Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Đê bao khép kín: mặt lợi đi kèm với mặt hại

Một năm 3 vụ lúa nhưng người nông dân vẫn chưa thể an nhàn.
Khi nhắc đến Việt Nam, thế giới đều biết là nước xuất khẩu gạo đứng hàng  thứ hai trên thế giới, với mức xuất khẩu năm 2013 xấp xỉ 4 triệu tấn gạo, chỉ sau Thái Lan 10 triệu tấn.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% cả nước với việc thực hiện chương trình lúa chất lượng cao 1 triệu ha, phần lớn các loại gạo xuất khẩu trong năm qua đều là loại gạo có phẩm cấp trung bình (15% tấm), giá trị thấp không thể so sánh được với gạo của Thái Lan.
Trước năm 1975, ĐBSCL làm lúa 1 vụ, 6 tháng. Để tăng năng suất, nhà nước Việt Nam đã cho đê bao khép kín để ngăn nước vào mùa lũ, một năm có thể sản xuất 3 vụ, mỗi vụ trung bình 3 tháng. Vụ Đông – Xuân từ tháng 11 –  tháng 2 âm lịch, Hè – Thu từ tháng 3 – tháng 6 âm lịch và  Thu – Đông từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, đôi lúc tùy thuộc vào thời tiết khí hậu, bắt đầu vụ mới cũng xê dịch ngày tháng.



 Nông dân đang gia cố đê bao.

Thoạt đầu chương trình đê bao cũng có đem lại hiệu quả vì giúp người nông dân tăng năng xuất và thu nhập, nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt, dần về sau người ta mới thấy được thật sự cái hại to lớn từ việc đê bao khép kín.
Một vấn đề mà người nông dân đều biết , lợi ích của nước lũ có tác dụng rửa phèn và mầm bệnh, cung cấp cho đất một lượng phù sa màu mỡ đó là một lợi thế  của Việt Nam nói chung  và ĐBSCL nói riêng.
Những năm gần đây, cái hại của đê bao khép kín ngày càng nhìn thấy rõ hơn, đất  cằn cỗi thêm sau mỗi vụ lúa, để khắc phục vấn đề này người dân chỉ còn cách tăng cường lượng phân bón, thuốc trừ sâu và các loại thuốc khác để duy trì năng suất của cây lúa, đồng nghĩa với việc đó càng khiến cho đất bị ô nhiễm các chất hóa học từ thuốc và phân bón.
Một điều cũng cần quan tâm, khi nhắc đến ĐBSCL mọi người đều biết là một vùng cá bạc tôm vàng do con nước của dòng sông Cửu Long (Mekong) mang lại.
“Bồng bồng con ngủ cho ngoan
Dưới sông cá lội, trên ngàn chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, tay này bắt chim”

Nhưng đó giờ chỉ còn là quá khứ, từ khi bao đê ngăn không cho nước vào đồng các loại cá, tôm không còn nơi để sinh sản và nguồn thức ăn bị hạn chế khiến cho chúng không thể sinh sôi phát triển. Ngày nay, sản lượng cá thiên nhiên ở ĐBSCL ngày càng ít, có những loại cá từng là thế mạnh của ĐBSCL mà khi nhắc đến tên ai  trong chúng ta cũng cảm thấy thích thú thưởng thức như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, cá chạch lấu, cá thác lác, cá bông lau… đặc biệt là loại cá linh làm mắm mà ai cũng biết, nhưng bây giờ đã trở nên khan hiếm và có những nơi đã không còn. Còn cá nuôi thì chất lượng không thể so sánh được với cá thiên nhiên.­­­­
Tăng năng suất cây lúa bằng cách tăng vụ chưa chắc đã đem lại sự phồn thịnh cho người dân, trúng mùa thì giá hạ, hạt gạo xuất khẩu qua nhiều tay (trung gian) thì lợi nhuận cho người nông dân ngày càng teo tóp. Đến thời điểm này thì nông dân đã đuối sức với lúa vụ 3 từ lỗ cho đến huề vốn nhưng không làm không được.
Những nơi có thể chuyển đổi, thì nông dân đã bỏ cây lúa chuyển sang trồng các loại hoa màu, có người thì lập vườn trồng cây lâu năm và điều đáng buồn hơn là có những nơi người dân phải bỏ đất một thời gian dài để giúp khôi phục lại đất, nhưng đó là phương án không mang lại kết quả cao, còn phun bùn vào ruộng thì quá tốn kém.
Nhiều nơi chính quyền địa phương cũng muốn xả đê đưa nước vào giúp khôi phục lại đất nhưng đã quá muộn vì nhiều người dân đã lập vườn, trồng các loại cây lâu năm, nếu xả lũ thì sẽ gây lụt và phá hủy những vườn cây.
Nông  dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mong muốn có một phương án để giúp họ vượt qua cảnh tiến thoái lưỡng nan, nâng cao đời sống để họ còn bám ruộng, bám vườn.
Thanh An Lê




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét