Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Ông Thẻ thứ tư (phần 1)

  
nơi thờ phượng Ông thẻ số tư, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang

Nói về Ông Thẻ là nói đến Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập. Một trong số môn đệ của Đức Phât Thầy là ông Trần văn Thành, dân gian ở quanh khu vực miền Thất Sơn, tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng về đạo BSKH vẫn gọi danh Ông là Đức Cố. Xưa Ông được lệnh Đức Phật Thầy sai đi cấm 4 cây thẻ ở bốn gốc Thiên Cấm Sơn (núi Cấm). Dùng cây cấm xuống đất thì là “cây thẻ”nhưng vì cây thẻ nầy có trách nhiệm bảo vệ vùng địa linh nhân kiệt, không bị bùa ếm của dòng họ Mạc. Họ Mạc từ bên Tàu lánh nạn nhà Thanh mà qua nước ta.


Chúng tôi, mười ba chiếc xe mô tô mỗi xe hai người đi từ hai huyện Chợ Mới, và Châu Thành thuộc tỉnh An Giang, vượt gần trăm cây số để đến một nơi không có gì đẹp mắt. Đã xa mà trên đường lại không phẳng, có đoạn lông chông như sóng lưỡi búa, có khúc thì lại lổ hang giật người.Xe hì hục mà còn gặp trời xui đất khiến chạy lạc, đoạn đường lạc huốc tính đi và về khoảng ba cây số nhưng đổi ra thời gian và đường tốt thì ba mươi cây số chưa bằng.
Đoàn dừng lại để hội ý khi gặp đoạn đường khó.


Xe kia có một phụ nữ chỉ ngồi sau cho người ta chở mà sợ khiếp đến lằn nhằn nổi nóng tuyên bố bỏ cuộc. Tôi bắt đầu lo sợ có sự hưởng ứng phong trào, mới đi chưa già buổi sáng lại có một người tuyên bố bỏ cuộc, e cái câu “bà con không giống, giống người mở hàng”, mới tức. Kéo nhau mà hô “ rút” là báo hại lỗ cái công to.Tôi nghĩ, vào trận mới có chút công mà đầu hàng khơi khơi ai mà chịu sự lỗ lả chứ. Chúng tôi ráp lại khuyên còn phải nói dối một cách vô tư: “Ráng lên chị, chỉ một chút nữa là tới. Qua cây cầu là hết khó, bên kia đường dễ chạy, không còn đất cho mình sãi ngựa nữa đâu mà sợ”.Xúm nhau khuyên lắm, chị ta mới chịu đi tiếp với vẻ mặt không còn chút vui nào.

Dễ gì chứ! Qua cây cầu lúc lắc, rung rẩy thiếu điều muốn té bỏ mạng mà đường xá còn tối tăm mày mặt hơn, bùn lút bánh xe, chạy tới không được, rút lui không xong mà phía sau, người thanh niên to con nhất nhì trong đoàn như chú mười Đức còn phải rên: “Xe tôi mắc lầy rồi!”. Tôi cho dựng đứng chiếc xe mình để trở lại chừng chục mét tiếp vần công với chú mười Đức. Quay lại mới mấy bước, thì xe tôi ở một mình buồn quá kêu lên một tiếng “rầm”, quay mà coi thì nó nằm một đống, tay cầm lái bên trái nhụi sâu xuống sình, cái má kiếng đèn, áo xe bết đầy sình non. Những chiếc xe chạy gần sau đều bại trận, không ai dám bỏ xe mình đi tiếp. Xe chú Mười Đức lớn thây, bãnh thật là bãnh cũng đứng chết trân dưới bùn. Trông trước xa xa có mấy anh em sửa đường, rải đá bụi, nhờ sự tiếp cứu của họ mà chiếc xe được lôi lên thoát nạn, còn tôi đi một mình phải chịu rán cái thân già đỡ xe lên hai lần mới đứng được, tôi mệt hết muốn đứng nổi, nhìn cái mặt mày của chiếc xe yêu quí, thương hết cỡ.

Vất vả như vậy để đến với một nơi hoàn toàn hoang vắng nằm giữa cánh đồng không thấy một bống người, thế mà vẫn là cái nơi có biết bao tấm lòng ấp ủ. Người có tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) kính trọng nơi đây là di tích lịch sử của Đạo BSKH.

Chúng tôi đến địa điểm Ông thẻ thứ tư vào lúc 10 giờ sáng ngày 12 tháng 11 nhằm 20 tháng 9 nhuần 2014. Bốn phía đồng ruộng mênh mông bao lấy một dãy đất gò um tùm cây cối là cái bàn gổ thô sơ, trên không có mái ngói hay lá, thiết mà bằng tấm platic nhỏ vừa đủ che. Cận sau mái che mọc đầy cỏ dại, phía trước có cây Bồ Đề.

Tôi đã dắt đoàn đến đây nhiều lần và mỗi lần đến, thấy quang cảnh chung quanh giữ nguyên không có thêm một chút quyến rủ nào nhưng chỗ thờ thì thay đổi đến mức không thể tưởng tượng được. Tôi đến lần đầu cách nay khoảng mười năm, chỗ thờ chỉ có một nắm chưn nhang với vài cục đá dụm lại làm chỗ cắm hương cho khách hành hương, trên không có mái che, cận phía sau là hai đống lư hương bị đập bể nát nếu gom lại mà chất vào thúng thì có khoảng hai thúng giạ, cận trước một vùng toàn là tro than và tàng tích để lại sau cuộc đốt cháy là vài khúc cây kèo cột bị lửa đánh sập bung ra ngoài vòng lửa. Tôi đến lần thứ hai, chỗ thờ có một lư hương dưới một tấm thiết bẻ co xếp như tấm cà rèm phủ lên chiếc xuồng Tam Bản. Tôi đến lần thứ ba, tấm cà rèm và cái lư hương bị biến mất mà chưa biết ai đã làm chuyện hổn ẩu nầy.
Tín đồ PGHH đang lễ bái Ông Thẻ số bốn.


Tôi đến lần thứ tư xem có sự may mắn hơn, một căn nhà nhỏ trên lợp lá dừa nước, bốn bên vách rào cũng được che kín bởi loại lá nầy. nhà có ngăn vách buồng, gian trước với một ngôi thờ tượng trưng về Ông Thẻ. Chuyến đi nầy tôi đã may mắn gặp cô năm Lệ cùng chồng đến bái viếng, nhà ngoài kênh xáng cách đây ba cây số. Ông bà thành tâm thành ý với chuyện Ông Thẻ thứ tư chưa có ngôi thờ tôn nghiêm và đi vào hoạt động hợp pháp, đã nổ lực vận động cho đây trở thành khu di tích lịch sử, cúng lễ theo dòng phái BSKH và PGHH.

Cô nói, Đức Cố Quản Trần văn Thành là tấm gương trách nhiệm phải thực hiện cho bằng được bỏ sự sai bảo của Đức Phật Thầy, xem gương Ngài mình cũng nên làm cái vì đó để theo đuổi mục đích chung.Ông bà chạy lo về thủ tục hành chánh xin xây cất khu di tích lịch sử và nhờ đến sự tiếp tay của mẹ ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tới nay chưa có dấu hiệu tốt. Tôi hỏi qua căn nhà mới cất trong khu Ông Thẻ nói trên, cô đáp: nhà nầy là của con trai Ông chủ đất, cậu ta có vợ và cùng bà xã ra ở riêng. Cất xong căn nhà vợ chồng dọn đồ về ở thì đêm hôm đầu tiên cả vợ lẫn chồng đều bị người khuất mặt hiện đến đuổi đi, chưa ngủ được chút nào đã thấy quân binh rần rộ, phát sợ khiếp người phải bỏ chỗ mà đi. Ông chủ đất, cha của đôi vợ chồng trẻ nói trên nghe chuyện ốc ác nổi rần mình, tin chắc đây là vùng trung tâm điểm của Ông thẻ thứ tư đã thất lạc, đồng ý hiến nhà và phần đất nầy cho phần thiêng liêng.Nghe chuyện cô năm Lệ vừa kể tôi rất mừng và tưởng đến một tương lai sáng sủa còn cách không xa. Ai có ngờ đâu, năm sau tôi đến thì căn nhà ấy cũng bị biến mất.

Giờ trở lại 12/11/2014 tôi hết biết là lần thứ mấy mà nơi thờ Ông Thẻ thứ tư vẫn còn đổ nát do sự phá phách vùng tín ngưỡng có tên trong lịch sử tôn giáo BSKH.

                                                                                                                                Lê Minh Triết
                                                                                                                                20/11/2014

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét