Giới Thiệu về PGHH

Bổn phận chúng ta.

“Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đây là câu nói đã lưu truyền tự bao giờ của người con VIỆT . Là con người ai cũng phải có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phải có cội nguồn và có bổn phận phải nhớ công ơn sâu dầy mà ta đã thọ nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ngoài tổ tiên ra ai ai cũng có bổn phận phải nhớ ơn những vị anh hùng chơn chánh đã hy sinh, đem xương trắng máu đào của mình đấp tô cho NON SÔNG TỔ QUỐC!


Một nghĩa trang của PGHH tại miền Tây.

Như vừa nói trên, là người con VIỆT ai cũng có bổn phận và có quyền ghi nhớ, đáp tạ công ơn của những người đã nằm xuống để cho chúng ta đứng lên ngày hôm nay. Với chúng tôi là những tín đồ PHẬT GIÁO HÒA HẢO thiết nghĩ rằng cái bổn phận đó đối với chúng tôi lại càng quan trọng hơn nữa! Quan trọng càng thêm quan trọng, PGHH chúng tôi có biết bao người đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, cho đạo pháp, và đặc biệt hơn với những tử sĩ của HÒA HẢO trong bốn quân đội:

-Quân đội: TRẦN VĂN SOÁI.
-Quân đội: NGUYỄN GIÁC NGỘ {hay còn gọi bộ đội NGUYỄN TRUNG TRỰC}.
-Quân đội: LÂM THÀNH NGUYÊN.
-Quân đội: LÊ QUANG VINH {3 CỤT}. 

Giờ đây chúng tôi vô cùng đau đớn khi nhìn thấy bốn nghĩa trang của bốn quân đội kia có hai nghĩa trang đã bị san bằng, nghĩa trang của quân đội: TRẦN VĂN SOÁI ở Cái Vồn, Bình Minh, Vĩnh Long bị san bằng rồi họ cất lên một nhà hàng . Nghĩa trang của quân đội: LÂM THÀNH NGUYÊN ở Cái Dầu, Châu Phú đã bị san bằng để làm ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, hiện tại chỉ còn sót lại hai nghĩa trang của hai ông: NGUYỄN GIÁC NGỘ ở LONG GIANG, CHỢ MỚI và nghĩa trang quân đội ông: LÊ QUANG VINH{3 CỤT} ở xã THỚI LONG, huyện Ô MÔN, CẦN THƠ.


Nhà cửa cất trên những nấm mộ.

Những ngày gần đây chúng tôi đã cố công tìm lại hai nghĩa trang kia, khi đến nơi ấy đau đớn lại càng thêm đau đớn, bức xúc lại càng thêm bức xúc, nghĩa trang của bộ đội ông NGUYỄN GIÁC NGỘ ôi! đến đó nhìn thấy cảnh điêu tàn mà chẳng làm sao cầm đặng dòng nước mắt, cỏ rác um tùm, những thứ đồ ô uế dơ bẩn họ đem vào đổ trên mồ mả mà chẳng kiên cử chút nào. Còn nghĩa trang quân đội ông LÊ QUANG VINH{3 CỤT} thì lại càng thêm xúc động, mười mấy ngôi mộ của tử sĩ chúng ta bị người dân nơi đây xây dựng nhà cửa lên trên mộ họ không kể ai cả, chẳng biết kiêng cữ là gì . Xin hãy suy nghĩ nếu cha mẹ, ông bà mình nằm dưới đó thì sao??? Ở nơi đây những ngôi mộ còn lại có trên 200 cái còn một số bị nhà đè lên là chưa tính, trên 200 ngôi mộ kia có cái thì có tên tuổi còn, cái thì cũng chẳng có tên tuổi gì, thêm lại chẳng biết gì sao có một số mộ bia bị bể, gãy banh cả rồi cây cối, rác rến họ quăng đạy lên trên mộ,luôn cả họ còn trông cây lên mộ nữa.


Các tín đồ PGHH đến viếng nghĩa trang.

Xin hỏi nếu đứng vào hoàn cảnh những ngôi mộ ấy là của tổ tiên mình thì mình phải làm sao?

Mặc dầu những ngôi mộ ấy không phải của tổ tiên mình nhưng những người ấy đã nằm xuống cho chúng ta đứng lên ngày hôm nay vậy chúng ta phải có bổn phận gì đó với những người đã khuất kia mới phải chớ!

Với chúng tôi chỉ là những hạng người nhỏ bé, thấp thỏi chỉ mong muốn làm được bổn phận “ uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trông cây” chớ không phải như những hạng người “ăn rồi quẹt mỏ như gà” khi gặp khó khăn thì đến nhờ cậy, lúc thạnh thời chẳng nhớ công ơn mà còn…! Nếu như thế thật đúng với câu “cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn báo oán”.

Giờ đây chúng tôi xin kêu gọi tất cả mọi người những ai là tín đồ PHẬT GIÁO HÒA HẢO thuần thành nói riêng, nói chung tất cả những người VIỆT NAM chúng ta sẽ cùng nhau chung sức để làm bổn phận “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” điều trước tiên chúng ta sẽ cùng nhau tu sửa lại những nghĩa trang của những tử sĩ chơn chánh , những người thật sự đã đem xương trắng máu đào của mình điểm tô cho NON SÔNG TỔ QUỐC.

Mong tất cả những người VIỆT NAM chúng ta cùng nhau làm bổn phận của mình nhé!!!


Những ngôi mộ không ai chăm sóc.



BÌNH MINH, 20/7/2016 âl
NGUYỄN VĂN NHỰT cẩn bút.


---------------------------------------------------------------------------


Ý nghĩa của Ngày Đức Thầy thọ nạn.

Kính thưa cô bác anh chị em đồng đạo kính mến.

25/2/âm lịch lại đến, nhắc nhở đồng đạo chúng ta nhớ lại thảm kịch tại Đốc vàng hạ - Ngày Đức Thầy bị Bửu Vinh và bè lũ, ám hại Đức Thầy trong khi Ngài lãnh nhiệm vụ hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật giáo Hòa Hảo hiện giờ.

69 năm trôi qua, nhưng ấn tượng đau xót ấy vẫn còn hằn sâu vào trí óc chúng ta. Chúng tôi xin lược sơ đêm hôm ấy (25/2 Nhuần Đinh Hợi), theo Thất Sơn Mầu Nhiệm của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu đã viết:

“ Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng. Ngài liền đi với bốn tự vệ quân. Văn phòng nầy đặt trong một ngôi nhà ngói, Đức Thầy ngồi bàn giữa tiếp chuyện với Bửu Vinh. Còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa, cách Đức Thầy một thước tây.

Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi tối, bốn Việt Minh ở ngoài đi vô 8 người chia ra cập nách bốn tự vệ quân của Đức Thầy và đâm chết ba người. Người thứ tư anh Phan Văn Tỷ, tức Mười Tỷ nhờ vỏ giỏi và lanh trí nên thoát khỏi, chạy ra ngoài có bắn một loạt mi-trai-vết. Lúc anh Mười Tỷ né mũi dao găm của một trong hai chiến sĩ Việt Minh cặp nách anh thì người chiến sĩ kia bị đồng chí của mình đâm trúng té quỵ. Vừa lúc đó, Đức Thầy từ trước đến giờ vẫn bình tĩnh lẹ làng quạt tắt cái đèn. Trong văn phòng tối thui, không ai biết Đức Thầy đi đâu cả…!



Tiếng súng nổ dữ dội… Ông Thiện nhảy xuống rạch tẩu thoát. Ba anh chèo ghe chạy trước về báo tin cho các tướng lãnh hay.

Tiếng tù và nổi dậy liên hồi, làm chấn động một góc trời tây! Đoàn dân quân cương quyết đi báo thù. Nhưng vào lúc 12 giờ khuya, một người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở gần chỗ xảy ra cuộc bạo hành, chạy ngựa đến Phú Thành mang một bức thư chính của Đức Thầy trao tận tay ông Năm Lửa.”

Nhắc lại biến cố Đốc Vàng chúng ta không phải để gợi lại sự rạn nức thù hận với nhau giữa Việt Minh và Hòa Hảo mà là chia sẻ niềm xót thương khi xa vắng Thầy Tổ. Vì sự vắng mặt của Thầy chưa có đáp án rõ ràng. Chưa công bố trên lịch sử. Mặc dù Đức Thầy đã dạy:

_ “ Ít lâu ta cũng trở về
Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao”.
 Và:
_ “ Để cho Thầy đi dạo ta bà
Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ”.

Và Ngài hằng động viên chúng ta:

_ “ Thù riêng muôn vạn cho cam
Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công”

      Với những kẻ hay vu khống, tráo trở,dùng mọi thủ đoạn, điêu ngoa nhưng tâm trí ngu xuẩn tà mị, Ngài đã dạy ta:
“ Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn”.

Thôi thì dẫu sao nữa chúng ta cũng phải:

“ Rán nghe lời dạy của Thầy”

Để đến lúc nào đó; vận thời đưa đến, lúc đó:

“…Thầy lại gia trung
Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che” vậy!

Nguyện cầu ơn trên chư Phật mười phương luôn gia hộ cho thánh thể Đức Thầy an khang , để trở về dìu dắt chúng ta.

                                                                          
Nam Mô A Di Đà Phật
Cư sỹ Nguyễn Thụy Như Liên

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Học để truyền bá giáo lý.

Vài năm gần đây tôi phát hiện ra rằng, hàng tu sinh trẻ tuổi trong PGHH mỗi lúc tăng nhanh, lòng háo hức muốn đem đạo vào đời, thực hiện qua lời dạy của Đức Thầy, tập tành chương trình “Ban huấn luyện và truyền bá Đạo Phật” được Ngài đề ra trong tổ chức “VIỆT NAM PHẬT GIÁO LIÊN HIỆP HỘI”. Giữa lúc các tôn giáo đang đi vào một khúc quanh lịch sử bởi nhà nước mới lên quyền, từ cấm hoạt động rồi cho lại hoạt động trong vòng tròn pháp luật nghiêm khắc. Người tín đồ PGHH bị chao đảo trên đường hành đạo và truyền bá đạo lành bởi cách tái phục hoạt một ban trị sự giáo hội chỉ là tên gọi, màu mè để xoa dịu, làm giảm bớt sức đè nén của nhân dân có tín ngưỡng vì thấy đạo Thầy còn đó; trong sự tái phục hoạt, không phải là phục hoạt nguyên vẹn PGHH với những gì đã có từ trước 1975.
Điều tôi muốn nói là hình thức, vì các trị sự viên trong guồng máy ban trị sự (BTS) đều do nhà nước đặt để những người thân cộng hay đảng viên đang cơ hội. Điều đáng nói hơn, ở cấp lãnh đạo ban trị sự Trung Ương lại là đảng viên cao cấp của đảng quyền như Ông Nguyễn văn Tôn, một thời làm chủ tịch mặt trận tỉnh An Giang, dân biểu quốc hội với hơn năm mươi tuổi đảng được nhà nước chỉ định làm hội trưởng BTS T.Ư, Ông Nguyễn Tấn Đạt một thời làm mặt trận tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, dân biểu quốc hội với nhiều tuổi đảng, được điều vào công tác tôn giáo với chức vụ phó hội trưởng thường trực BTS T.Ư. Do họ là đảng quyền, vào lãnh đạo tôn giáo mà học đảng nhiều hơn học đạo, biết đảng nhiều hơn biết đạo, khi đề ra chương trình sinh hoạt tôn giáo có tính trị sự PGHH thì không đúng trọng điểm, không vào trọng tâm. Nên từ việc kêu lãnh giấy tín đồ cho đến việc chiêu mộ các tu sinh của BTS nói trên không thuận lợi.
Nhớ lại chặng đường xưa, Việt Nam vừa tạm thời thoát khỏi sự cai trị của quân Pháp bởi Nhựt đảo chánh, Đức Thầy trả lời cuộc phỏng vấn của Báo Nam Kỳ về lượng số tín đồ là hơn một triệu người. cũng trả lời cuộc phỏng vấn của báo Cộng Hòa giáo sư Nguyễn Văn Hầu cho biết: trong năm 1950 thì đã có hai triệu tín đồ. Pháp tái chiếm Việt Nam cho đến đi vào giải pháp hiệp định Geneve mới trao trả quyền tự do cho nước nhà nhưng với điều kiện một nước hai chủ nghĩa. Miền Nam Việt vừa khoát khỏi gót giày xâm lăng thì liền gặp độc tài của chánh quyền Ngô Đình Diệm, PGHH bị hoạt động như một hội từ thiện bởi sắc luật 002. Chánh quyền độc tài vắng số năm 1963, PGHH vùng dậy đứng lên, từ 1965 đến 1975 danh số tín đồ tăng rất nhanh.
Hồi Đệ Nhứt Cộng Hòa có chương trình quy khu lập ấp chiến lược, từ đó, dân ở rải rác buộc phải vào khu chiến lược, dầu vậy nhà cách nhà thưa thớt, đồng ruộng hoang vu mà nay các vùng khu chiến lược của thời Đệ Nhứt Cộng Hòa có ảnh hưởng PGHH, nhà ở chen khít đã vậy đồng hoang đã hết, kinh rạch thông phương nhà cửa dẩy đầy, trong đồng ruộng xưa, giờ nổi lên chợ sung túc, hỏi đâu xa thì chưa biết chớ những tỉnh miền tây, đa phần là người tín đồ PGHH, nếu không nói mười triệu thì cũng gần gần đâu đó. BTS do nhà nước phát, cao lắm thì giá lên cũng chỉ một, hai phần mười là cùng.
Tín đồ không theo BTS thân cộng nói trên gấp tám chín lần; những tu sinh không bị húc vào làm nhân lai tạo cho một tổ chức tôn giáo lai căn, tuổi trẻ lớn lên thiếu sự hướng dẫn bởi vì lớp lớn đã bị đưa vào khung không hợp pháp việc huấn luyện truyền bá đạo Phật; để các em tự mò mẩm, sáng tạo, từ đó sanh ra chệch hướng của BTS và ban phổ thông giáo lý trung ương PGHH đã đặt nền móng ở cơ bản dân chủ của thời đại vàng son 1964, 1965 đến 1975, sự chệch hướng đã gây ảnh hưởng không tốt giữa hai thế hệ có căn bản và không căn bản về việc huấn luyện và truyền bá đạo Phật.
Lớp học quốc văn Việt Nam
Nếu ta là người của đạo thì văn chương như một con thuyền hay cổ xe dành để chỡ đạo đến với mọi nhà, mọi người. Người tín đồ PGHH nào mà không sớm chiều cúng nguyện đọc mãi câu nguyện “Tịnh sự trí huệ thông minh giai đắc đạo quả”. Tu có phát sáng tâm hay những kinh nghiệm qua sự trải nghiệm của hành giả mà thiếu văn phong hay ngôn phong để tỏ bày sự hiểu biết của mình trên đường cầu vô thượng bồ đề với tính chia sẻ thì tiếc lắm. Hồi nào biển lặng, hồi nào trùng dương dậy sóng để người đi sau có chút cẩn trọng. Sự quý hóa nằm trong lòng không nói cho ai nghe đặng học hạnh, nhờ nhỏi, chừng chết đem theo thì thật là điều đáng tiếc. Nếu xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thuyết pháp độ chúng, các tổ sư không bày ra văn luận, Đức Thầy không viết Sám Giảng khuyên tu, thì người thế gian ai mà biết đạo Phật là gì. Cũng có thể là không có Đức Thầy nếu Đức Phật không thuyết pháp để Đức Thầy một phen “Đền Linh Khứu Sơn Trung chịu mạng”.
Sự trăn trở của tôi, hôm gặp Ông Nguyễn văn Lía cùng dự lễ cúng tuần cầu nguyện, thấy có nhiều tu sinh, tôi lựa chỗ mời cùng ngồi lại đàm đạo, tôi giới thiệu với những bạn trẻ về Ông Nguyễn văn Lía:
Kính thưa chư quý đồng đạo! Ông Nguyễn văn Lía đây đối với quý vị mà nói thì Ông ấy thuộc vào thế hệ đàn anh. Trước năm 1975 huynh mình có tham gia chương trình “Ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật”, là một trong những giảng huấn viên khóa đào tạo giảng viên truyền bá giáo lý qua quyển tài liệu sơ cấp do ban phổ thông giáo lý trung ương khóa đầu biên soạn. Ông Nguyễn văn Lía chuyên trách môn luyện quốc văn qua nhiều khóa học nên về văn từ, văn phạm, câu cú Ông ấy có khả năng hướng dẫn chúng ta viết một bài văn nghị luận hay một đề tài thuyết trình mạch lạc đủ ba yếu tố căn bản: Ngôn phong, văn phong, tác phong để chúng ta không quá nghiêm hay quá lố về tác phong khi thuyết trình giáo lý, không quá đớt đát về ngôn phong với những tập quán đọc trại âm và không quá khô cứng khi dụng văn thiếu lực hấp dẫn đưa tới khó hiểu cho thính giả hay đọc giả.
Giới thiệu xong, tôi mời Ông Nguyễn văn Lía chấp nhận lời mời nói chuyện với các tu sinh. Huynh mình đồng ý một cách vui vẻ.
Kính thưa chư quý đồng đạo! Tôi hân hạnh được anh Triết giới thiệu gặp quý vị và tôi rất hân hoan được nói chuyện với quý vị trong bầu không khí thân mật nầy. Đúng như lời anh Triết nói về tôi, không phải vì danh vọng mà tôi đem khoe, xưa trong một số khóa đào tạo giảng viên truyền bá giáo lý ở sơ cấp tôi có tham gia làm giảng huấn môn luyện quốc văn. Nhưng thôi, chuyện ấy giờ đã là chuyện củ, không có gì vô duyên trơ trẻn bằng nếu ta cứ nói chuyện củ hoài trong khi hiện tại đang cần mà để cho dòng chảy quá khứ làm choán mất thời giờ. Hãy nói từ hiện tại đến tương lai. Hiện tại đang thiếu gì? Cần gì đối với những tu sinh có thiên hướng chương trình ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật? Nếu thấy công việc truyền bá đạo Phật của ta chưa có sức thu húc thì hãy kiểm tra ba yếu tố căn bản ngôn phong văn phong và tác phong, nếu ta biết rằng ngôn phong và văn phong của mình trôi chảy mà chưa được quần chúng ngưỡng mộ thì hãy coi lại tác phong của mình đi; hoặc tác phong tốt, ngôn phong tốt mà khán thính giả không màng thì coi chừng đọng lại chỗ văn phong đấy, hãy tập trung bồi bổ cho văn phong đứng vững diễn đàn.
Bốn mươi năm qua tôi không đứng trên diễn đàn để cùng học viên nói về văn chương chữ nghĩa, chính cái khoảng bốn mươi năm đã làm tôi gìa đi mà dư ảnh hôm nào chỉ còn là luyến tiếc. Tôi không có quyền thay đổi dòng chảy của Sanh và Lão cũng như không có quyền đèo bồng cho niềm xưa hiện lại sự trẻ trung đối với một Ông Già. Bất chợt được Anh Triết đề nghị, Bất chợt được chư đồng đạo tín nhiệm ngồi vây quanh để nghe tôi nói chuyện đời xưa…
Kính thưa quý vị! Nếu già tôi còn có chút đỡ đần nào cho sự sinh hoạt tôn giáo cũng như bồi bổ kiến thức chuyên môn về nghệ thuật nói trước công chúng hay bài văn nghị luận giúp đỡ tu sinh trao giồi quốc văn thì tôi sẵn sàng cống hiến sự hiểu biết của mình.
Buổi gặp gở tạm dừng với lời hứa: Hai bên đều hứa…
Không lâu sau, Ông Nguyễn văn Lía huy động một lớp dạy luyện quốc văn ngắn hạng, giúp những tu sinh có thiên hướng truyền bá đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi rất mừng khi hay tin nầy.

Triết Lê.
25/2/2016

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

VÀI SUY NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp. Trước kia đã có lần tôi viết Việt Nam là đại diện cuối cùng của tinh thần nông nghiệp, nhưng nay, sau thời kỳ nhuộm đỏ không biết lúc nào mới dứt, thì không biết điều đó có còn lấy lại được chăng; nhưng về Phật Giáo Hòa Hảo thì tôi tin là sẽ còn được, xét cả về môi sinh lẫn nền đạo lý.

Về môi sinh, thì đây là miền nông nghiệp trù phú nhất nước, với năng xuất gần gấp đôi các nơi (3 triệu tấn lúa cho 1.885.000 mẫu, so với suýt soát 17 triệu tấn cho 17.326.000 mẫu trong toàn quốc). Số dân là hai triệu ở khắp trong 15 tỉnh miền Hậu Giang. Đông nhất là Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong tức là khối lớn, lại thêm đông đặc và được tổ chức thành hàng ngũ rất chặt chẽ, thì dễ đủ sức đương đầu với mọi thử thách, dù cam go đến đâu. Nhất lại về đàng giáo lý thì đã đạt được nét đặc trưng cao nhất có thể. Trên đời mới thấy xảy ra ở đây là một:

Đường tu tiến của con người có thể chia làm ba giai đoạn lớn là Hữu Vi, Vô Vi, và An Vi.

Hữu Vi đi với Địa
Vô Vi đi với Thiên
An Vi đi với Nhân

Ở Địa, nhập thế chuyên về vật thể, thành tựu ở khoa học.
Ở Thiên là xuất thế chuyên về tâm linh, thành tựu ở Huyền niệm.
Ở Nhân là xử thế, chuyên về nhân luân, thành tựu ở Tứ hải một nhà.

Đó là nói về tu tiến chuyên biệt, còn thông thường thì đời sống con người phải gồm cả ba Thiên, Địa, Nhân ở trình độ phổ cập của lương tri. Đó là minh triết thông thường mà Hi Lạp gọi là Sophia. Trong đời sống thông thường thì phải có cả ba: đâu đâu cũng vậy; nhưng lên đến đợt Triết khi thiên, địa, nhân trở thành chuyên biệt thì hầu như không thông với nhau nữa, mà cho đến nay hầu như chưa có ai nhảy ra được khỏi phạm vi của mình, mà chỉ thành công trong địa hạt đó. Âu Tây thành đạt trong khoa học (duy địa) Ấn Độ trong huyền niệm. Cả hai không có thiên tài triết nào vượt qua địa vực mình, để vào đợt Nhân sinh xử thế, mặc dầu thiên tài thì đầy. Nhưng mọi thử thách để vượt sang địa hạt nhân đều thất bại kiểu nọ hoặc kiểu kia. Bước vào đời mới, chế độ nông nô bên Âu Châu có được phá vỡ, nhưng không do triết cho bằng do khoa học kỹ thuật.

Thử thách triết lý để giải phóng con người, rõ nhất bên Tây Âu là thuyết Karl Marx đã muốn cứu con người khỏi mọi bất công chênh lệch, bằng cách phá hết mọi ràng buộc tự do con người (nên đưa ra thuyết tam vô) để mọi người được sống trong tình huynh đệ… nhưng Cộng sản đã thất bại ê chề. Nói cho chính xác, thì chỉ có thành công phá đổ nhưng thất bại trong việc kiến thiết. Lý do là triết đó chưa ra khỏi cảnh vực của Âu Tây là địa: như hai chữ Cộng sản, Tư bản nói lên điều đó. Nói theo Nho, cả hai còn bì bõm trong cõi mạt, cõi ngành, chưa động đến cõi bốn gốc được chút nào hết.

Bên Ấn Độ cũng tương tự như vậy, thiên tài lớn nhứt hiện nay là Rajneesh cũng dốc lòng đi đến cái biết toàn trị, đi đến xã hội đại đồng phong lưu dư vật, và mặc dầu ông kính tôn Đức Thích Ca hết mình, nhưng không ngần ngại buộc tội cho Đức Như Lai cùng với Mahavir bên đạo Jaina và Krishna bên đạo Bà La Môn phải chịu hết trách nhiệm về sự vụ Ấn Độ suốt 25 thế kỷ qua phải triền miên nằm trong cảnh đói rét nô lệ, chậm tiến. Ông ước ao có được một xã hội no đủ dư thừa, không giai cấp, nên cũng chủ trương vô gia đình, vô quốc gia, vô tôn giáo (mặc dầu ông chống Cộng hết cỡ), nhưng không sao bước vào cõi nhân sinh được. Sự bất lực đó được biểu lộ trong câu tuyên bố: “Không ai có thể vừa là tôn giáo vừa là chính trị gia, ngay cả Gandhi cũng thế” (Tao: the pathless path 336). Và ông chống đối Khổng Tử hết lời vì đã coi chính trị là mối lớn nhứt trong đạo nhân sinh (nhân đạo dĩ chính vĩ đại), với Nho thì triết gia cao nhất phải là người có khả năng “an bang tế thế”… Còn Rajneesh khinh khi cực kỳ mọi chính trị gia, cho đó chỉ là những người hạng bét, nên ông không tiếc lời mạt sát hết thảy. Đó là dấu tỏ có một sự ngăn cách vô hình nào tự thiên địa đi sang nhân, mà từ xa xưa tới nay chưa ai bước qua được, kể cả Hoa Phật lẫn Việt Phật.

Phật giáo truyền vào Tàu dưới hình thức Vô Vi trọn vẹn được biểu lộ một cách chói chang bằng chín năm ngồi quay mặt vào tường của Bồ Đề Đạt Ma đến bại xuội chân, với việc Tổ Huệ Khả chặt cánh tay để xin được điểm đạo. Chẳng biết tay có bị chặt, chân có bị bại thật chăng, nhưng đó quả là những tiêu biểu nói lên tính cách vô-vi cùng cực là không hành, không tác, tức không dây mình vào chính trị. Đó là điều không thể sống trong đất nhân sinh bên Đông Bộ, nơi con người được định nghĩa là Tác Viên, tức bản tính con người là tác năng giữa trời cùng đất, và lý tưởng của bậc tiến cao nhất gọi thánh nhân phải là làm thế nào để cuộc sống nhân sinh được “dân giàu nước mạnh”, không những có đủ ăn mặc cho mọi người, mà còn phải biết sống an nhiên tự tại, tức cuộc sống phải có lễ nhạc (có nghệ thuật) và đến cùng cực thì còn có cả những phút xuất thần để phối thiên phối địa. Vì hai quan niệm khác nhau là thế, nên lịch sử Phật giáo bên Đông Bộ chính là một tiến trình thích nghi với cuộc sống nọ: từ bước nhỏ tới bước lớn. Bước đầu tiên là Tịnh Độ của nhà sư Huệ Viễn ở tại vất sách vở suy luận đi, để chỉ có niệm, chỉ một niệm A Di Đà Phật đã đủ vãng lai Tây phương cực lạc thế giới. Sau đó đến các bước Thiên thai với câu thời danh “lý sự vô ngại”. Rồi tới thuyết ngũ-thời của Hoa Nghiêm nhằm hòa hợp tiểu thừa vô vi với đại thừa, muốn bước vào hành động, chứ không chỉ có tĩnh tọa như bên Ấn Độ, nhưng đó mới là hành động bằng lý trí. Phải cho đến Tổ Huệ Năng mới đi thẳng vào hành động bằng hành thiền: hành thực sự như xay thóc, giã gạo, nhặt củi… đã là thiền, không cần sách vở với tĩnh tọa mới là thiền…

Tuy Tổ Huệ Năng đã làm một cuộc cách mạng rất lớn, nhưng cũng chưa đi vào đến đầu mối của cuộc nhân sinh, tức là chính trị, phải đợi đến hai nhà Lý, Trần bên Việt Nam ta mới gặp Trúc Lâm Thiền Sư tức là chính vua Trần Nhân Tôn thì Phật mới thực sự đi vào đời, khi hiểu đời là chính trị, là trị nước, bình thiên hạ, với thành quả chói chang rực rỡ. Tuy nhiên đó cũng chưa chắc hẳn đã là bước qua cửa triết, mà hầu chắc mới là lối lương tri. Vì vua phải làm thế là do vị của mình vốn gắn liền với trị nước, nên phải trị nước như một bổn phận, chứ không do một triết lý mọc lên từ nền tảng bảo phải làm chính trị, tức không do đạo lý của Phật. Vì nếu thế thì vua phải để lại một chữ đạo. Đây không thấy (hoặc có mà bị quân Minh lấy mất chăng?) tức là bước chính cốt có tánh cách cơ cấu chưa đi được. Tóm lại, sự nhập cuộc ở đợt lương tri, có cao hơn đợt xã hội từ thiện, nhưng chưa là chính trị.

Bước quyết liệt này mới xảy ra với Phật Giáo Hòa Hảo, là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, kể cả Phật giáo Tàu và Việt, nó đã xảy ra cách rõ ràng dứt khoát như được tuyên bố rõ rệt trong bốn chữ “tu nhân” và “tứ ân”. Trước hết là câu nói “học Phật tu Nhân”. Đó quả là bước từ Thiên tới Nhân rõ rệt. Nhưng đó mới là câu tuyên bố tiên thiên, có thể là do cao hứng. Phải xem kỹ hơn có hậu chăng. Thưa có. Đó là thuyết Tứ Ân:

1. Ân Tổ tiên Cha Mẹ
2. Ân Đất Nước
3. Ân Tam bảo
4. Ân Đồng bào Nhân loại

Như vậy là dù cả bốn bước Tu, Tề, Trị, Bình rồi. Quả là chính trị đẫy đà. Chính là nhân đạo đẫy tròn viên mãn gồm đủ:

Tu ở tu nhân
Tề ở ân tổ tiên cha mẹ
Trị ở ân đất nước
Bình ở ân đồng bào nhân loại

Đó là kiện chứng minh bạch dứt khoát. Kiện chứng thứ hai và rất đặc biệt, đó là bản thân Đức Huỳnh Giáo Chủ không là một tăng lữ mà chỉ là một cư sĩ tại gia, là một nhà ái quốc, một nhà đại cách mạng đã lập ra đảng Dân Xã, tức có chủ trương, có sách vở, có cơ cấu tổ chức đầy đủ, không thể nghĩ ngợi gì nữa. Đó quả là một thành tựu, cho tới đó chưa ai hiện thực nổi. Đó là bước từ đạo Phật bước vào đạo Nhân, tức từ Tài Thiên đi sang Tài Nhân.

Đến khi đi vào chi tiết càng thấy rõ cái bước sang qua xảy ra từ cơ cấu nền tảng, nên rất giống Việt Nho. Thí dụ: Việc nhấn mạnh cần phải học hành, không được tin mù quáng, dù ông thầy có đáng kính mấy cũng phải đưa óc thông minh ra để xét lời thầy trước đã, có nên tin hay chăng. Rất giống Nho đặt Trí lên đầu: Trí nhân dũng.

Về thờ tự, thì cắt hết mọi phiền toái. Không nhận thầy cúng, thầy tế, thầy bói, thầy phù thủy. Không cho đốt vàng mã. Thờ Phật thì không có tượng, mà chỉ có một tấm vải màu dà để tượng trưng sự hòa hợp nhân loại. Đã không chuông không mõ, không cho dâng cúng chè xôi, thực phẩm. Không cấm sát sinh, chỉ cấm sát sinh để tế. Không có cả chùa, chỉ có “độc giảng đường”, không phải để ở, mà chỉ để giảng đạo, giống như Văn Miếu bên Nho vậy…

Quả là một kết tinh của Tam giáo.

Phật thì đã bỏ tượng, bỏ chùa, chỉ còn tên, và giáo lý để đúng với câu “học Phật tu Nhân”. Thuyết là thuyết Phật, nhưng thực hiện thì lại là Nhân. Đúng ra thì cũng là thực hiện Phật, vì giữa Phật và Nho có rất nhiều mẫu số chung, như “tự lực tự cường”. Phật nói hãy thắp đèn mình mà đi thì Nho cũng nói “doãn chấp kỳ trung”; nền tảng như nhau, nhất là cả hai đều căn cứ trên Đạo Trống để bàn nơi khác.

Pháp thì sự nhận định tính cách vô thường của các pháp rất giúp vào việc tạo dựng nên tâm hồn xả bỏ, là điều quý vô cùng nơi nhà cai trị, để dễ có lòng thái công là chìa khóa cho sự thành công trong lãnh vực chính trị. Ngoài ra còn một số những điều rất khó có thể hiểu cho người thông thường, như là thuyết “thập nhị nhân duyên”, thì đề ra cho dân kính bái vậy thôi.

Tăng thì kể như không có. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là tại gia, không nhận sư ni, nhưng theo lối nhu thuận của Nho, là không chống đối, mà chỉ “kính nhi viễn chi”, sau khi dặn dò phòng bị những tăng sư giả mạo, như về việc ma chay giỗ chạp, thì dạy rằng: “giá trị ở chỗ tu tâm”, tự mình cầu nguyện, khỏi đi thuê khoán ai cầu cho…vvv…

Tóm lại, xét chung nội dung giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thì chính là đạo Nhân, nhưng bọc ngoài bằng danh Phật. Thế mà lại giữ được nét sùng mộ nhiệt tính của Phật giáo để đóng góp, nên có thể bù trừ cho đạo Nhân nơi Nho. Đạo Nho là một thứ đạo “ung dung tự tại” vì đạo nhân đã có đủ thiên địa nơi mình, khỏi cần phải bước đi đâu (vạn vật gia bị ư kỷ). Đó là chỗ cao cả nhưng cũng là chỗ yếu kém của Nho. Cao cả cho những tâm hồn có óc siêu lý cảm thấy được an nhiên tự tại: còn đối với đại chúng thì khó thấy được, nên cần có sự thúc đẩy mạnh hơn. Vậy về điểm này thì sau những thập niên tàn phá dữ dội của Cộng Sản, thì cái bầu khí lễ nghĩa liêm sỉ còn có thể lập lại chăng, mà thiếu môi sinh tinh thần nhân nghĩa, thì liệu Nho giáo có còn hiệu nghiệm được như xưa chăng. Cho nên về điểm này mà có được một sự bù trừ hỗ trợ như từ phía Phật Giáo Hòa Hảo thì rất tốt, nhất là khi sự hỗ trợ đó không có gì dị đoan hay quá đáng, mà sự thôi thúc thì rất đầy đủ. Trong bằng ấy tỉnh Hậu Giang, chưa biết có được vài văn miếu chăng, còn Phật Giáo Hòa Hảo có đến 390 độc giảng đường, phát thanh một cách có phương pháp. Kinh sách phát ra có tới cả triệu tập. Lại còn việc thờ cúng ông bà và Phật hàng ngày hàng bữa, khiến cho không khí đạo hành dâng cao, nhờ đó mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một điểm rất hiếm, là có một đảng chính trị có chủ đạo hẳn hoi: đó là Dân Xã Đảng.

Chữ Đảng ở đây không hẳn là đảng phái, chỉ tạm dùng cho hợp thời và đối với các đảng khác trong nước, chứ riêng trong đạo Hòa Hảo thì không là đảng phái, vì không có đảng nào khác. Đây chỉ là một “đảng” tức là một khối thuần nhất từ trên chí dưới như nhau, kiểu như một Hội nghị Diên Hồng liên tục. Đó không là một đảng, mà là tiếng nói của một chủ đạo, xưa nay chỉ có Nho, và đến nay mới thấy xuất hiện nơi Phật Giáo Hòa Hảo mà thôi. Cho nên trên kia tôi nói về Hòa Hảo, như bước nhảy cuối cùng từ đạo Phật xuất thế đi vào đạo nhân xử thế. Nhưng đến đây tôi nghĩ là có lẽ sẽ trung thực hơn khi coi Hòa Hảo là đợt mới nhất của Việt tộc tự nội phát xuất trong bầu khí tâm linh của Phật giáo, đối diện với Hán Nho là Việt Đạo phát xuất trong bầu khí du mục. Cả hai đều gốc Việt đến 70, 80%, tức Việt có chủ, còn Phật với du mục tây bắc là khách. Và như vậy thì không có bước nhảy qua nào cả. Tức ngoài Hòa Hảo và Nho thì cho đến nay, không có Chủ Đạo nào khác… mà chỉ có chủ thuyết, tức mới ở đợt ý hệ, chưa lên đến đợt tâm linh để thành chủ đạo. Chúng phát xuất, hoặc do triết học tất cả còn duy ý, hoặc do tôn giáo thì chỉ là tầm gửi. Đức Ki Tô đã nói “nước ta không thuộc trần gian”, nên giáo sĩ bị cấm làm chính trị, còn giáo dân thì có làm, nhưng chỉ là chính trị ở lương tri, ở đợt lợi hành, tiếng là Ki Tô, nhưng trong Ki Tô không có nền tảng chính trị.

Phật giáo cũng vậy, nền tảng là “sắc sắc không không” thì chính trị đặt nền vào đâu, nên nếu có đưa ra chủ thuyết chính trị cũng chỉ là lương tri, lợi hành, duy lý, tức là tiên thiên đã bất lực, chứng cớ là các xứ theo Phật giáo tiểu thặng vẫn nghèo kinh niên là vì vậy.

Tây Âu vì ở trong địa hạt hữu vi, lại nhờ có óc khoa học, mà nên giàu có, nhưng đó là phạm vi khoa học hơn là chính trị. Chính trị là tương quan sản xuất (phân chia tài sản quốc gia cho công bằng) thì chưa đưa ra được một đạo lý nào. Một số thành công chỉ là lẻ tẻ cầu an, không do triết, vì vậy không bao giờ đạt đại lộ lý tưởng. Nói chung các đảng chính trị làm hại hơn làm ích.

Hại lớn nhất là nửa phầm trăm nhân loại bị nô lệ do Đảng Cộng Sản.

Hại bị thiệt đến thân ta, là đảng Việt Cộng bán nước làm lính cho Nga.

Hại làm ta rất ái ngại, là lưỡng đảng của nước Mỹ từ sau thế chiến II đến nay, họ đã lần lượt đánh mất gần 40 nước tự do vào tay Cộng sản, thế mà chưa giựt mình, hãy còn đang tiếp tục đưa nước Mỹ vào đường suy thoái. Cái nhìn của họ tố cáo sự bất lực, đó là cái nhìn thiển cận một cách đáng sợ. Vì chưa có chu đáo, cả đến chủ thuyết cũng không, chỉ là lương tri lợi hành, hay nói thông thường là óc con buôn, thì làm sao thấy được toàn diện vấn đề. Muốn toàn diện phải có Chủ Đạo. Xin nhớ, muốn có Chủ Đạo thì phải có nền đạo lý có tính cách tâm linh, kéo theo sự tu luyện thân tâm toàn diện, gồm cả tu, tề, trị, bình, nhất là tu. Cái đó ngày nay không đâu có, mà chỉ là chủ thuyết do lương tri, quanh quẩn ở đợt thuyết với lý, ngoi lên đến cương lĩnh là hết. Trị nước thì đến hiến pháp là cùng. Tất cả loay hoay ở ngành ngọn trị, bình, chưa có cả tề, còn nói chi đến nền tảng là Tu. Tu toàn thân diện tâm trí, chớ không chỉ có tu lương tri, tu lý luận. Vì thế theo nghĩa ngặt thì Chủ Đạo mới thấy nói Việt Nho, và cho đến nay thì thấy nơi Phật Giáo Hòa Hảo.


Bạn sẽ vấn nạn lại rằng tại sao biết bao sự thành tựu lớn lao xảy ra hết nước nọ đến nước kia, thì sao? Thưa đó chỉ là do hậu thiên ở đợt lương tri, chưa cần chủ đạo. Nếu có tay “thiên tài” mà ngoài sự hiện thực có để lại được một chủ đạo, thì thành tựu mới trường tồn, mới đủ khả năng trải qua bao gian nguy, rồi vẫn chỗi dậy được như nước Tàu hay nước ta xưa. Còn nếu chỉ ở đợt lương tri, thì có là thiên tài đi nữa, thành tựu cũng chỉ kéo dài được ít thế hệ, mà không trường tồn được, vì chỉ là vá víu. Chính vì thế mà chưa một nền văn minh nào trường cửu kéo dài nhiều năm, ngoại trừ Việt Nho. Ngay như nước Mỹ, vì hoàn cảnh quá tốt, đất đai rộng lớn phì nhiêu, lại gặp được mấy Tổng thống cỡ Lincoln, và chưa có đối lập (Nga) nên đã lên cao cùng cực cả về tài lực, khoa học, kỹ thuật. Thế mà gặp đối địch, thì từ 40 năm nay, cứ trụt xuống dần dần, ta có cảm tưởng hai Đảng Dân Chủ, (nhất là Dân Chủ) và Đảng Cộng Hòa, thi nhau cắt từng miếng thịt của Mỹ quốc đưa đến hầu Nga, là tại chính do hai đảng cứ kình chống nhau, xem cái đắc thắng đảng kia làm quan trọng hơn sự ích quốc. Thế là một siêu cường mạnh như chưa bao giờ thấy, mà đến nay phải lo ngại trước một “kẻ thù” mới trước đây kém hơn mình vô kể.

Những suy luận trên đây giúp ta thấy cái thiên tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi bước từ Phật giáo đi sang tu Nhân. Đó quả là đợt mới của cây Việt mọc lên tự nội, vì Giáo Chủ không có học hành gì (học được hết tiểu học rồi cứ bệnh hoạn liên miên) mà đến 20 tuổi đột nhiên thông suốt đạo lý và bước qua nổi cái bước từ Thiên sang Nhân, một bước đã bao đời không ai bước qua được, thì đủ biết là thiên tài làm cho ta thêm lòng tin tưởng vào sinh lực lớn lao của nòi Việt, để ta mạnh dạn đặt vào tương lai cái nhìn tươi sáng.

KIM ĐỊNH

************************************************************
Người sáng lập Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo là Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1920) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Ðốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt Miên Nam Việt. 
Ngài là trưởng nam của Ðức Ông Huỳnh Công Bộ và Ðức Bà Lê Thị Nhậm. Một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và uy tín với nhân dân địa phương. 
Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ nhỏ đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.
Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn -Những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài đột nhiên tỏ ra đại ngộ. Ngày 18/5 năm Kỷ Mão, (1939) Ngài chính thức mở Ðạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư Ðông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh ngac. 

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo. 
Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca có giá trị siêu việt. 
Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp. 
Giáo Pháp của Ðức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Ðao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Ðạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Ðức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có. 
Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra. 

Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng lạ thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị lưu trú tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ). 
Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942. 

Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Ðông dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưởng bách đem Ngài về Saigòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vác việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình
« Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn 
Quan Ðế cư Tào bất đê Tào »
Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Ðồng minh. 
Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945, Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó,Ngài nói một lời tiên tri rất bình dị « Nhật bổn ăn không hết con gà ». Mà thiệt vậy ! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt. 
Năm 1945,« Vì lòng từ ái chứa chan, thương bá tánh đến hồi tai họa », nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Ðộc Lập Vận Ðộng Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà. 
Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Ðồng minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất ổn, Ðồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh ‘dịch chủ tái nô’, Ðức Huỳnh giáo Chủ liền hiệp với các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại xáp nhập vào mặt trận Việt minh mà chính Ðức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt. 
Sau sự thất sách của Hồ chí Minh với Hiệp ước mùng 6 tháng ba năm 1946, tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Ðức Huỳnh Giáo Chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. 
Mặt trận nầy được quần chúng nhiệt liệt hoan nghinh nên lại bị Việt minh giở ngón độc tài giải tán. Họ liền thành lập Liên Hiệp quốc dân Việt Nam Hội để che đậy màu sắc đỏ của đệ tam quốc tế và để làm cho quần chúng quên cái dĩ vãng đẫm máu của Cộng sản vào cuối năm 1945. 
Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia ủy ban hành chánh với trách vụ Ủy viên đặc biệt. 
Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng (21-9-l946), với chủ trương công bằng xã hội và dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Ðọc Tuyên ngôn, Chương trình của Ðảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường. 
Ðồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành Mặt Trận Thống Nhứt Toàn quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay. 
Bởi đường lối của Ngài trái ngược với chủ trương Cộng sản và bởi Giáo thuyết của Ngài có thể gây đổ vỡ cho chủ nghĩa vô thần, Cộng sản đã tìm mọi cách làm hại Ngài, nhưng họ đều không làm gì Ngài được. 
Ðầu năm 1947, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của Việt minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Ðức Huỳnh Giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẫn nộ của tín đồ PGHH và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 16-4-1947, Ủy ban Hành chánh Việt minh âm mưu ám hại Ngài tại Ðốc Vàng (vùng Ðồng Tháp). 
Từ đó không ai rõ tin tức chi về Ðức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt cộng có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài. 
Quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý và Cách Tu Hiền là một trong nhiều tác phẩm do chính tay Ngài viết hoặc Thuyết giảng, đã được tái bản trên nhiều trăm lần với ấn lượng trên triệu quyển bằng tiếng Việt Nam. Nó ngắn gọn nhưng đủ rõ những điều cần thiết trong nghi thức tu hành của nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Source: Phatgiaohoahaohaingoai.com

========================================================================

NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN (PGHH)

Đây là quyển thứ Sáu mà Đức Thầy đã viết hồi tháng 5 dương lịch (1945) tại Sài Gòn.

Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1/ Hạng xuất gia
2/ Hạng tại gia

° HẠNG XUẤT GIA: Gồm các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc. Hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành, giồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh thập phương nghe để qày đầu hướng thiện quy y Phật Pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng.

Đó là hạng dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi.

° HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non song tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ pượng thờ đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.

Đây là hạng người học Phật tu Nhân.

Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy.

Sách xưa có câu: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa.

Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: “Muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân, ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.

Ân Tổ Tiên cha mẹ
Ân Đất Nước
Ân Tam Bảo
Ân Đồng Bào và Nhơn Loại ( với kẻ xuất gia thì Ân Đàn Na Thí Chủ).

 ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoản bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc, nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên, nên khi biết ơn cha mẹ ta cũng có bổn phận biết ơn tổ tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm gì lẫm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hoà hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thoả mãn. Rán tu cầu cho cha mẹ hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đoạ trầm luân.

Còn đền ơn tổ tiên là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tong môn, nếu tổ tiên ta làm điều gì sai lầm gieo hoạ đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều nghĩa, rửa nhục tổ đường.

ÂN ĐẤT NƯỚC: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ. Sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta càm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng than ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức,nổ lực hy sinh cho xứ sở. Thản như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

ÂN TAM BẢO: Tam Bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng.
Con người nhờ tổ tiên, cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.

Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên, Ngài mới truyền lại giáo Pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư Tăng đặng đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế . Các chư Tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của đức Phật vậy. Bởi vì đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm vào sự nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền đạo  được phát triển them ra, xây dựng một toà lầu đài Đạo hạnh vô thượng vô song roi truyền mãi mãi với hậu thế. Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân, hầu làm cho trí huệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế, mới chẳng phụ công trình vĩ đại của đức Phật và của tiền nhân  để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI: Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở chung quanh và cái niên kỷ càng lớn them bao nhiêu, sự nhờ nhỏi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm củ họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm than, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng ta đồng hưởng với họ, hoạn nạn họ cùng chịu với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một. Ấy Quốc Gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.

Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giaang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào, ta còn có những người đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là Nhân loại,là những người đang sinh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có Nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên, dân tộc ta phải nhờ đến Nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

Vả lại, cái tình từ bi bác ái của đức Phật mà ta đdã nhận thức rất thâm huyền quảng hượt. Cái tình ấy nó không bến bờ , không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc , nó cũng không luận sang hèn va xoá bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một Nhân loại Chúng sanh.

Thế ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây  ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hoà, một tinh thần hỷ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Đối với những kẻ xuất gia quy y đầu Phật, phụ vào những ân huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực tiếp chịu ân của các Đàn Na Thí Chủ, nghĩa là những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn toàn của những kẻ tốt lòng.

Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng. Cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tầm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của Thiện tín.



Quan Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực
 Vị Thần duy nhất được thờ trong PGHH

Ông Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1859 tại Bình Định – miền Trung Việt Nam. Ông là một thủ lĩnh của Phong trào kháng Pháp vào nữa thế kỷ 19 tại miền Tây – Nam Việt Nam, xuất thân từ một Quản cơ của Tướng quân Nguyễn Tri Phương, ông đã chiêu mộ nông dân lập căn cứ kháng Pháp tại Rạch Giá, Phú Quốc…nay thuộc tỉnh Kiên Giang.
Trận đánh ngày 10/12/1861, ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp (ngay cạnh Vàm sông Nhựt Tảo), tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Chiến thắng Nhựt Tảo đã đi vào lịch sử Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các thi văn, cải lương và kịch nghệ tại miền Nam. Câu nói bất hủ trước khi bị Pháp tử hình (chém đầu): BAO GIỜ TÂY NHỔ HẾT CỎ NƯỚC NAM THÌ MỚI HẾT NGƯỜI NAM ĐÁNH TÂY”  đã đi vào lòng người dân Việt Nam mỗi khi tưởng nhớ về Ông.
Tại miền Tây Nam bộ đền thờ của Ông Nguyễn Trung Trực được lập từ Long An đến mũi Cà Mau sau khi Ông bị tử hình vào năm 1868. Các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo đều thờ chân dung Ông trong nhà. Nhân dân kính trọng, xem Ông là một vị Anh hùng, vua Tự Đức phong cho Ông là Thượng đẳng Thần linh. Bài cầu nguyện hàng ngày của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có xướng danh phong của Ông.
Hiện nay, đền thờ lớn nhất của Ông Nguyễn Trung Trực được xây dựng tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) từ năm 1970. Trong dân gian lưu truyền nhiều sự linh thiêng về Ông, người dân thề thốt không dám thề trước đền thờ của Ông vì rất linh ứng. “Sống vi Tướng, chết vi Thần”, Ông Nguyễn Trung Trực xứng đáng được nhân dân Việt Nam tôn thờ và nhớ mãi.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét