Nguyễn Bắc Truyển
- Nhà nước CHXHCN Việt Nam thành viên Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền LHQ (1948)
- Nhà nước CHXHCN Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (1966).
- Nhà nước CHXHCN Việt Nam tham gia Công ước chống Tra tấn, Trừng phạt tàn nhẫn và Hạ thấp nhân phẩm(1984)
- Nhà nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước Quốc tế (2005).
Theo Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (1966) và Công ước chống Tra tấn, Trừng phạt tàn nhẫn và Hạ thấp nhân phẩm(1978),quyền xét xử công bằng là quyền căn bản, “hòn đá tảng” trong hệ thống bảo vệ nhân quyền quốc tế. Luật quốc tế bảo vệ những người bị bắt giữ vì cho rằng khi bị cáo buộc tội hình sự, bị cáo sẽ phải đối mặt với cả một guồng máy tư pháp của một quốc gia, mà ở đó tính mạng, thân thể, nhân phẩm của bị cáo có thể bị đe dọa bởi sự lạm dụng quyền hạn của nhân viên công quyền trong khi thực thi pháp luật.
Do đó, "xét xử công bằng" có nghĩa là cho đương sự được bình đẳng về phương tiện và cơ hội trong tiến trình tố tụng và phiên xử. Các bên liên quan đến vụ án phải được đối xử ngang nhau khi tham dự phiên toà, nghĩa là phải được thông tin giống nhau, được trình bày và biện hộ trong những điều kiện như nhau. Muốn bảo đảm cho việc xét xử được công bằng thì quyền của bị cáo phải được bảo vệ nghiêm túc từ khi người đó bị bắt cho đến khi có bản án chung thẩm (hoặc giám đốc thẩm).
Luật quốc tế bảo vệ quyền được suy đoán là vô tội. Theo đó, một người phải được xem là vô tội cho đến khi tội trạng của người đó được một tòa án có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị chứng minh trong một phiên xử công khai mà người đó có đầy đủ quyền bào chữa. Như vậy trước khi bản án có hiệu lực thì người bị giam giữ hoặc bị cáo vẫn được xem là người vô tội và phải được mọi thành phần tham gia vụ án đối xử như là một người vô tội.
Thần Công lý
A/ Tiền xét xử:
- Nghiêm cấm việc biệt giam, tra tấn, hành hạ, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục trong khi thẩm vấn để ép cung hay khảo cung người bị giam giữ (bị can, bị cáo).
- Người bị giam giữ có các quyền: không bị bắt giữ tùy tiện (trái pháp luật), được thông báo lý do ngay khi bị bắt, được quyền xuất hiện tức thời trước một thẩm phán để tranh luận về tính hợp pháp của việc bắt giữ; được đem ra xét xử mau chóng.
- Người bị giam giữ được gặp mặt luật sư ngay khi bị bắt và trong suốt thời gian giam cứu, được quyền yêu cầu luật sự có mặt trong các buổi thẩm vấn để tư vấn cho mình; được tiếp xúc riêng với luật sư (nhân viên tư pháp có thể có mặt trong buổi gặp nhưng phải giữ một khoảng cách chỉ đủ thấy chứ không thể nghe).
- Người bị giam giữ phải có đầy đủ thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị tốt cho việc bào chữa như được tiếp cận với những thông tin, hồ sơ và chứng từ cần thiết cho việc bào chữa.
- Người bị giam giữ được có thông dịch viên nếu không hiểu được ngôn ngữ của thẩm vấn viên (hoặc quan tòa), được gặp cơ quan đại diện ngoại giao mà bị cáo có quốc tịch nếu bị cáo là người nước ngoài.
- Người bị giam giữ được gặp mặt thân nhân, bạn bè (tránh bị cô lập làm ảnh hưởng đến tinh thần).
- Người bị giam giữ có thể được khám bác sỹ riêng theo yêu cầu (tự thanh toán chi phí); không bị giam giữ chung với người đã có án, mang bệnh lây nhiễm (biện pháp này dùng để khủng bố); phòng giam phải có ánh sáng tự nhiên, thông thoáng; được cung cấp nước đủ để uống, nước để tắm giặt và vệ sinh; được quyền đọc sách, báo hoặc nhờ mua các ấn phẩm được phát hành công cộng, phổ thông; được quyền đọc sách tôn giáo, kinh thánh cũng như cầu nguyện.
B/ Trong phiên tòa, bị cáo được quyền:
Bị cáo được quyền ra tòa để được xét xử về một tội trạng bị cáo buộc.
Quyền được hỗ trợ pháp lý miễn phí (luật sư được mời có đủ năng lực và không có quyền lợi đối kháng với bị cáo). Nếu không có điều kiện mời luật sư riêng, được quyền mời "nhân chứng giải tội" (trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng về phương tiện giữa buộc tội và giải tội).
Bị cáo phải được xét xử công khai, một phiên tòa xử kín sẽ làm mất niềm tin vào công lý và có thể xét xử bất công (thiếu sự giám sát của dân chúng, báo chí, tổ chức nhân quyền, đại diện các cơ quan ngoại giao...). Công khai cũng có nghĩa là công chúng được thông báo sớm về thời gian và địa điểm xử án trên phương tiện truyền thông; địa điểm này phải thuộc về địa phương của bị cáo (nếu bị bắt tại nơi cư ngụ và nghi ngờ phạm tội nơi cư ngụ) và phải thuận lợi cho việc đi lại; phòng xử phải đủ rộng để công chúng tự do tham dự; bị cáo phải có mặt trước tòa. Nếu đưa ra lý do "an ninh quốc gia" để hạn chế việc xử công khai, thì những lý do này phải thực sự hợp lý (trong một đất nước có nền dân chủ thật sự, quốc gia trong tình trạng khẩn cấp, chiến tranh).
Bị cáo được quyền ra trước một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị (để loại trừ cơ quan hành pháp buộc tội oan sai). Một tòa án có thẩm quyền là một tòa án được thành lập theo luật định, có nhân sự đủ năng lực xét xử về tội danh liên quan. Một tòa án độc lập là một tòa án không bị ảnh hưởng của ngành hành pháp, lập pháp và nhất là của đảng cầm quyền. Bản án sẽ là kết quả của việc tranh tụng giữa các bên trong phiên xử chứ không phải được sắp đặt từ trước (án bỏ túi). Một tòa án thiên vị là một tòa án xử theo thành kiến (nhằm bảo vệ cho cơ quan công quyền, công tố, công an, đảng cầm quyền...).
Bị cáo có quyền được suy đoán vô tội. Trong suốt phiên xử, thẩm phán phải xem bị cáo là người vô tội. Công tố có trách nhiệm đưa ra các chứng cớ chứng minh bị cáo có tội. Bị cáo có quyền đưa ra chứng cớ giải tội. Trong trường hợp không chắc chắn về chứng cứ buộc tội thì thẩm phán phải suy diễn có lợi cho bị cáo đó là vô tội. Quyền được suy đoán vô tội được thể hiện khi bị cáo không bị bắt mang xiềng, còng, mặc áo tù hay quần áo lôi thôi trong phiên tòa.
Bị cáo có quyền từ chối trả lời (quyền giữ im lặng). Quyền này để bị cáo không tự buộc tội mình hay không phải thú nhận tội trạng trong giai đoạn điều tra và trong phiên. Sự im lặng của bị cáo không thể bị diễn giải là đồng ý với lời buộc tội, cũng không phải là chứng cớ để buộc tội.
Bên bào chữa có quyền bình đẳng với bên công tố trong suốt phiên xử. Bị cáo được quyền biết về các chứng cứ buộc tội. Phía công tố phải thông báo trước cho phía luật sư, bị cáo về các nhân chứng được mời ra hầu tòa. Thời gian thông báo phải đủ cho phía bào chữa chuẩn bị các "nhân chứng giải tội" hay lời bào chữa. Phía bào chữa được quyền chất vấn nhân chứng. Bị cáo có quyền có mặt trong phần chất vấn nhân chứng. Bị cáo được quyền phản cung, được quyền tố cáo các hành vi tra tấn, nhục hình, ngược đãi mình đã phải gánh chịu trong quá trình thẩm vấn. Các chứng cớ dùng để buộc tội bị cáo của cơ quan điều tra bị xem là không có giá trị khi tòa xác minh bị cáo đã bị tra tấn, khảo cung...
Quyền kháng cáo và quyền nhận được bồi thường nếu bị cáo nhận thức mình bị xét xử oan sai, vi phạm pháp luật.
Quyền không bị xét xử hai lần vì một tội danh (luật hình sự). Quyền này cũng nhằm ngăn chặn cả việc xử một tội dưới hai tội danh khác nhau.
C/ Các tài liệu tham chiếu
1/ Tham chiếu Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948):
Ðiều 10:
Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.
Ðiều 11:
1. Khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự.
2. Không ai có thể bị kết án khi có những hành động hay sơ suất xảy ra vào lúc mà luật pháp của quốc gia hay quốc tế không qui định đó là một hành vi phạm pháp. Tương tự như vậy, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt được ấn định vào lúc hành vi phạm pháp xảy ra.
Ðiều 12:
Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.
2/ Tham chiếu Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (1966):
Phần III (Điều 6 - 27) liệt kê các quyền được Công ước bảo hộ, bao gồm các quyền sau:
- Quyền toàn vẹn thân thể, tức là quyền được sống, không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ (Điều 6, 7 và 8).
- Quyền tự do và an toàn nhân thân, tức là quyền không bị bắt và bỏ tù vì các lý do không chính đáng (Điều 9 – 11).
- Quyền bình đẳng trước luật, và mọi cáo trạng phải đúng trình tự pháp luật. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được chấp nhận là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. (Điều 14, 15 và 16).
3/ Tham chiếu Công ước chống Tra tấn, Trừng phạt tàn nhẫn và Hạ thấp nhân phẩm (1984)
http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=227&mcid=3
4/ Tham chiếu Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế (2005):
Điều 3, khoản 6: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đồng thời có quyền đòi hỏi thành viên khác cũng phải tuân thủ điều ước quốc tế đó.
Điều 6, khoản 1: Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét