Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Thư của Tín đồ PGHH gởi cho Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tây nam bộ, ngày 08/11/2016

Kính gởi: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội CHXHCN Việt Nam

Trích yếu: Đóng góp ý kiến với bản Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (1.9.2016)


Thưa Bà,

Chúng tôi, khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, xin gởi đến Bà và Quốc hội một số ý

kiến về bản Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (1.9.2016).


Những ý kiến này được đúc kết trong bản “Tuyên bố của các tín đồ Phật giáo Hòa

Hảo về Dự thảo luật Tín ngưỡng, Tôn giáo” viết ngày 25/10/2016 và đã được 109

tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đồng ý ký tên. Chúng tôi đính kèm trong thư bản tuyên

bố này cùng danh sách chữ ký.


Kính mong bà và quốc hội hoan hỉ xem xét lại Dự thảo luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

để tín đồ PGHH chúng tôi và các tôn giáo khác ở Việt Nam được sống và hành đạo

đúng tinh thần tự do tôn giáo của Hiến pháp 2013.


Trân trọng cám ơn Bà và quốc hội.


TM. Khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

Nguyễn Văn Lía.



Tuyên bố của khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo
về Dự thảo luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Chúng tôi, khối tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) không chấp nhận tham gia vào tổ chức PGHH nhà nước. Vì muốn  tu tập theo đúng lời dạy của Đức Huỳnh Giáo chủ. Tuy không được nhà nước mời tham gia đóng góp ý kiến cho các Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (Dự thảo 01.9.2016) nhưng chúng tôi thấy cần lên tiếng về quan điểm quản lý nhà nước chật hẹp trong vấn đề tôn giáo để khẳng định sự hiện hữu của chúng tôi trên đất nước Việt Nam. Trong quá khứ và hiện tại chúng tôi là nạn nhân của các pháp lệnh, nghị định và chỉ thị trong lãnh vực tín ngưỡng và tôn giáo, khiến cho chúng tôi không thực hiện được quyền tự do tôn giáo của mình.

Dự thảo 01.9.2016 hiện nay không đáp ứng các nhu cầu về tự do tôn giáo của PGHH. Được sáng lập vào năm 1939, PGHH theo quan niệm “học Phật tu nhân” để giúp cho tín đồ tu tại gia biết con đường giải thoát. Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy rằng tư gia là nơi để tín đồ tự tu học và khuyến khích tín đồ tu tập. Trong hoàn cảnh, hầu hết các cơ sở tôn giáo bị nhà nước chiếm dụng sau năm 1975 và được giao một số rt ít cho Ban trị sự Giáo hội PGHH (nhà nước) sử dụng. Tư gia là nơi duy nhất còn lại để cho tín đồ PGHH nằm ngoài giáo hội  thực hiện quyền tự do thờ phượng, thực hành, tuân thủ giáo lý/giáo luật và truyền đạo/giảng đạo chiếu theo Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia. 

Nếu hiểu theo định nghĩa của Dự thảo 01.9.2016 thì tư gia của chúng tôi vừa là cơ sở tôn giáo và vừa là cơ sở tín ngưỡng, vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, vừa là nơi hoạt động tôn giáo của chúng tôi. Việc phân biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng, phân biệt giữa cơ sở tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng, phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo và phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng theo dự luật này không phù hợp với đạo PGHH của chúng tôi và sẽ khiến cho các sinh hoạt tôn giáo tại gia của chúng tôi phải chịu nhiều tầng áp bức.

Chúng tôi cần các quyền tự do tôn giáo sau đây mà Pháp Lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo 2004 và Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 01.9.2016 không đáp ứng được:

1.  Quyền tự do có tôn giáo tự chọn
Đây là quyền bất khả xâm phạm và bao gồm cả quyền không tham gia vào các Ban trị sự Giáo hội PGHH (quốc doanh) dù là ở trung ương hay địa phương.
2.  Quyền thành lập giáo hội
Mọi hành vi bắt buộc tín đồ PGHH phải đăng ký với Ban trị sự Giáo hội PGHH (quốc doanh) để được phép sinh hoạt và hoạt động tôn giáo là vi phạm vào quyền tự do có tôn giáo tự chọn của chúng tôi. Quyền này bao gồm quyền tự do thành lập giáo hội hay tổ chức tôn giáo riêng. Việc hình thành tổ chức tôn giáo không cần phải đăng ký nếu tổ chức tôn giáo không cần có tư cách pháp nhân để hoạt động.
3.    Quyền tự do tổ chức các buổi lễ tôn giáo và treo đạo kỳ
Vì theo triết lý lấy nhà làm chùa nên ngoài 3 ngày Đại lễ : Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn  (25/2 âm lịch), ngày Khai sáng đạo PGHH(18/5 âm lịch), ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ (25/11 âm lịch), tín đồ PGHH còn thường xuyên tổ chức các ngày kỵ giỗ tại tư gia với sự tham dự của hàng trăm, hàng ngàn đồng đạo từ các nơi khác đến tham dự.
4.    Quyền tự do tập trung cầu nguyện, truyền bá giáo lý tại tư gia, đạo tràng và các cơ sở thờ phượng khác
Tín đồ PGHH đã kết hợp sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo thành sinh hoạt tôn giáo một cách hài hòa từ khi thành lập đạo cho đến nay.  Mỗi buổi lễ nghi được tổ chức tại tư gia hay chùa PGHH là một cơ hội để các bậc Niên trưởng truyền bá giáo lý PGHH, có thuyết trình và giải đáp giáo lý cho tín đồ PGHH hoặc người đang tìm hiểu về đạo.
5.    Quyền xây dựng mới hoặc phục hồi các chùa, độc giảng đường,  hội quán, đạo tràng
Ngoài tư gia tín đồ PGHH cần có quyền xây dựng mới hoặc phục hồi các chùa, độc giảng đường,  hội quán, đạo tràng để phục vụ cho việc truyền bá đạo, sinh hoạt tôn giáo.
6.    Quyền tự do suy cử, bổ nhiệm, bầu cử chức sắc tôn giáo
Việc suy cử, bổ nhiệm, bầu cử chức sắc tôn giáo là công việc hoàn toàn nội bộ của tôn giáo và không cần được sự cho phép của nhà nước. Khi có nhu cầu giao dịch với các cơ quan công quyền, PGHH sẽ thông báo người đại diện.
7.    Quyền tự do in ấn, phát hành Thi văn Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, kinh sách các tác phẩm tôn giáo, …
 Hiện nay có một số ấn bản Thi văn Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ bị cắt xén cho nên tín đồ PGHH cần in ấn, phát hành Thi văn Sấm giảng, kinh sách các tác phẩm tôn giáo.
8.    Quyền tự do làm công tác xã hội và từ thiện
PGHH có truyền thống lthực hiện công tác xã hội và từ thiện qua việc thành lập các phòng thuốc Nam, khám và điều trị bệnh theo phương pháp dân gian cổ truyền.
9.    Quyền tự do tôn giáo trong trại giam
Tù nhân là tín đồ PGHH có quyền sinh hoạt tôn giáo trong nhà tù.

                                                                        Việt Nam, ngày 25 tháng 10 năm 2016.

* Đính kèm 109 tín đồ PGHH ký tên (đợt 1) đồng ý nội dung của Bản tuyên bố  đã được gởi đến Chủ tịch Quốc hội - Bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

* Đợt 2 có 81 tín đồ PGHH ký tên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét