Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

CHÙA THỚI SƠN

Cảnh sân chùa Thới Sơn,xã Thới sơn,huyện Tịnh Biên,tỉnh An Giang

Rời Giồng Cát, theo chương trình thì đoàn đi thẳng về Ông Thẻ số 3 tại chùa Bồng Lai nằm cập bên kia sông kinh Vĩnh Tế cách thị xã Châu Đốc khoảng mười cây số về hướng tây nam. Nhưng qua tuyến đường dài mà trời cuối thu sao lại quá nắng nóng, áp suất đã làm một số tay lái bị ngủ gục, loạn hoạn trên đường đến phải ngừng xe mà kêu hú hồn hú vía. Trưởng đoàn Phùng văn Chói sợ sự rủi ro làm mất hứng chuyến tham quan, kêu chận hết các chiếc xe trong đoàn vào một quán nước có nhiều võng. Uống nước nằm câu giờ cho con buồn ngủ nó sức ra, tỉnh hẳn mới đi tiếp. Uống một tiệc nước nhẹ mà thời gian rút ngắn hơn tiếng đồng hồ trong khi đường dài thì vẫn dài. Phối kiểm tuyến đường và thời giờ còn lại trong ngày là quá ốm, nếu có đến nghỉ đêm ở chùa Bồng Lai, các xe phải tăng nhanh tốc độ mới kịp trước khi trời tối. Điều nầy thật sự là hơi khó, mười ba chiếc xe lẽ đâu lại không có một vài chiếc không có khả năng chạy nhanh. Hơn nữa, nếu cho xe tăng nhanh tốc độ thì tính an toàn không cao:

1, Vượt ngoài giới hạn kiểm sát, tay lái có thể dẫn đến điều không may, bên cạnh đó thì công an giao thông sẽ không tha cho những tay lái vượt quá tốc độ cho phép.

2, Có một số tay lái mang bệnh chứng chạy chậm, ai gấp gáp cỡ nào thì xe của họ cũng đi từ ba mươi đến bốn mươi cây số là cùng.


Đoàn sẽ bị đứt khúc nếu có kẻ nhanh người chậm. Đi chung mà bị đứt khúc, chờ đợi, lo lắng, đâu có vui, trong khi du lịch là đi chơi vui mà. Suy nghĩ như thế, tôi chưa kịp nói thì trong đoàn đã có người đề nghị xin dời điểm nghỉ đêm thay vì Chùa Bồng Lai là Chùa Thới Sơn cho gần trước khi trời tối. Mới đầu chỉ một người ý kiến sau đó có thêm sự ủng hộ và tôi cũng bắt đầu nhập vai “Dám Đốc”: Đúng đấy, thưa quý vị! Tôi không quên hành trình của chúng ta là đi hành hương chiêm bái bốn Ông Thẻ, chùa Thới Sơn không có  tên trong danh sách bốn Ông Thẻ nhưng là cái nơi phát sinh tôn giáo lớn mạnh và cũng là nơi sản sinh ra bốn Ông Thẻ. Vùng chùa Thới Sơn, Xưa Đức Phật Thầy Tây An khai hoang lập cứ, là trung tâm học đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương, mười hai Ông đạo “Thập Nhị Hiền Thủ” cũng đã tốt nghiệp và thọ trì sự giáo huấn của trường đạo nầy. Viếng bốn Ông Thẻ mà quên viếng chùa Thới Sơn quả là sự thiếu sót lớn.

Đoàn đến chùa Thới Sơn, may mắn nhà chùa đã có cơm sẵn, không tốn chút thời giờ nào cho việc nấu ăn, thế mà dùng cơm xong thời gian chỉ còn đủ để chúng tôi đi tắm nữa là hết ngày.

Đồng đạo dùng cơm chiều trong chùa

Công phu chiều xong chúng tôi đi dạo quanh chút chút. Trước sân dãy nhà khách có nhiều cái bàn đá kê liền dài ra, hai bên ghế ngồi là những băng đá, vài người ngồi xuống đó, cô Hai trưởng bên dãy nhà khách đã đem ủng hộ làm vui cho chúng tôi bằng hai bình trà nước và bánh tây. Được sự ưu ái của phía nhà chùa, chúng tôi từ từ gom lại. Trong đoàn có anh Ba Nghi đưa lên ý kiến:

Kính thưa chư quý đồng đạo! Đi cùng chuyến tham quan nầy may mắn có hai vị Ông Lê Minh Triết và Ông Trần Bá Đức có sở trường chuyên tu học, nhìn qua thì thấy nam nữ trong đoàn của chúng ta cũng ra ngồi đây hết để hứng sương đêm và dùng trà bánh, dịp may nầy tôi đề nghị chúng ta nên có câu nghi vấn nào trong đời sống tu hành hoặc chưa thông một đoạn câu nào trong Sám Giảng Thi văn Giáo Lý mà mình quan trọng để hỏi hai vị có chuyên môn ấy. Quý đồng đạo có đồng ý không?

Sau lời đề nghị lại là một câu hỏi có tính bắt buộc, vì đâu ai dám nói là không đồng ý. Khoảng phân nửa số người giơ tay đồng ý và một số khác thì lại vổ tay. Lời giới thiệu vừa dứt có một câu nghi vấn tới liền, xin hỏi qua ý nghĩa hai câu giảng của Đức Thầy “ Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý, coi tại sao ta phải tu hành”.

Tôi đề nghị đồng đạo Trần Bá Đức diễn giảng đề tài nầy nhưng  Đức chắc đã học câu “Kiến lão Đắc Thọ” kính tôi là người lớn tuổi, đưa câu nghi vấn lại tôi. Vì thế tôi không còn có lý do để từ chối

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật               

Kính thưa chư quý đồng đạo! Qua câu nghi vấn trên, xuất xứ được trích từ Sám Giảng quyển tư “Giác Mê Tâm Kệ” của Đức Thầy
Nhìn Phật Giáo những từ ngữ nầy thuộc về sự tướng, bên ngoài, tỏ rỏ, “ Tìm Cái Lý”là bên trong của sự tượng ấy:

1. Trước Đức Thích ca Mâu Ni tu hành đắc đạo, cõi trần gian chưa có đạo Phật, Bấy giờ bên nước Ấn Độ có một thái tử tên Sĩ Đạt Ta, con của Vua Tịnh Phạn, nhân vì đi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh già, bệnh, chết, thật là khổ được đặt lên kiếp người. Về lại hoàng cung, theo như Đức Thầy diễn tả “ về đền đài cảm xúc buồn riêng, hằng để trí tầm phương giải thoát”. Dòng đời là cặp thăng trầm chìm nổi, hễ có khổ thì phải cách để diệt khổ. Đức Thầy kể lại sự kiện Sĩ Đạt Ta đi tầm đường diệt khổ bằng “ thừa đêm khuya lén trốn vào rừng” và nhấn mạnh nguyên nhân của sự tìm đường diệt khổ bằng những câu:

“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ.
Bệnh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài Tầm đao.”

2. Khi Sĩ Đạt ta tìm ra phương pháp “diệt khổ”, nhà Phật gọi là Đắc Đạo, hiệu Thích Ca Mâu Ni, trụ trong tứ tướng Niết Bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” mà tự tánh không sự. Chợt nhận một điều, cái mà Ngài đang có thì tất cả chúng sanh đều có. “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”(tất cả chúng sanh đều có tánh Phật) và “Ta là Phật Đã Thành, các người là Phật sẽ thành”. Trong tu niệm để thành Phật không phải là Phật của một Đức Phật khác đem cho mà là Ông Phật của chính mình khi không còn vô minh nữa, vì thế sự nhắc nhở của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

3. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tùy duyên thuyết pháp, bốn mươi chín năm trụ thế độ sanh chung quy thành hai phương hướng tự lực và tha lực:

1/ Tự lực: là tự tu tẩy xóa hết các bống đen vô minh thì Phật hiện giống như lu nước lóng trong những đồ vật trong lu nước sẽ phản diện. Sĩ Đạt ta ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề lắng lòng mà đắc đạo. Tại tòa thuyết pháp Linh Thứu Sơn, Đức Thích Ca Mâu Ni được Trời Đế Thích đến tặng một hoa sen, Phật Ngài cầm hoa sen đưa trước chúng hội mà không hề nói cầu nào thế nhưng Ông Ma ha Ca Diếp đã ngộ ý chỉ của Đức Phật, mỉm cười, Đức Phật thốt lời khen: “hay thay cho Ca Diếp, Như lai có Chánh Pháp nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm, nay phó truyền cho Ông đó.

2/ Tha Lực. Sợ duyên nợ thiền môn của chúng sanh yếu kém, cần có sự nương tựa để tiến tu với đầy lòng tin tưởng, Đức Phật đưa ra pháp môn cầu tha lực, giới thiệu cảnh giưới Tây Phương có cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật ấy nguyện rằng, nếu có một chúng sanh nào niệm danh hiệu của ta, cầu vãng sanh qua thế giới của ta, trì danh niệm đến“nhất tâm bất loạn” ngay giờ phút lâm chung nếu ta không cứu chúng sanh đó vãng sanh Cực Lạc ta thề không ở ngôi chánh giác.

Câu kế,“Coi tại sao ta phải tu hành?”là kết quả của khi ta “Tìm cái lý”. Nói một cách dễ hiểu, chính vì đào sâu ý nghĩa của đạo Phật là đạo diệt khổ, đó là lý do để người ta hướng về đạo Phật tu hành.

Tóm kết đề thuyết, chúng sanh dù là hùng mạnh uy quyền đến đâu thì tấm thân cũng vướng lấy bốn cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Đạo Phật có phương pháp diệt khổ mà từ Sĩ Đạt Ta xưa kia đã thành Phật Thích Ca là một sự kiện điển hình, và điều nầy không chỉ mình Đức Phật, các loài chúng sanh đều có khả năng đó. Để chứng minh cụ thể, sau khi Đức Thích ca Đắc Đạo Ngài vì nhân duyên thuyết pháp độ chúng, kết quả Ngài có được Thập Đại Đệ Tử tu chứng, năm trăm vị tỳ kheo đương thời, hết bốn trăm chín mươi chín vị tu chứng quả A La Hán, qua hệ thống truyền thừa tông môn có 33 vị tổ, 28  vị ở Ấn Độ, 5 vị ở Trung Quốc, Huệ Năng đứng thứ cuối số 33. Từ đó sức ảnh hưởng của đạo Phật được truyền đi nhiều nước với vô số người đắc đạo, Việt Nam là một trong những số quốc gia đó.
Xong đề tài, tôi muốn trở lại tiết mục ban đầu, sự kiện Sĩ Đạt Ta lén đi tìm đạo diệt khổ, Đức Thầy cho ta sự hiểu biết bằng theo đuổi câu chuyện có vẻ lý thú ấy. Sự kiện Sĩ Đạt Ta đi dạo cửa thành thứ 3:

“Lần thứ ba xe lìa khỏi trạm,
Được trông nhìn kẻ chết đang khiêng.
Về đền đài cảm xúc buồn riêng,
Hằng để trí tầm phương giải thoát”.

Từ lúc gặp người già “tay nương gậy chống” lần thứ nhứt, đến “thấy kẻ ốm đau”lần thứ hai, coi như là giai đoạn phát sinh ý thức về tấm thân bởi tứ đại hợp thành, nó vốn là giả thân và ta bất lực hoàn toàn qua sự mong muốn không già chết, nhưng chưa tính làm gì, chờ đến lúc “được trông nhìn kẻ chết đang khiêng” lần thứ ba, mới quyết định “hằng để trí tầm phương giải thoát”. Kính thưa quý vị! Nếu như sự xuất gia của Sĩ Đạt Ta là do chính cái nguyên nhân “được trông nhìn kẻ chết đang khiêng”xét lại điều nầy ta có diễm phúc hơn Ông thái tử kia nhiều. Vì suốt tháng quanh năm Ông bị sống trong hoàng cung, may mắn chỉ một lần thấy người ta chết khiêng đi chôn là ớn ốc. Chúng ta thấy cảnh chết chóc có biết hằng chục hằng trăm lần nào rồi mà cứ cười ha hả tối ngày chứ có “cảm xức buồn riêng” để mà “hằng để trí tầm phương giải thoát”đâu?

Lê Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét