Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Lễ giỗ ông Ba Thới


Người dân đến tham dự lễ giỗ ông Ba Thới.
Vào những ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng tư âm lịch,  phủ thờ ông Ba Thới  tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hàng ngàn người dân từ các nơi đỗ về đây để tham dự lễ giỗ của tiền nhân.
Ông Ba Thới, tên thật Nguyễn Văn Thới sinh năm 1866 đời vua Tự Đức tại làng Mỹ Trà (Sa Đéc) nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Là tác giả Kim Cổ Kỳ Quan là tên chung của 9 bổn sách, nhưng Kim Cổ là một bổn chính.  Ông Ba Thới tướng người cao lớn, tánh tình cương trực,  thích kết giao bằng hữu và chu du trong thiên hạ.
Mùa đông  năm Bính Ngọ (1906),  ông Ba Thới tìm đến ông Trần Văn Nhu, là con trai của Quản cơ Trần Văn Thành, kết bạn thâm giao với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong thời gian này ông đã viết ba bổn sách Vân-Tiên, Thiện-Từ, Cổ-Vãng-Kim-Lai. Chính quyền Pháp rất lo sợ khi thấy ông Ba Thới kết giao với những người theo khuynh hướng chống Pháp nên tìm cách ngăn cản.

Ngày 21 tháng 2 năm Quý Sửu (1913), Pháp bao vây Bửu Hương Tự, nơi ông Ba Thới đang sống cùng với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Ba Thới chạy thoát tuy nhiên nhiều bạn hữu của ông bị Pháp bắt và cầm tù. Ông Ba Thới rất buồn khi thấy các bạn hữu sa vào tay giặc, ngày 24 tháng 2 âm lịch, ông tự sát. Người nhà đưa ông lên nhà thương Châu Đốc, ông cự tuyệt không chấp nhận sự điều trị của người Pháp. Thấy không thể chữa trị được vết thương của ông Ba Thới, nhà thương bỏ ông vào nhà xác, ông trốn ra ngoài và về sống tại làng Kiến An (Long Xuyên) vào năm 1914. Trong những ngày cuối đời, ông ký thác lòng mình vào những quyển:  Ngồi Buồn, Kiến Tiên, Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị Tứ Đại và Thừa Nhàn.
Ông Ba Thới mất vào ngày mùng 9 tháng 4 âm lịch (năm 1927), thọ 61 tuổi, ông đã để lại cho đời 09 văn phẩm kiệt tác có giá trị về đạo đức và văn chương. Ông là hiện thân cho một con người trung cang, nghĩa khí mang đậm đặc tính  của người dân Nam bộ vùng sông nước miền Tây.
Để tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính, vào ngày lễ giỗ ông Ba Thới năm nay (2014) có khoảng 3.000 người dân đã đến phủ thờ, thắp hương và cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Ôn lại những đóng góp của tiền nhân trong việc mở mang bờ cõi, nghe các bài văn, câu thơ của ông Ba Thới sáng tác lúc sinh thời. Đây cũng là nét văn hóa riêng biệt của miền Tây Nam bộ, nơi có nhiều phủ thờ các bậc tiền nhân đã có công khai phá đất nước.

Mai Dung

* Quản cơ Trần Văn Thành là một thủ lãnh nghĩa quân kháng  Pháp, đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Có giả thuyết lưu truyền Đức Phật Thầy Tây An là một  người con của vua Quang Trung, lánh nạn về miền Tây sau khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn truy nã khắp nơi.


Phủ thờ ông Ba Thới.

Dùng cơm chay tại lễ giỗ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét