Chúng tôi dừng xe trước đường, qua sân trống, nhìn vào nhà có khoảng hơn mươi người khách đến thăm. Tôi vào nhà chào hỏi, ngồi một chút thôi thì kẻ đến người về, tiếng chào hỏi, tiếng nói cười rộn rịp.
Dung đi tù suốt mười năm, tôi theo dõi tinh thần và sức khỏe của Dung qua sự hỏi han những thân nhân đi thăm gặp. Biết Dung bệnh tật và gầy gò, án phạt 11 năm sợ chưa ở được một phần ba mức án thì bệnh khẳm không chữa nỗi. Theo những thông tin đó, nhiều người quen thân đã không tin Dung có thể sống sót trở về sau khi thi hành xong mức án.
Gia đình đưa Dung đi khám bệnh tại bệnh viện
Tôi nói với Dung:
Đón chào sự trở về của cháu thì niềm tin đối với chú là tuyệt đối, cho dù chú được Bửu báo bệnh của cháu sau mỗi đợt thăm nuôi về. Nhưng chú thật không thể tin gặp cháu về với cái vẻ bề ngoài thịt thà đầy đặng thế nầy, chú tưởng cháu ốm còm nhìn không ra.
Dung đáp lời:
Cháu tin tưởng Trời Phật giúp cháu, có một sức khỏe bề ngoài để cháu về lại với gia đình với bà con cô bác xóm chòm và với chư đồng đạo thân thương đã ủng hộ cháu, thấy cháu mà người ta không ghê sợ, chứ như bốn tháng về trước cháu bị oằn oại với nhiều cơn bệnh hành hạ, gầy còm, có 38 ký lô thôi, nhìn cháu mấy ai không mủi lòng rơi lệ, tội nghiệp lắm.
Dung kể tiếp:
Cháu bị bắt, gặp hai mũi nhọn tấn công gớm ghiết, tưởng đã chết nhưng rồi mọi chuyện khó khăn đi qua, cháu được về đoàn tụ gia đình.
Hai mũi nhọn tấn công là gì?
1. Công an tỉnh An Giang qua điều tra không vội vàng và gây gổ, kết thúc hồ sơ chung vụ với chồng cháu và những anh em khác, tòa tuyên án 5 năm tù giam. Tính vậy thì thôi lo mà gở lịch mỗi ngày. Ngờ đâu, họ giải cháu về tỉnh Vĩnh Long để lập hồ sơ điều tra thêm một vụ án khác mà họ tình nghi. Công an tỉnh Vĩnh Long bắt tay vào việc rụp rụp điều tra làm cướp tinh thần. Sáng 6 giờ là tên quản ngục mở cửa kêu cháu đi làm việc, ngày nào cũng như ngày nào, hai buổi đều phải đi cho họ điều tra, chủ nhật cũng kêu đi, thậm chí ngày 30 tháng 4 năm 2006 họ vẫn đến gọi cháu. Sau đó cháu bị đưa qua tay ông Châu Văn Trạng, đại tá trưởng phòng cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long, gặp cháu mấy lần đầu Ông ta ra vẻ hậm hực, nạc nộ, biểu lộ sự khó chịu, hâm dọa kêu khai mau. Nhưng cháu không sợ và trả lời rằng: Sự thật của tôi là đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo cho Phật Giáo Hòa Hảo, đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng là PGHH phải được tự do hoạt động, từ ứng cử, bầu cử không có sự ràng buộc, hay sự sắp đặt của phía nhà nước, tuyệt đối không được đưa đảng viên đảng cộng sản vào giữ những chức vụ đầu tàu trong giáo hội.
Ông Trạng cắt ngang: ở đây không phải chỗ để bị cáo giải trình về tự do tôn giáo mà là trả lời sự thật của tội lỗi qua điều tra.
Cháu đáp trả: sao mất công nhiều vậy! Tôi nói lắm lần rồi là tôi không có tội.
Hôm khác ông Châu văn Trạng đến làm việc cháu, không với tính cách nạc nộ còn đổi mới cách xưng hô.
Thương em tuổi còn trẻ, bị kẻ khác xúi dục phạm tội. Nếu em khai ra sự thật anh hứa giúp cho em nhẹ tội, lãnh mức án gọi là, không lâu sau cũng sẽ về. Nhưng nếu em cố tình che giấu sự thật về việc phạm tội của mình và kẻ chủ mưu thì một là em chết trong tù, hai là, nếu có được về, chừng về sẽ là một bà già chống gậy. Anh cho em vài hôm để suy nghĩ và chúng ta sẽ gặp lại hy vọng em sẽ giác ngộ bỏ tối ra sáng để có sự khoan hồng của nhà nước cho sớm về đoàn tụ gia đình.
Đúng là ông Châu văn Trạng vài hôm sau trở lại hỏi cháu có giác ngộ và sẵn sàng khai báo sự thật chưa. Cháu đáp:
Đừng để mất công và mất thời giờ vô ích về việc điều tra thêm.
Ông Trạng nóng lửa, buông một câu dọa tột cùng: Như vậy chỉ có Trời cứu em thôi!
Hết ông Châu Văn Trạng làm phiền, cháu còn bị thêm một người nữa. Ông ta đến từ Hà Nội, tên là Lê Công Minh, phó giáo sư tiến sĩ ở ban tuyên giáo trung ương, Ông ta cứ luôn miệng nói rằng cháu bị người khác mua chuộc, gạt gẩm cho làm điều phạm tội. Hãy tỉnh ngộ mà khai thật ra, đó là cách hay nhất còn kịp, đừng để kẻ xấu xúi dục gây tội sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Cháu nói:
Ông coi tôi là con nít chắc! đã gần 40 tuổi rồi đó. Tôi sống có trách nhiệm bản thân và bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo và Thầy Tổ. Uổng công ông từ Hà Nội vào đây nói chuyện nầy.
Sau buổi làm việc khuyên, ông Lê Công Minh bay về Hà Nội, lúc xuống sân bay ông còn gọi về trại giam Vĩnh Long nhờ đưa điện cho cháu nghe. Ông nói ông rất buồn vì biết cháu bị người ta lợi dụng, làm việc phạm pháp mà cháu cố tình che dấu tội phạm đứng sau lưng. Thấy cháu con đường sống khó khăn, ông từ Hà Nội vào mở cho cháu con đường để thoát nhưng cháu từ chối…
2. Mũi nhọn thứ hai là bệnh trạng trong người cháu. Từ nhà giam công an tỉnh Vĩnh Long đưa cháu ra trại tù Hàm Tân (K4 – trại giam Xuân Lộc), bệnh mỗi lúc tăng không giảm. Cháu nghe đau nhức, khó thở, không nằm được xuống giường phải lấy vì đó làm gối, đặt gối vào tường kê lưng lên mà dựa.
Cháu xin đi nằm viện trị bệnh, ban giám thị nhà giam không chấp nhận yêu cầu của cháu và họ buộc cháu ký nhận tội rồi mới cho đi khám bệnh. Cháu phản đối việc ép nhận tội bằng tuyệt thực gây xôn xao cho hội đồng cán bộ và các tù nhân, hơn nữa, anh Bửu ra tù trước, đủ tư cách đi thăm gặp cháu, cho dù qua thủ tục khó khăn của cục quản lý trại giam cũng không thể hành xử khắc khe việc chồng đi thăm vợ. Mỗi lần anh Bửu đến thăm nuôi cháu đều đem chuyện đối xử hà khắc của trại giam và bệnh trạng của cháu càng lúc trầm trọng mà ban giám thị không chuyển đi bệnh viện. Anh Bửu mang tin về nhà, đưa tin lên các tổ chức hoạt động cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo, lên hệ thống internet cho nhiều người biết và theo dõi. Thấy vậy họ chuyển cháu ra nhà tù Thanh Xuân Hà Nội, tính là cắt đứt sự liên lạc của anh Bửu và cháu.
Dung và Bửu ngồi chờ đến lượt khám bệnh
Yêu cầu cho đi trị bệnh nhưng họ lại hành động như trả thù, chuyển cháu đi giam xa, thăm nuôi phải tốn nhiều tiền và vất vả, sẽ bỏ cuộc.
Chuyển tù ra Hà Nội cháu có lo sợ lắm không?
Lo sợ là có. Dầu sống trong đau đớn nhưng cháu tin tưởng ở Đức Phật, Đức Thầy sẽ không để cháu chết trong tù.
Cháu tin tưởng vậy sao?
Dạ, Nhờ lòng tin tưởng mà một hôm cháu nằm chiêm bao thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân trên cao rồi từ từ hạ xuống cận bên cháu. Ngài cầm cái Tịnh bình trút hết nước vào bát của cháu, đầy bát rồi mà còn dư ra, nghiêng đổ phần dư xuống đất và nói: công của con nhiều như vậy, đừng lo sợ, không sao đâu. Cháu giật mình thức giấc, nghe trong người dễ chịu, và không khí hít thở như có mùi thơm nhẹ. Cháu thật là tốt phước!
Từ đó cháu thường xuyên tịnh tọa và còn ghi nhận ngày nào không tịnh tọa hoặc tịnh tọa ít, bệnh tấn công trong người, có tịnh tọa và tịnh tọa được lâu thì trong ngày vui và khỏe.
Nay được thả tù về nhà, cháu có nên cảm ơn đại tá Châu văn Trạng không?
Sao thế! Sao lại phải cám ơn ông ấy?
Vì là vô thần nhưng ông ta biết trước hơn cháu về hữu thần. Chẳng phải ông ta đã nói chỉ có Trời mới cứu cháu nổi đó sao?
Nhưng chú ơi, ông ta hăm dọa cháu đó.
Hăm dọa mà được gì chứ! chẳng phải Trời cứu cháu thật sự rồi sao?
Dạ.
Đến thăm Dung và nghe Dung kể chuyện tôi có cảm giác rang rang trong đầu, nhớ lời Đức Thầy dạy:
“ Người làm phải như tầm trong kén
Có muôn tơ bao bọc tấm thân”
Và câu:
“Ai mà tu tỉnh chuyên cần
Làm đường ngay thẳng có thần độ cho”
Dung và các đồng đạo đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo khi tôn giáo bị chà đạp, mất quyền tự do tôn giáo. Đòi hỏi quyền tự do tôn giáo là đi trên con “đường ngay thẳng”, có sự cứu độ của các đấng thiêng liêng là tất nhiên. Nhiều người không biết tưởng tu mà đòi hỏi là quá đáng. Đòi hỏi cho cá nhân hay những vì không thuộc về mình, không phải của mình, có thể cho đó là quá đáng cũng được. Đàng nầy tôn giáo là của mình, các cơ sở tôn giáo là của toàn thể tín đồ thì toàn thể tín đồ có quyền đòi hỏi tìm lại những điều, những của, đã bị người khác lấy mất, là “làm đường ngay thẳng”, đúng chứ không sai. Do đó ngay từ buổi đầu Mai thị Dung bị công an tỉnh Vĩnh Long lôi ra điều tra, cuối cùng, đại tá Châu Văn Trạng đi đến kết luận: Dung sẽ được Trời cứu.
Đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, bị bắt ở tù lâu, tưởng sẽ chết mà có Quán Thế Âm và Trời cứu thì đừng ai nói ở tù là phạm tội.
29/4/2015
Lê Minh Triết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét