Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Nước mặn xâm nhập.

Từ lúc nghe đài, báo đưa tin nước biển xâm nhập vào ruộng, vườn cây ăn trái ở nhiều tỉnh miền Tây Nam nước Việt làm tôi hồi hợp lo âu. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất nông nghiệp bao đời mở mang trù phú, nay nhiễm mặn mùa màng hư hoại, ruộng lúa vườn cây ăn trái bị bức tử, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh đói khổ nợ nần.

Tôi nghĩ, chuyện nầy xảy ra ở vùng đất phù sa gây ảnh hưởng xấu rất lớn đối với đồng bào nói chung, tín đồ PGHH nói riêng. Vì sao vậy?

Khi Đức Thầy khai đạo Ngài chọn vùng đồng bằng sông Cửu Long đất đai phì nhiêu, nhân sanh do ảnh hưởng xứ quê mà tánh tình hiền hậu, thật thà, khuyên tu không cần phải đi đâu cho có màu mè, tu hành ngay trên đám ruộng của mình, như những câu Ngài viết:

“Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà”
“lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”.



Ruộng lúa khô hạn

Không chỉ khuyên như vậy thôi là đũ, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, Đức Thầy thoát khỏi sự kềm kẹp của quân dị chủng, nhìn về tương lai của đất nước thấy đau lòng, tiềm năng kinh tế quốc gia nông nghiệp là chánh, trong thời kỳ Pháp cai trị họ đã lên kế hoạch phá hoại đời sống nông dân; miền bắc họ cho nhổ lúa trên ruộng trồng lại rau Đay cung ứng theo yều cầu quân đội làm chết đói cả hai triệu sanh linh. Nhựt đảo chánh thành công, nắm được gia tài Việt Nam trong tay Pháp, một gia tài nghèo nàn vô phương cứu chữa. Vì gạo lúa không bán xuất khẩu được bởi sự bao vây kinh tế của lực lượng đồng minh, bán trong nước giá rẻ mạt, dân phải bỏ nghề làm ruộng đất trở lại hoang sơ. Lúa gạo tiêu thụ trong vùng không hết, miền Bắc đói chết người như vậy, dư họ không cho chuyển đi cứu đói đồng bào mình lại dùng lúa đốt thay than ở các nhà máy.

Trông vào hoàn cảnh nghèo lụn ở Việt Nam. Muốn cho kinh tế nông nghiệp phục hồi và phục hồi một cách nhanh nhẹn nữa là khác, người Nhựt tin Đức Thầy có thể làm được việc đó, họ yêu cầu Ngài mở cuộc Khuyến Nông. Phần Đức Thầy, từ ngày 18 tháng 5 Kỷ Mão 1939, chưa tròn một năm ở vùng Thánh Địa cho tín đồ các nơi đến quy y thọ pháp, ngày 12 tháng tư Canh Thìn Ngài bị nhà cầm quyền thuộc địa tỉnh Châu Đốc đến Tổ Đình PGHH dời về Sa Đéc. Từ đó Ngài bị lưu diễn theo bối cảnh chánh trị về mặt quần chúng tùy theo sự tính toán của họ. Điều họ cần là làm thế nào ngăn tín đồ đến gặp Đức Thầy, dời Ngài rài đây mai đó để Đức Thầy và tín đồ không nắm bắt thông tin và đưa ra hành động cụ thể làm gì làm gì.

Sau lúc Pháp mất quyền cai trị, Đức Thầy viết quyển sáu đề tựa là “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO”, qua lời nói đầu Ngài viết: “Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gủi các người để giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.”

Cánh đồng khô hạn.



Trong thời gian Đức Thầy bị Pháp dời đi an trí, người đời quy y vào đạo không trực tiếp với Đức Thầy họ rất thèm gặp Ngài, nay bổng nhiên Ngài xuất hiện trên đường khuyến nông. Tỉnh qua tỉnh, làng qua làng đều được tín đồ hay tin tổ chức chào đón long trọng. Theo như tác phẩm mang tên” Đức Huỳnh Giáo Chủ” của cụ Vương Kim trình bày cuộc chào đón Đức Thầy trên đường Khuyến Nông như sau:
“Sự vui mừng của anh em tín đồ trông mong Ngài về không còn bút mực nào tả cho hết. Người ta dựng lên những cổng chào ở mỗi chặng đường và dài theo lộ đặt bàn hương án tỏ lòng kính mộ không khác quang cảnh trước khi rước sắc Thần trong làng. Trên đường Ngài đi qua, già trẻ nữ nam sắp hàng theo hai bên vệ đường làm thành hàng rào dài, đứng chực chờ cả ngày cả buổi, không quản nắng mưa miễn được chiêm ngưỡng dung nhan. Có điều làm cho mọi người cảm động là mỗi khi Ngài đi qua, nhiều cụ già mừng đến rơi lệ dầm dề, nghẹn ngào chào mừng không nên tiếng.”

Trong khi người ta bỏ ruộng thì Đức Thầy khuyến nông lời lẽ như tiếng kêu thương thiết tha từ tim não:

“ Hỡi đồng bào ! Hỡi đồng bào !
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc.
Ngày lại ngày siết chặt giống nòi,
Lật qua các báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây di bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta.
…………..
Giờ đây xem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
No dạ dày là chước đầu tiên.
Nam kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung
………….
Gởi một tấc lòng son nhắn nhủ,
Khuyên đồng bào hãy rủ cho đông.
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần lao, nhẫn nại Lạc Long cổ truyền”.
Bên cạnh của lời khuyên “Nắm tay trở lại cánh đồng”, Đức Thầy đến đâu cũng khuyên người đời tu niệm:
“Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành,
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria”

Đối với sự nhận định của người tín đồ, chuyện Đức Thầy đi khuyến nông là một công trình vĩ đại chưa có vị tài danh hay chánh trị gia nào trong nước Việt gánh vác nổi. Cuộc khuyến nông đạt đến mục tiêu thực sự là dân chúng nắm tay trở lại cánh đồng làm giàu đất nước từ vùng đất “ruộng đồng bỏ hoang”, xuất khẩu gạo mỗi năm đứng hạng nhứt, nhì, ba trên thế giới.

Năm nay, 2016 hai tháng qua sự kêu cứu của nông dân ở vùng trọng điểm nông nghiệp, đất ruộng bị nước mặn tràn vào bức tử những đám lúa xanh non tươi tốt, những vườn cây ăn trái. Nước mặn xâm nhập trên nhiều viện đất thuộc các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang… những hộ nông dân các tỉnh trong vùng có xảy vụ nước mặn xâm chiếm, chịu tai hại lớn nhứt cho sự sống còn. Hiện giờ những nơi nói trên thiếu nước uống, nước sinh hoạt, mùa màng bị mất trắng hoặc mất độ năm mươi bảy mươi phần trăm, lổ nặng nợ nần chồng chất, trong nhà hết tiền hết vốn còn phải chạy ăn, mua nước sinh hoạt nữa thì quá là tội nghiệp.

Ngày 24/3/2016, chúng tôi khởi hành chuyến về tỉnh Kiên Giang thám sát, chọn nơi ruộng bị mặn, đến những hộ nông dân và đất canh tác của họ qua sự hướng dẫn của các anh Lê văn Ba, Phạm văn Sáu, Dương văn Trường ở ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang; ( tỉnh nầy xưa Đức Thầy có đến khuyến nông nhiều nơi). Đưa chúng tôi đi thăm ruộng bằng chiếc tắc ráng trong đập nước người ta đang thực hiện công trình xây cống chận mặn. Ngồi trên chiếc tắc ráng đang chạy chúng tôi thọt tay xuống nước bốc lên nếm thử, mùi mặn khó chịu. Nguyên cánh đồng rộng bao la ruộng rạ khô cháy. Có số chủ ruộng vô tư không hay nước mặn léo đến, tới cử bơm nước đặt máy xuống là bơm, ngày sau coi ruộng thấy lúa non xào lá chết tức tửi, những miếng ruộng khác quanh vùng hay được, không bơm nước vào ruộng mà mặn lại ở lâu, không có nước ngọt bơm lên ruộng, riết lúa khô cũng chết lần mòn, ăn vớt vát vài mươi phần trăm.


Nước biển xâm nhập vào sâu trong các con kênh.

Chúng tôi đến ruộng của anh Phạm văn Sáu, nhìn thấy lúa khô cây chết đứng, xa xa còn có những chòm bông chín háp mà nhìn anh Phạm văn Sáu, mặc quần cụt, chân mốc thếch dáng vẻ hết sức phong trần, ốm o, tiều tụy. Đây rồi những ngày dài chịu đựng với cái cảnh đói rách thiếu ăn lâu, e rằng vẻ phong trần tiều tụy chắc phải xuống cấp trầm trọng. Thấy mà thương! Chúng tôi hỏi anh:

- Từ ngày bị nước biển xâm nhập ruộng lúa chết khô bà con mình có nhận được sự giúp đỡ ưu ái của nhà nước không?

- Nhà nước thì mấy quan làng đây có hứa giúp _ Anh Sáu nói_ nhưng tới nay chưa nhận được chút đỡ đói nào.

- Ngoài lời hứa của phía nhà nước _ tôi nói _ với tình đồng bào nhân loại anh có yêu cầu gì không?
Anh Sáu đáp:

- Ở vào hoàn cảnh của chúng tôi hiện giờ chỉ cái lo ăn để sống mà coi mòi quá đuối sức, còn chuyện tương lai nếu một ngày nào đó nước mặn rút ra biển, chúng tôi không biết lấy đâu được giống và vốn để làm lại, nếu đồng bào nhơn loại có thương tình giúp đỡ thì ơn cao tợ núi.

- Vậy anh cho chúng tôi biết tên họ của anh và số điện thoại để nếu có thể… đồng bào nhơn loại biết được nổi khổ của anh mà chia sẻ.

- Tôi tên Phạm văn Sáu, ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang số điện thoại: 0169.7125.382. Lê văn Ba, địa chỉ như trên, số điện thoại: 0943.433.706. Dương văn Trường cũng địa chỉ như trên nhưng không có số điện thoại.

Võ tắc ráng đưa chúng tôi ra kinh xáng lớn, nhà anh Lê văn Ba nấu cơm sẵn mời chúng tôi một bửa cơm chay thanh đạm. Thật tình thì chúng tôi không muốn ở dùng. Ruộng lúa bị chết tức tửi nhà người ta lâm cảnh nghèo đói còn gặp khách với khứa. Nồi cơm nhỏ có tý cơm; đi chung với tôi có hai em trẻ còn sức ăn mà bị tôi hối hả đường xa, đói không ghé quán là mang đói lâu, nên cơm ở đây chỉ ăn lót dạ.

Gần 1 giờ chiều, chúng tôi phải chạy nhanh về cho kịp trước khi trời tối.

Triết Lê
27/3/2016

1 nhận xét: