to attend the trial were prevented by police from doing so. Some were put under informal house arrest, while others were intercepted by police while travelling to the court house. There was reportedly a large police presence restricting entry to the court.

Ms. Bui Thi Minh Hang has focused her human rights work on protecting the rights of farmers, particularly in land confiscation cases. Ms. Nguyen Thi Thuy Quynh, and Mr. Nguyen Van Minh are Hoa Hao Buddhist practitioners who campaign on religious freedom issues.

OHCHR urges the Government of Viet Nam, a member of the Human Rights Council, to review the use of the Criminal Code to target human rights defenders and to fully respect rights to freedom of expression, opinion and association in the country.

ENDS

The Regional Office for South-East Asia in Bangkok represents the High Commissioner for Human Rights within South East Asia. The High Commissioner for Human Rights is the principal human rights official of the United Nations. She heads the Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights, which spearheads the United Nations' human righr

                                          ----------------------------------------------------- 

Khóa Tu Niệm Phật  một ngày
tại đạo tràng tín đồ PGHH tư gia ông Bùi Văn Trung

 
Bàn thờ tam bảo: Phật - Pháp -Tăng
Chủ nhật ngày 18/05/2014 theo như thường lệ mỗi tuần,  đạo tràng tư gia ông Bùi Văn Trung cư ngụ tại 277 ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã  tổ chức một buổi sinh hoạt để mọi người trong gia đình và các tín đồ PGHH gần xa cùng nhau niệm Phật.
Mục đích của buổi sinh hoạt cuối tuần này là tạo ra một môi trường đạo đức để mọi người có thể gạt bỏ những lo toan bộn bề của cuộc sống, cùng nhau họp mặt chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và đồng thời thực thi lời của đức Thầy chỉ dạy
“Cầu cho già trẻ gái trai, rủ nhau niệm phật liên đài ắt lên” hay là
“Ở tây phương chư Phật ngóng trông, chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật”.

Chương trình niệm Phật một ngày
Buổi sinh hoạt có tính cách thân mật trong gia đình, bà con, chòm xóm nên mọi phí tổn của buổi lễ do gia đình chủ nhà đài thọ . Từ khi ông Trung bị nhà cầm quyền bắt giam, bà Trung là người chủ trì buổi lễ.

Sáng sớm khoảng 5giờ 00, mọi người trong nhà lớn nhỏ đều thức dậy.
Sau khi làm vệ sinh cá nhân, lúc 5 giờ 30 người chủ trì trong nhà chuẩn bị nhang đèn, bông hoa, nước sạch trên 3 ban thờ Ngôi Tam Bảo, Cửu Huyền Thất Tổ và Thông Thiên.
Riêng trên ban thờ Cửu Huyền Thất Tổ có bày cúng thêm trái cây.

Thời cúng buổi sáng của gia đình.
Mọi người mặc đạo phục màu đà (nâu) tập trung nghiêm chỉnh trước bàn thờ Tam bảo và Cửu Huyền Thất Tổ , nam nữ đứng riêng hai bên. Sau khi người chủ trì thắp nhang, mọi người cùng nhau đọc bài công phu buổi sáng trước khi ngồi xuống sàn theo thế ngồi bán hoặc kiết già
Người chủ trì đọc lớn bài phát nguyện trước khi niệm Phật
Mắt nhìn trần đỏ niệm Di Đà,
Nguyện vái thân này khỏi đọa sa,
Muôn đạo hồng quang oai đức phật,
Soi đường minh thiện đến Long Hoa.

Sau bài phát nguyện mọi người ngồi niệm thầm câu “Nam mô A Di Đà phật” khoảng 40 phút , cho đến khi người chủ trì ra hiệu kết thúc thời khóa niệm Phật bằng câu
“40 phút niệm phật đã qua chúng ta đồng ngồi kỉnh lễ đức phật 3 xá
(mỗi xá niệm 1 câu Nam mô A Di Đà phật)  và đồng quỳ lạy đức phật 4 lạy (mỗi lạy cũng đọc 1 câu Nam mô A Di Đà phật)

Tiếp đó mọi người đứng dậy kỉnh lễ  thêm 3 xá (mỗi xá cũng đọc một câu Nam mô A Di Đà phật) để kết thúc một thúc thời cúng buổi sáng của những người trong nhà.
 
Nghi thức cầu an cho Quốc Thái Dân An
Thời cúng chính thức

 Khoảng 6giờ 30 các đồng đạo lần lượt đến đạo tràng. Tham dự thường là người lớn mọi lớp tuổi cho tới trẻ em trên 6 tuổi
Người tham dự được gia đình chủ trì mời xuống bếp để dùng các thức ăn chay được nấu sẵn (thường thì thức ăn được những người làm bếp trong nhà thức từ sáng sớm để nấu, những món ăn này được thay đổi theo tuần, đa số là ăn nóng).
Trước khi ăn, mọi người chấp tay xá và niệm Nam Mô A Di Đà Phật cũng như vái Cửu huyền thất tổ trước khi mời nhau.

 7 giờ 30: Người chủ trì thỉnh chuông để mọi người tập hp đứng trước bàn thờ Tam bảo và Cửu huyền thất tổ đặt tại chính giữa nhà rồi thắp nhang.
Vị chủ trì bắt đầu cử hành lễ, đọc bài phát nguyện rút từ Sấm Giảng, những người hiện diện nương theo đó  đọc thầm trong miệng.
8 giờ 00: Mọi người ngồi trang nghiêm vào chỗ của mình niệm Phật, nghi thức hoàn toàn giống như ngồi niệm Phật buổi sáng và những lần ngồi thiền sau này cũng tương tự như vậy.
8 giờ 40: Khi kết thúc thời gian quy định thì người chủ đọc to lên câu “40 phút niệm phật đã qua chúng ta đồng ngồi kỉnh lễ đức Phật 3 xá và đồng quỳ lạy đức Phật 4 lạy”
Mọi người đứng dậy kỉnh lễ thêm 3 xá nữa, kết thúc thời khóa niệm Phật. Và đây cũng là cách xả thiền của chương trình niệm Phật. Sau khi xả thiền mọi người có thể dùng nước do người nhà mang ra đãi và  nói chuyện trao đổi với nhau về những chuyện mới xảy ra trong đời sống
của họ.

Chương trình tiếp tục đều đặn :
- 9 giờ 00 ngồi thiền niêm Phật,
- 9 giờ 40: Xã thiền, giải lao y như trước.
- 10 giờ 00: Ngồi thiền niệm Phật.
- 10 giờ 40: xã thiền, giải lao.
- 11 giờ 00: Công phu buổi trưa (giống công phu buổi sáng).

 Cúng trưa xong, mọi người ra đứng trước bàn Cầu Phật đã được chuẩn bị bông hoa, đèn dầu, nước sạch từ trước .
Bình thường mỗi gia đình trong truyền thống Hoà Hảo đều có ba ngôi thờ tại tư gia: thờ Tam bảo (theo Phật giáo), thờ Cửu Huyền ( tổ tiên ông bà) và thờ ngôi Thông Thiên (thông với 4 phương trời Phật)
Trong những buổi lễ đặc biệt, bàn thờ Cầu Phật (hay Hương án) được thiết lập thêm.
Vị chủ trì thắp nhang và bắt đầu làm lễ cầu an cho tất cả chúng sanh, người lâm nạn, đau khổ, bệnh tật…được giác ngộ tu hành, bình an, vui vẽ, khỏe mạnh. Cũng cầu nguyện cho những người chết được thoát khỏi những sự đau khổ và được vãng sanh về tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà. 

Đúng 12 giờ 00 mọi người được mời ra dùng bữa cơm chay gia đình người chủ trì đã dọn sẵn. Đây cũng là khoảng thời gian bà con có dịp hàn huyên trong tình bạn bè láng giềng.

Đến 13 giờ 00: Đoàn người già trẻ, cả trẻ em, sắp hàng đi kinh hành vòng quanh đạo tràng niệm Phật, nam trước, nữ sau, vừa đi vừa niệm câu “Nam mô A Di Đà phật”. Khi kết thúc một vòng thì mọi người đứng lại ngay vị trí ban đầu xá 3 xá và cùng nhau đồng thanh đọc bài
“Nam mô tây phương cực lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhất thập, nhất vạn, cửu thiên, ngũ bá, đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà phật”
sau khi đọc xong, cùng nhau quỳ xuống lạy 1 lạy và niệm 10 lần câu “Nam mô A Di Đà phật” rồi đứng dậy xá 3 xá , đi vòng thứ hai.
Cứ đi như vậy cho đến vòng cuối cùng thì người chủ trì ra hiệu kết thúc thời khóa kinh hành với câu “thời gian kinh hành đã qua chúng ta cùng nhau quỳ lạy t đức Phật 4 lạy, cùng nhau đứng dậy xá 3 xá.  
Sau thời kinh hành, mọi người rời phòng thờ ra nằm nghỉ trưa
 
Ngồi thiền niệm Phật.
Buổi lễ tiếp tục lúc 15 giờ 00 với thời ngồi thiền niệm Phật cho tới
15 giờ 40 thì mọi người cùng nhau lần lượt kỉnh lễ trước  ba bàn thờ .
Kinh lễ Cửu Huyền thất tổ 3 xá thẳng mỗi xá đều niệm câu “ Nam mô A Di Đà Phật”.
Kỉnh lễ Tam bảo Phật đài, Ngôi Thông thiên và bàn Cầu Phật mỗi ngôi 3 xá giống nhau: xá chính giữa niệm “ Nam mô A Di Đà Phật”, xá bên trái niệm “ Nam mô Đại Thế Chí bồ tát”, xá bên phải niệm “ Nam mô Quan Thế Âm bồ tát”.
Tiếp đến mọi người sẽ cùng nhau đứng trước ngôi Tam Bảo Phật đài xá 3 xá thẳng sau đó quỳ xuống chấp hai tay lên trán.
Người chủ trì đọc lớn bài hồi hướng công đức niệm Phật trong ngày trong khi  mọi người xung quanh nương theo đó đọc thầm trong miệng.
v Nội dung bài hồi hướng công đức như sau:
Nam mô ta bà giáo chủ bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật(3 lần)
Nam mô thập phương Phật,
Nam mô thập phương pháp,
Nam mô thập phương tăng,
Nam mô Phật tổ, Phật thầy, quan Thượng Đẳng Đại thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị năm non bảy núi cảm ứng chứng minh, nay con nguyện hồi hướng công đức niệm Phật có được trong ngày về hai cỏi âm siêu, dương thới và cữu huyền thất tổ ông bà, chung cùng tất cả chúng sanh. nhờ nương theo công đức niệm Phật này mà hết khổ được vui, đến lúc lâm chung thân không bệnh tật, tâm không điên đảo, ý không tán loạn, biết trước ngày giờ và đồng vãng sanh Tây Phương Cực lạc “Nam mô A Di Đà Phật”.

v Sau đó cùng nhau đọc tiếp bài phát nguyện vãng sanh:
Nay con nguyện tây phương quyết đáo
Nguyện vãng sanh tỉnh táo biết ngày về
Nguyện thức thần sáng tỏ chẳng muội mê
Nguyện công đức hướng hồi về cực lạc
Nay con phát nguyện khi con bỏ xác
Được vãng sanh thần thức nhập liên hoa
Nguyện oan gia nghiệp chướng cỏi ta bà
Về cực lạc sống hòa cùng đức Phật.

Kết thúc buổi lễ,  mọi người cùng nhau lạy 4 lạy, mỗi một lạy đều niệm 1 câu “ Nam mô A Di Đà Phật”. Lạy xong cùng đứng dậy xá 3 xá, xá chính giữa niệm “ Nam mô A Di Đà Phật”, xá bên trái niệm “ Nam mô Đại Thế Chí bồ tát”, xá bên phải niệm “ Nam mô Quan Thế Âm bồ tát”,
Rồi  chia tay nhau với tâm tĩnh lặng,  hẹn chủ nhật tới lại hội ngộ.
                     
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Nam mô A Di Đà Phật.


-------------------------------------------------------------------------------



Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây tham dự Thánh lễ Công lý – Hòa Bình
Tín đồ PGHH bên trong Thánh đường DCCT SG 
Tối ngày 25/5/2014, tại Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) miền Tây đã tham dự buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa Bình vào mỗi chủ nhật cuối của tháng. Cũng như các tín hữu Công giáo, những tín đồ PGHH miền Tây luôn nguyện cầu cho “quốc thái dân an, thiên hạ thái bình” và điểm chung này đã đưa các tín đồ PGHH hiền lành, chân chất vào trong ngôi thánh đường sang trọng của Công giáo.

Các tín đồ PGHH cầm biểu ngữ có tên và hình ảnh các tù nhân lương tâm trước khi bắt đầu chương trình thắp nến cầu nguyện 
Những chiếc áo màu dà ngồi trang nghiêm trong Thánh đường Công giáo không còn là điều lạ trong thời gian gần đây tại Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn. Sự hòa hiệp Tôn giáo, là một cơ hội cho các Tôn giáo đến với nhau trong tình thương yêu và hiệp thông, cùng chung một lời nguyện cầu cho đất nước và những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù cộng sản. Qua những buổi hiệp thông cầu nguyện, các tín đồ PGHH rất ấm lòng vì có được những sự cảm thông của một tôn giáo lớn chia sẽ cho một tôn giáo nhỏ luôn thường xuyên bị đàn áp bởi nhà cầm quyền.

Các linh mục làm các bí – tích cho nhạc sỹ Tô Hải 
Trong buổi Thánh lễ tối ngày 25/5, các tín đồ PGHH cũng đã chúc mừng nhạc sỹ Tô Hải khi ông  được các Linh mục làm phép rửa tội và trở thành một tín hữu Công giáo. Từ một người vô thần theo học thuyết cộng sản, ông đã từ bỏ đảng cộng sản vào năm 1960. Đến nay ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhạc sỹ Tô Hải đã tìm được Đức tin của mình. Linh mục Vũ Khởi Phụng, Cha bề trên của Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), đã nhận là Cha đỡ đầu cho nhạc sỹ Tô Hải.

Cuối Thánh lễ, nhiều tín đồ Công giáo đã đến gặp các tín đồ PGHH để hỏi thăm về cuộc sống, về Đức tin của người PGHH mà họ cũng chính là những người nông dân làm ra hạt gạo nuôi sống dân cư Sài Gòn. Các tín hữu Công giáo hy vọng sẽ có dịp về miền Tây và đến thăm gia đình các tín đồ PGHH. Chia tay, trong niềm lưu luyến, hai Tôn giáo nhưng cũng là một nghĩa đồng bào, xin hẹn ngày tái ngộ.



Kim Phượng


--------------------------------------------------------------------------

Một lần đến Chùa Quang Minh Tự - Phật Giáo Hòa Hảo chân truyền


Từ Thành phố Cao Lãnh, qua phà quẹo phải đi thẳng đến ấp Long Hoà 2, xã Long Điền A,  Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hỏi Quang Minh Tự hay Cốc ông Tư. Vì Chùa nằm giữa cánh  đồng nên sẽ có người không biết nhưng chỉ cần nói thêm "Chùa có ông Thầy trụ trì tên Võ Văn  Thanh Liêm mổ bụng phản đối cộng sản đàn áp PGHH" thì đa số đều biết.
Mình đến chùa lúc trời đã sụp tối, lúc này đã có hơn 30 tín đồ đã ở trong chùa chuẩn bị cho  sáng sớm mai cử hành nghi lễ Đản sanh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ người khai sinh ra PGHH.
Hỏi thăm thì tất cả các tín đồ đều là nạn nhân của cộng sản, cả phân nửa từng là TNLT, có  người nhà đang là TNLT, thậm chí có gia đình có 2,3 TNLT, có gia đình có người đã tự thiêu - Tử vì Đạo để phản đối sự đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản. Bản thân Thầy trụ trì cũng là cựu TNLT hơn 30 lần tù đày trong 39 năm sau ngày đất nước rơi vào tay Cộng Sản.
Họ rất hiếu khách, những món chay họ làm tuy đơn giản nhưng rất ngon.
Trong chùa có nhiều ao và 1 hồ sen, chùa rất thân thiện với môi trường vì đa số làm bằng cây  gỗ. Có nhiều cây xanh, hoa lá, gió lộng tư bề.
Chùa Quang Minh hiện nay đang xuống cấp trầm trọng nhưng nhà cầm quyền cấm không cho ai bán vật tư cho chùa, cả điện cũng cắt luôn.
Tu sĩ PGHH ai cũng hiền, họ xưng hô với mình là huynh, là đệ. Tất cả đều ăn chay, đa số ăn chay trường. Họ làm từ thiện không mệt mỏi. Thậm chí sau này hễ đi ven đường thấy nhà nào có để bình nước miễn phí thì mình nghĩ họ theo đạo Hòa Hảo.

Các bạn hãy đến một lần cho biết.

Phi Long Võ 


---------------------------------------------------------------------


Lễ giỗ ông Ba Thới.

Người dân đến tham dự lễ giỗ ông Ba Thới.
Vào những ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng tư âm lịch,  phủ thờ ông Ba Thới  tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hàng ngàn người dân từ các nơi đỗ về đây để tham dự lễ giỗ của tiền nhân.
Ông Ba Thới, tên thật Nguyễn Văn Thới sinh năm 1866 đời vua Tự Đức tại làng Mỹ Trà (Sa Đéc) nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Là tác giả Kim Cổ Kỳ Quan là tên chung của 9 bổn sách, nhưng Kim Cổ là một bổn chính.  Ông Ba Thới tướng người cao lớn, tánh tình cương trực,  thích kết giao bằng hữu và chu du trong thiên hạ.
Mùa đông  năm Bính Ngọ (1906),  ông Ba Thới tìm đến ông Trần Văn Nhu, là con trai của Quản cơ Trần Văn Thành, kết bạn thâm giao với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong thời gian này ông đã viết ba bổn sách Vân-Tiên, Thiện-Từ, Cổ-Vãng-Kim-Lai. Chính quyền Pháp rất lo sợ khi thấy ông Ba Thới kết giao với những người theo khuynh hướng chống Pháp nên tìm cách ngăn cản.
Ngày 21 tháng 2 năm Quý Sửu (1913), Pháp bao vây Bửu Hương Tự, nơi ông Ba Thới đang sống cùng với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Ba Thới chạy thoát tuy nhiên nhiều bạn hữu của ông bị Pháp bắt và cầm tù. Ông Ba Thới rất buồn khi thấy các bạn hữu sa vào tay giặc, ngày 24 tháng 2 âm lịch, ông tự sát. Người nhà đưa ông lên nhà thương Châu Đốc, ông cự tuyệt không chấp nhận sự điều trị của người Pháp. Thấy không thể chữa trị được vết thương của ông Ba Thới, nhà thương bỏ ông vào nhà xác, ông trốn ra ngoài và về sống tại làng Kiến An (Long Xuyên) vào năm 1914. Trong những ngày cuối đời, ông ký thác lòng mình vào những quyển:  Ngồi Buồn, Kiến Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị Tứ Đại và Thừa Nhàn.
Ông Ba Thới mất vào ngày mùng 9 tháng 4 âm lịch (năm 1927), thọ 61 tuổi, ông đã để lại cho đời 09 văn phẩm kiệt tác có giá trị về đạo đức và văn chương. Ông là hiện thân cho một con người trung cang, nghĩa khí mang đậm đặc tính  của người dân Nam bộ vùng sông nước miền Tây.
Để tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính, vào ngày lễ giỗ ông Ba Thới năm nay (2014) có khoảng 3.000 người dân đã đến phủ thờ, thắp hương và cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Ôn lại những đóng góp của tiền nhân trong việc mở mang bờ cõi, nghe các bài văn, câu thơ của ông Ba Thới sáng tác lúc sinh thời. Đây cũng là nét văn hóa riêng biệt của miền Tây Nam bộ, nơi có nhiều phủ thờ các bậc tiền nhân đã có công khai phá đất nước.
Mai Dung


* Quản cơ Trần Văn Thành là một thủ lãnh nghĩa quân kháng  Pháp, đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Có giả thuyết lưu truyền Đức Phật Thầy Tây An là một  người con của vua Quang Trung, lánh nạn về miền Tây sau khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn truy nã khắp nơi.



Phủ thờ ông Ba Thới


Dùng cơm chay tại lễ giỗ
-----------------------------------------------------------------------------------

ĐÁM GIỖ NHÀ HUYNH HAI SO



Hôm nay, ngày 18/12 âm lịch (tức ngày 18/1/2014), bà con đồng đạo PGHH đến nhà anh Hai So (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) tham dự buổi lễ cầu nguyện đám giỗ ông Nội anh. Khoảng 100 đồng đạo đã có mặt.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét